Khó khăn trong vận động tiêm phòng cho trẻ ở Đắk Lắk

Tiêm chủng vaccine cho trẻ em là biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, ở một số thôn, buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk việc tiêm chủng còn gặp khó khăn, tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang bùng phát dịch bệnh sởi ở một số địa phương. Việc tiêm vaccine phòng bệnh là điều cấp thiết và cần triển khai rộng rãi và nhanh chóng trên toàn tỉnh.

Thế nhưng, khi nguồn vaccine về đủ, nhiều phụ huynh lại có tâm lý chủ quan, chưa cho con đi tiêm phòng và khi trẻ có các biểu hiện bất thường, không đưa trẻ tới cơ sở y tế khám để điều trị, cách ly kịp thời làm tăng mức độ lây lan bệnh. Bên cạnh đó, hiện nay là thời điểm các em học sinh tựu trường khiến bệnh dễ lây lan.

Việc vận động, tuyên truyền bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số cho trẻ đi tiêm phòng gặp nhiều khó khăn vì tâm lý chủ quan

Việc vận động, tuyên truyền bà con là người đồng bào dân tộc thiểu số cho trẻ đi tiêm phòng gặp nhiều khó khăn vì tâm lý chủ quan

Tại một buổi tiêm chủng tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, xã chỉ cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột chưa đầy 20 km nhưng số phụ huynh đưa trẻ đến tiêm chủng tại trạm y tế vẫn rất ít ỏi. Chỉ khi nghe đến trong xã có ca mắc bệnh sởi họ mới đưa con trẻ đến tiêm chủng.

Trao đổi với người dân đang đưa con em mình đi tiêm chủng phòng bệnh, chị H'Riếp Ayun (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: "Nghe có dịch sởi mình cũng lo lắng chứ... lo lắng nên mới đưa con đến trạm xã tiêm chủng".

Còn với chị H'Mi Ky Êban (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk)lo lắng chia sẻ, con tôi nay đã hơn 18 tháng nhưng nay mới đến tiêm mũi sởi đầu tiên, tôi có nghe thông tin đang có dịch sởi nên cũng rất lo lắng.

 Cán bộ y tế đến từng thôn, buôn để tuyên truyền, vận động bà con cho trẻ đi tiêm phòng vaccine

Cán bộ y tế đến từng thôn, buôn để tuyên truyền, vận động bà con cho trẻ đi tiêm phòng vaccine

Nếu trẻ không được chích ngừa sởi đầy đủ thì chắc chắn sẽ mắc bệnh sởi, năm nay không mắc thì năm sau sẽ mắc. Để đảm bảo có được tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho trẻ và phụ nữ mang thai trên địa bàn, lực lượng cán bộ y tế xã thường xuyên phối hợp với cán bộ y tế thôn buôn để tuyên truyền, vận động. Dù đã nỗ lực, cố gắng, nhưng do nhận thức của người dân còn hạn chế, nên tỷ lệ tiêm vẫn không được cải thiện là bao. Đến hết 9 tháng năm nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine trên địa bàn mới chỉ đạt hơn 70%.

Hiện Đắk Lắk đang có dịch bệnh sởi, do đó các cơ quan ban ngành đang tích cực vận động bà con cho trẻ đến tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Hiện Đắk Lắk đang có dịch bệnh sởi, do đó các cơ quan ban ngành đang tích cực vận động bà con cho trẻ đến tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk Y Djớt Êban cho biết, khó khăn nhất hiện nay tại các thôn, buôn người đồng bào dân tộc thiểu số là dân cư sống thưa thớt, không tập trung, thậm chí có những hộ gia đình sống trong nương rẫy vùng xa, khó liên lạc nên việc vận động, tuyên truyền để người dân tiêm phòng vaccine đầy đủ cho trẻ em và phụ nữ mang thai còn nhiều hạn chế.

Để đảm bảo triển khai sâu rộng, từng bước nâng cao chất lượng tiêm chủng cho trẻ trên địa bàn xã Cuôr Đăng nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung, cùng với sự nỗ lực của cán bộ y tế cơ sở, rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động. Từ đó, từng bước nâng cao nhận thức đúng đắn của người dân về công tác tiêm chủng, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, cộng đồng.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kho-khan-trong-van-dong-tiem-phong-cho-tre-o-dak-lak-post391564.html