'Khó như làm thuốc, dễ như làm thực phẩm chức năng'
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lại vừa phát đi cảnh báo về các sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK), còn gọi là thực phẩm chức năng như: Life-Space Broad Spectrum Probiotic, Life-Space Probiotic Powder For Baby, Life-Space Probiotic Powder For Children, Noben Kid Platinum... đang vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo trên một số đường link, trang web.
Cục cũng đưa ra khuyến cáo, trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật về một số sản phẩm này trên các đường link có sai phạm để quyết định mua và sử dụng sản phẩm vì có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Hầu như tuần nào Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng phải đưa ra cảnh báo trên trang web của Cục (địa chỉ: https://vfa.gov.vn) về một vài TPBVSK vi phạm. Trên một số phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội, loại sản phẩm này đang "làm mưa làm gió" với những lời quảng cáo không đúng bản chất, thổi phồng công dụng, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Đặc biệt, là TPBVSK nhưng chúng lại được quảng cáo như thuốc chữa bệnh. Điều này là không được phép. Tiếp tay cho các quảng cáo sai sự thật có cả một số nghệ sĩ, ca sĩ, thậm chí một số dược sĩ, bác sĩ, chuyên gia cũng quảng cáo cho họ, hoặc bị họ lợi dụng. Các mặt hàng này không chỉ được bán tràn lan trên mạng xã hội, ở các nhà thuốc, hệ thống cửa hàng mà còn qua hệ thống bán hàng đa cấp.
Chỉ người trong ngành y mới biết, “khó như làm thuốc, dễ như làm thực phẩm chức năng”. Có nghĩa là, nghiên cứu, sản xuất được thuốc chữa bệnh là cực kỳ khó. Các quy trình, tiêu chuẩn trong sản xuất thuốc chữa bệnh rất khắt khe, chịu sự kiểm duyệt gắt gao, tốn vô cùng nhiều trí lực, tiền bạc. Ngược lại, TPBVSK thì lại dễ sản xuất bởi tiêu chí, tiêu chuẩn đơn giản hơn thuốc rất nhiều. Các đơn vị sản xuất luôn chú trọng đầu tư ở khâu mẫu mã, bao bì để đánh vào thị hiếu của người tiêu dùng, còn chất lượng thì khó thẩm định. Nhưng, nguy hại nhất ở chỗ, TPBVSK đang được quảng cáo như là thuốc chữa bệnh. Sự không rõ ràng đó khiến người dân bị “móc túi” một cách tinh vi, trong khi không ít người bệnh đã bỏ lỡ thời điểm chữa bệnh chỉ vì tin dùng các sản phẩm này.
Dư luận rất không đồng tình khi một lĩnh vực quan trọng liên quan đến sức khỏe con người lại chưa được quản lý chặt chẽ. Cần phải làm rõ công tác quản lý lĩnh vực này đang bị hổng ở khâu nào. Phải chăng chế tài xử lý còn nhẹ, công tác thanh tra, kiểm tra chưa bắt kịp thực tế hay có sự tiếp tay nào đó?
Đến nay, cả nước đã có hơn 4.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh TPBVSK với gần 11.000 sản phẩm đang lưu hành. Trên thực tế, có nhiều sản phẩm TPBVSK có chất lượng tốt, phần nào đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng; tuy vậy cũng xuất hiện không ít sản phẩm “treo đầu dê bán thịt chó”. Lĩnh vực này đang “trăm hoa đua nở” và trở nên bát nháo.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước sự lộn xộn của thị trường TPBVSK, cần siết chặt quản lý từ khâu thẩm định, cấp phép đến thanh tra, kiểm tra; siết chặt quản lý các hình thức quảng cáo, nhất là trên nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, cần tăng chế tài xử phạt hành vi vi phạm, thậm chí phải xử lý hình sự để đủ sức răn đe. Sức khỏe con người là rất quan trọng, bởi thế, đối với các nhà sản xuất, lĩnh vực này đòi hỏi không chỉ tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật mà còn rất cần đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh.