Khó nhân rộng công nghệ drone ở hợp tác xã

Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai mô hình trình diễn drone từ nhiều năm nay nhưng đều cho rằng hiện tại rất khó nhân rộng, bởi hạ tầng đồng ruộng chưa phù hợp, khó quy tụ các hộ có ruộng liền thửa cùng làm...

Ứng dụng thiết bị bay không người lái chăm sóc lúa trên cánh đồng của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa. Ảnh minh họa

Ứng dụng thiết bị bay không người lái chăm sóc lúa trên cánh đồng của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa. Ảnh minh họa

Drone là công nghệ phun thuốc, bón phân trên đồng ruộng bằng máy bay không người lái. Drone được cho là hiện thực hóa giấc mơ ruộng đồng không dấu chân, nâng sản xuất nông nghiệp từ cơ giới hóa lên tự động hóa. HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) là một trong những HTX tiếp cận drone từ sớm (năm 2020). Đến nay, HTX nàky chưa triển khai thêm lần nào.

Ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX này cho biết: Drone chỉ phát huy hiệu quả khi thực hiện trên diện tích sản xuất lớn từ vài chục tới cả trăm héc ta. Trong khi đó, ruộng của bà con manh mún, nhỏ lẻ với nhiều loại giống khác nhau. Để có được diện tích như mong muốn, HTX phải huy động vài chục hộ có ruộng liền kề nhau. Thực tế, HTX vận động bà con cùng đồng thuận làm không dễ. “Ví dụ, để có 50ha ruộng phun thuốc bằng drone, HTX vận động 30 hộ liền kề. 29 hộ đồng thuận, nhưng 1 hộ không làm cũng coi như bỏ”, ông Tuấn nói.

Năm 2022, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Thắng 2 (huyện Phú Hòa) triển khai công nghệ phun thuốc drone trên 30ha, sang năm 2023 còn 25ha và tới năm nay rút tiếp xuống còn 20ha. Theo ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc HTX này, để drone cất cánh thuận lợi thì trên khoảng không không có đường dây điện giăng mắc.

Trong khi đó, ruộng của bà con không thể không có dây điện để chạy máy bơm kéo nước về đồng. Thêm nữa, sau mỗi lần phun, dù HTX đứng ra tạm ứng tiền trả cho đơn vị cung ứng dịch vụ và tới khi thu hoạch mới thu lại của bà con, nhưng việc đi thu từng hộ, HTX không đủ nhân lực và thời gian.

Còn ông Trần Ngọc Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Kiến 2 (TP Tuy Hòa) chia sẻ: Vụ hè thu 2023, HTX triển khai thí điểm trên diện tích 35ha. Mặc dù bà con ai cũng thấy tận mắt lợi ích của công nghệ drone trong giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí phân thuốc và đặc biệt là bảo vệ sức khỏe người dân vì không phải trực tiếp tiếp xúc với thuốc hóa học, nhưng một số bà con vẫn còn lấn cấn bởi chi phí dịch vụ không hề rẻ và hơn hết đây là công nghệ mới nên không tránh khỏi tâm lý e dè.

Hiện các HTX vẫn đang tích cực vận động tuyên truyền để bà con nâng cao nhận thức, sớm tiếp cận công nghệ mới hướng tới sản xuất nông nghiệp hiện đại. Riêng các HTX vẫn giữ mối liên lạc với các đơn vị cung ứng dịch vụ để trong trường hợp khẩn cấp thì sử dụng. “Dịch bệnh trên cây lúa lây lan nhanh, khó dập bởi sức người có hạn. Công nghệ drone là giải pháp tốt nhất cho vấn đề này”, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây Phùng Minh Tuấn cho hay.

BẠCH VÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/318310/kho-nhan-rong-cong-nghe-drone-o-hop-tac-xa.html