Khó khăn trong ứng dụng công nghệ quản lý, khai thác rừng
Đa số các tổ hợp tác, hợp tác xã lâm nghiệp mới chủ yếu cung cấp các dịch vụ phát triển rừng như cung cấp giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm cung cấp các thông tin và hướng dẫn các cán bộ tư vấn phát triển hợp tác xã trong hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có thêm kiến thức về ngành lâm nghiệp và phát triển rừng để tư vấn, hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác lâm nghiệp hoạt động hiệu quả, sáng 22/6, Viện Phát triển kinh tế hợp tác đã khai mạc “Khóa đào tạo giảng viên về tư vấn phát triển hợp tác xã lâm nghiệp” gọi tắt là khóa TOT với hình thức trực tuyến qua mạng với công nghệ zoom.
Phát biểu khai mạc khóa học, ông Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế hợp tác cho biết: Viện Phát triển kinh tế hợp tác được Liên minh Hợp tác xã Việt Nam giao thực hiện dự án “Nâng cao năng lực cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong phát triển lâm nghiệp và tham gia chương trình khí hậu quốc gia” do Tổ chức Phát triển lương thực và lâm nghiệp Phần Lan (FFD) hỗ trợ.
Do vậy, để giúp các cán bộ tư vấn có thêm kiến thức trong thực hiện Luật Lâm nghiệp 2017, chương trình quản lý rừng bền vững; chương trình quốc gia về chống biến đổi khí hậu; chứng chỉ rừng Việt Nam và quốc tế; tư vấn phát triển hợp tác xã lâm nghiệp theo Luật Hợp tác xã 2012; quản lý rủi ro trong kinh doanh lâm nghiệp…, Viện đã tổ chức khóa học trực tuyến 5 ngày từ 22-26/6 tới.
Theo ông Hoàng Văn Long, nguyên Trưởng ban Thông tin tuyên truyền (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam)-điều phối viên của chương trình, hiện nay, ngành lâm nghiệp đang quản lý và khai thác diện tích rừng rất lớn.
Tại thời điểm 31/12/2018, diện tích đất có rừng toàn quốc là gần 14,5 triệu ha; trong đó rừng tự nhiên gần 10,3 triệu ha, rừng trồng hơn 4,2 triệu ha.
Hàng năm, các sản phẩm lâm nghiệp (gỗ các loại, mây, tre, nứa,lá…) và các sản phẩm khai thác từ rừng (mật ong, cây dược liệu…) ngày càng có nhu cầu lớn trên thị trường trong nước và quốc tế.
Năm 2019 xuất khẩu lâm sản đạt 11,2 tỷ USD, vượt 6% so với kế hoạch đề ra ban đầu là 10,5 tỷ USD và tăng 19,2% so với năm 2018.
Sản phẩm lâm nghiệp của Việt Nam đã được xuất khẩu sang 140 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó, thị trường xuất khẩu lâm sản chính là các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước EU đạt 9,71 tỷ USD, chiếm trên 86% tổng giá trị xuất khẩu lâm sản.
Ngành lâm nghiệp đã và đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động, nhất là các đồng bào dân tộc thiểu số sống ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa là những nơi thường có nhiều rừng, đất để trồng rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Tuy nhiên, số lượng tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực lâm nghiệp ở Việt Nam rất ít, chỉ có 176 tổ hợp tác, 122 hợp tác xã lâm nghiệp và gần 7.000 hợp tác xã kinh doanh dịch vụ tổng hợp có hoạt động lâm nghiệp.
Nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có rừng, nhưng chưa có hợp tác xã lâm nghiệp như Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Giang…
Cũng theo ông Hoàng Văn Long, đa số các tổ hợp tác, hợp tác xã lâm nghiệp mới chủ yếu cung cấp các dịch vụ phát triển rừng như cung cấp giống cây trồng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm là chính còn các hoạt động khác như ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong quản lý, khai thác rừng còn gặp nhiều khó khăn nên thu nhập còn thấp, không ổn định.
Hơn nữa, đội ngũ cán bộ quản lý điều hành hợp tác xã theo cơ chế thị trường còn nhiều bất cập; liên kết, hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Ngoài ra, đa số các hợp tác xã lâm nghiệp còn thiếu vốn để đầu tư trồng cây gỗ lớn cũng như gặp khó khăn để được cấp chứng chỉ rừng Việt Nam và rừng quốc tế.
Nhằm phấn đấu đến năm 2030 sẽ phát triển khoảng 1.000 tổ hợp tác lâm nghiệp, từ 150-200 hợp tác xã lâm nghiệp và 5 liên hiệp hợp tác xã cũng như củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của 7.500 hợp tác xã kinh doanh nông nghiệp có hiệu quả, các chuyên gia cho rằng cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của rừng trong phát triển kinh tế và chống biến đổi khí hậu.
Mặt khác, phổ biến sâu rộng về Luật Lâm nghiệp Việt Nam, Luật Hợp tác xã, chiến lược phát triển rừng của Việt Nam; chương trình khí hậu quốc gia; quản lý rừng bền vững; chứng chỉ rừng trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, cần giới thiệu những mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã lâm nghiệp trong và ngoài nước hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển rừng và tham gia tích cực chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, chia sẻ kinh nghiệm của các hợp tác xã lâm nghiệp hoạt động hiệu quả ở các nước có nhiều rừng và phong trào hợp tác xã lâm nghiệp phát triển./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kho-khan-trong-ung-dung-cong-nghe-quan-ly-khai-thac-rung/160418.html