Khó kiểm soát chất ma túy 'nhập nhèm' trong thuốc lá điện tử

Tại hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của thuốc lá mới do Bộ Y tế tổ chức ngày 5-7 tại Hà Nội, các chuyên gia cho biết, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, nhất là trong giới trẻ đang gia tăng. Đặc biệt, rất khó kiểm soát các chất ma túy 'nhập nhèm' ẩn chứa trong các hương liệu, dung dịch của thuốc lá điện tử.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thu Trang

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thu Trang

13,3% mẫu thuốc lá điện tử từ 120 bệnh nhân có chứa ma túy

Vào năm 2022 và 2023, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận gần 130 ca nhập viện do ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tại đây tiếp nhận khoảng 100 ca; trong đó xét nghiệm nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy.

Điển hình như nam sinh viên 20 tuổi ở Hà Nội có tiền sử sử dụng thuốc lá điện tử. Năm 2023, bệnh nhân đã phải nhập viện vì ngộ độc thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, sau khi được điều trị khỏi, thanh niên này vẫn tiếp tục sử dụng thuốc lá điện tử. Vào cuối tháng 6-2024, sau khi phát hiện nam sinh đang co giật, bất tỉnh, gia đình đã đưa đến bệnh viện gần nhà.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp co giật, tụt huyết áp, suy thận, tổn thương đa cơ quan, trong đó có tổn thương tim và não. Xét nghiệm mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân sử dụng cho thấy có chứa cần sa tổng hợp. Hiện, bệnh nhân vẫn đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc.

Bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một khảo sát được Trung tâm Chống độc nghiên cứu đối với mẫu thuốc lá điện tử được 120 bệnh nhân sử dụng cho thấy, 16 mẫu dương tính với ma túy (chiếm tỷ lệ 13,3%). Kết quả độc chất một số bệnh phẩm gửi Viện pháp y, phát hiện các chất ma túy với thành phần, gồm: ADB-Butinaca, MDMD-butinaca; ADB-4en-pinaca; MDMB-4e-pinaca; EDMB-4e-pinaca; THC; PB-22.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, phần lớn người dân và thanh thiếu niên quan niệm thuốc lá điện tử rất đơn giản, không có nicotine gây nghiện. Điều này hoàn toàn sai lầm. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy.

Hiện chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng từ trên 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Tại hội thảo, các chuyên gia y tế cũng đưa ra cảnh báo: Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, khi sử dụng thuốc lá điện tử thì khả năng sử dụng ma túy tăng lên rất cao. Cụ thể, nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút thuốc lá điện tử.

Đề cập đến tỷ lệ người trưởng thành (15 tuổi trở lên) sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 0,2% vào năm 2015 lên 3,6% vào năm 2020, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) lo ngại, tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử, nhất là trong học sinh, sinh viên đang gia tăng. Do đó, khi ma túy được đưa vào thuốc lá điện tử sẽ ảnh hưởng lớn đến giới trẻ. Thậm chí, các chất ma túy sẽ “nhập nhèm” ẩn chứa trong các hương liệu, dung dịch, nicotine của thuốc lá điện tử, không thể kiểm soát được.

Cần cấm trước khi được sử dụng phổ biến

Theo điều tra, năm 2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới trong nhóm 13-17 tuổi là 2,6%, tỷ lệ này tăng lên 3,5% vào năm 2022 và lên 7% năm 2023. Riêng trong nhóm 13-15 tuổi, điều tra năm 2023 cho thấy, tỷ lệ sử dụng lên tới 8%, trong đó trẻ trai sử dụng nhiều hơn trẻ gái (tỷ lệ 10,5% so với 5,6%).

Các mẫu thuốc lá điện tử gây ngộ độc được thu thập tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các mẫu thuốc lá điện tử gây ngộ độc được thu thập tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bên cạnh đó, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, chỉ trong năm 2023, có đến hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.

Từ thực tế trên, tại hội thảo, các chuyên gia đều cho rằng, việc sử dụng thuốc lá điếu thông thường ảnh hưởng tới sức khỏe một cách âm thầm, còn sử dụng thuốc lá điện tử gây tác hại ngay lập tức.

“Dùng 20 điếu thuốc lá thông thường mỗi ngày không có tác hại bằng hút thuốc lá điện tử với hàm lượng nicotine cao. Do đó, chúng ta cần cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá mới một cách toàn diện trước khi nó được sử dụng phổ biến hơn”, ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, hiện tại các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán ở Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm lậu được bán khá tràn lan. Tình trạng này sẽ dẫn tới gia tăng nhanh sử dụng thuốc lá mới trong giới trẻ.

“Các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại, cả tác hại lâu dài và ngay trước mắt. Nếu không được ngăn chặn hiệu quả, thuốc lá mới sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine và nhấn chìm những kết quả của phòng, chống tác hại thuốc lá trong những năm gần đây”, ông Nguyễn Tuấn Lâm thông tin.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Tuấn Lâm khuyến nghị, cần nhanh chóng ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo và khuyến mãi các sản phẩm này ở Việt Nam; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm thực thi và chế tài. Về lâu dài, cần chuyển và hoàn thiện tiếp các quy định cấm từ nghị quyết vào trong luật sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kho-kiem-soat-chat-ma-tuy-nhap-nhem-trong-thuoc-la-dien-tu-671256.html