Sự ra đời của thị trường thông tin

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà nền kinh tế thế giới đang chuyển biến từ một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên hạn hẹp của thiên nhiên sang một nền kinh tế của thông tin và trí tuệ.

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển

Công nghệ thông tin ngày càng phát triển

Bối cảnh ra đời

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ thông tin trong những thập niên gần đây đã mang lại những tác động to lớn và những biến đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội ở khắp các nước trên thế giới. Trước kia sản xuất được phân bổ dựa trên lợi thế so sánh tự nhiên với hai yếu tố là các nguồn nguyên liệu và các yếu tố sản xuất như vốn và lao động. Từ thập niên 1990, các ngành tăng trưởng nhanh nhất đều dựa vào sức mạnh của trí tuệ. Đó là các ngành vi điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, vô tuyến viễn thông, máy tính điện tử (phần cứng, phần mềm), máy công cụ và robot, chế tạo máy bay dân dụng. Các tài nguyên thiên nhiên bị gạt ra ngoài chương trình cạnh tranh. Trong thời đại ngày nay, chỉ duy nhất có tri thức và kỹ năng là các nguồn lực tạo ra lợi thế so sánh bền vững. Điều đó đã nâng cao vị thế của thông tin khoa học và công nghệ.

Ở mọi ngành sản xuất, các hoạt động sản xuất có lợi nhuận cao nhất trong mỗi ngành là các hoạt động sản xuất có hàm lượng tri thức cao. Các hoạt động này đã tạo ra các sản phẩm chính xác, chất lượng cao, phục vụ cho các mục đích chuyên môn hóa cụ thể và có giá trị gia tăng. Các cơ sở kinh doanh cố gắng làm cho hàng hóa của mình “thông minh” hơn để kiếm lợi nhuận. Việc tìm tòi phát minh ra sản phẩm mới, đem lại lợi nhuận cao trở nên quan trọng. Xu thế sản xuất mới chuyển từ khối lượng lớn sang giá trị cao ra đời và ngày càng phát triển.

Ngày nay tri thức là nguồn duy nhất tạo ra lợi thế so sánh dài hạn, nhưng tri thức chỉ có thể áp dụng thông qua kỹ năng cá nhân. Tuy nhiên nhiều kỹ năng mới chưa được đưa vào dạy trong nhà trường, mà chúng chỉ có thể được học tập trong môi trường sản xuất. Trước sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, người lao động phải liên tục phải học tập, trao đổi thông tin, tri thức và kỹ năng. Để sử dụng các sản phẩm thông minh, khách hàng cũng phải có một tiến trình học tập. Để tồn tại và phát triển các công ty phải xây dựng cách làm mới để thúc đẩy việc phổ biến thông tin, kỹ năng và tri thứccho người lao động và khách hàng. Doanh nghiệp trở thành một tổ chức học tập là một thay đổi lớn về tư duy trong kinh doanh hiện đại.

Một đặc điểm lớn của nền kinh tế thế giới hiện nay là xu thế toàn cầu hóa. Theo Coitrnep (Tạp chí Xã hội và Kinh tế Nga) toàn cầu hóa là giai đoạn mở rộng về chất của xu hướng tăng cường sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước. Toàn cầu hóa bao quát toàn bộ đời sống xã hội, trong đó mắt xích trung tâm là toàn cầu hóa về kinh tế, tiếp theo là văn hóa. Toàn cầu hóa về kinh tế thể hiện ở sự phân công lao động và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, trong đó vai trò của các công ty đa quốc gia, các mạng thông tin liên lạc toàn cầu, các tổ chức linh tế quốc tế ngày càng tăng; tự do thươg mại, đầu tư tài chính ngày càng mở rộng; tính độc lập kinh tế của mỗi quốc gia chỉ là tương đối. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự giao lưu văn hóa giữa các nước là điều tất yếu, là điều kiện để tồn tại và phát triển. Mỗi quốc gia phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại.

Trong bối cảnh trên của nền kinh tế thế giới, vai trò của thông tin, nhất là thông tin khoa học và công nghệ ngày càng nâng cao. Ở nhiều nước thông tin thực sự trở thành hàng hóa và một thị thường thông tin, một nền kinh tế thông tin ra đời là một điều tất yếu.

Thị trường thông tin ngày càng phát triển

Với khả năng xử lý, lưu giữ và truyền một khối lượng lớn các dữ liệu với tốc độ cao, việc sử dụng máy tính điện tử (MTĐT) để xử lý thông tin đã tạo ra những thay đổi trong tổ chức hoạt động và cách thức chuyển giao thông tin. Các hoạt động này đã kích thích việc nảy sinh những nhu cầu thông tin mới và do đó kích thích việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có hàm lượng thông tin với chất lượng cao hơn.

Thập niên 1980 - 1990 của thế kỷ 20 có thể coi là thập niên của thông tin mà sự kiện đáng chú ý là một “thị trường thông tin” hay một nền “công nghiệp thông tin” đã thực sự bắt đầu được hình thành. Hàng loạt các NHDL lưu trữ thông tin với khối lượng lớn và chất lượng cao ra đời. Nhiều tổ chức môi giới và dịch vụ thông tin được hình thành, thỏa mãn nhu cầu đa dạng của người dùng tin.

Từ những thông tin sơ cấp ban đầu, còn gọi là dữ kiện (data), người ta chế biến, lưu giữ, phân tích để tạo ra những thông tin có giá trị cao, gọi là thông tin có giá trị gia tăng (Value added information). Những thông tin có giá trị gia tăng có được qua xử lý, chế biến sẽ trở thành hàng hóa, có những giá trị cao trên thị trường. Một ngành mới phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây là ngành dịch vụ bán thông tin có giá trị gia tăng (value added information services).

Việc sử dụng MTĐT để thiết kế, điều hành tự động sản xuất và robot là một bước tiến mới trong kỹ thuật sản xuất. Đó là việc sử dụng tin học một cách thông minh. Người ta coi đó là những thông tin thông minh. Tiêu biểu là: CAD (Computer added disign) dùng trong thiết kế; CAM (Computer added manufactoring) là chương trình điều hành sản xuất; CAE (Computer added engineering) là chương trình điều hành sản xuất tự động, sử dụng kết hợp với CAD.

Song song với sự phát triển của thị trường thông tin là sự thay đổi xã hội rất đáng lưu tâm. Đó là sự thay đổi trong phân công lao động của con người: những công việc có liên quan đến thông tin có chiều hướng gia tăng.

Xu hướng phân bố lao động ở Mỹ cũng tương tự. Vào những năm 60 ở Mỹ số người tham gia vào công việc xử lý thông tin nhiều hơn số người sản xuất ra lương thực, chế tạo ra hàng hóa và làm công việc dịch vụ. Xu hướng xã hội đó không dễ bị đảo ngược và không có lý do gì để có thể tin rằng khu vực thông tin mất vị trí của nó trong thị trường lao động. Và như vậy công nghệ thông tin sẽ có tác động trực tiếp tới một bộ phận lớn lao động ở các nước phát triển.

Mặt khác giá trị của lao động trên lĩnh vực thông tin cũng cao hơn rất nhiều so với các lao động khác. Người ta không thể so sánh kết quả lao động của một giáo viên, một kỹ sư, một nhà sản xuất với sản phẩm thông tin trong hệ thống thông tin trực tuyến.

Dưới tác động của công nghệ thông tin, cơ cấu sản phẩm xã hội cũng có nhiều thay đổi. Các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thông tin (máy thu thanh, thu hình, máy tính cá nhân, video, điện thoại truyền hình...) đang không ngừng tăng lên nhanh chóng về chủng loại, số lượng và chất lượng. Từ đó dẫn đến hình thành một thị trường thông tin.

theo Giáo trình Thông tin học

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/su-ra-doi-cua-thi-truong-thong-tin-222016.html