Khổ như ở nhà cổ Đường Lâm

Tháng 5/2006, Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Quần thể 99 nhà cổ có niên đại hàng trăm năm là điểm nhấn độc đáo, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa làng quê đặc sắc ở Đường Lâm. Tuy nhiên, nhiều ngôi nhà trong số đó đã xuống cấp. Và người dân vẫn đang từng ngày sống trong nỗi thấp thỏm, lo lắng, mong ngóng được hỗ trợ tu bổ, tôn tạo nhà cổ…

Nước mưa, cưa trời…

"Đang mưa xuân lất phất giêng hai mà nghĩ đến những cơn mưa rào đầu hè là tôi đã lo rồi. Ngôi nhà cổ này mái dột tứ tung. Các cụ nói không sai, nước mưa, cưa trời. Mái mà dột là phần gỗ hỏng hết cả. Tôi đang chuẩn bị đảo ngói, tốn gần chục triệu nhưng không thể không sửa", ông Thịnh mời chúng tôi vào nhà và than thở.

Bà Giang Thị Hà vẫn luôn mong mỏi ngôi nhà cổ được hỗ trợ tu bổ, tôn tạo để có không gian sống an toàn.

Bà Giang Thị Hà vẫn luôn mong mỏi ngôi nhà cổ được hỗ trợ tu bổ, tôn tạo để có không gian sống an toàn.

Ông bảo căn nhà cổ 5 gian 2 dĩ, ngay gần đình Mông Phụ mà gia đình ông đang ở đã ngót nghét 200 năm tuổi. Căn nhà luôn là niềm tự hào của gia đình, là không gian sinh hoạt của nhiều thế hệ. Tuy nhiên, theo thời gian đến nay nhà đã bị xuống cấp. Nhiều lần có đoàn chuyên gia về khảo sát để lên kế hoạch sửa chữa nhưng cho đến nay căn nhà vẫn bất động. Do điều kiện kinh tế có hạn nên ông Thịnh không thể đại tu một lần, chỉ "hỏng đâu sửa đấy" để duy trì không gian sinh hoạt cho gia đình.

Bà Phan Thị Tâm - vợ ông Thịnh dẫn chúng tôi vào căn buồng mà che kín nilon để chống dột. "Ở nhà này sợ nhất lúc trời mưa. Nước rỉ vào trong nhà, chảy theo mái nilon, tràn qua nền nhà ra sân. Thành ra trong nhà cũng ướt như ngoài sân, phải kê kích đồ đạc lên cho khỏi ướt. Nỗi ám ảnh nữa là chuột chạy cả đêm, không thể ngủ nổi", bà Tâm chia sẻ. Ông bà và gia đình hai người con trai đều sống ở đây, cả thảy 9 người thuộc ba thế hệ. Không gian nhà cổ ngày càng trở nên chật chội và bất tiện. Năm 2003, do bí bách về chỗ ở, ông sử dụng nốt phần đất còn lại xây ngôi nhà kiên cố để có thêm không gian cho các con. Tuy nhiên, chật vẫn cứ chật. Ông bảo sẽ cố giữ ngôi nhà quý này, nhưng đến đời các con thì không biết sẽ ra sao.

Cũng giống nhà ông Thịnh, căn nhà cổ của bà Giang Thị Hà (65 tuổi) cũng trong tình trạng xuống cấp và đang chờ đợi được sửa chữa. Bà Hà về làm dâu từ năm 1978, gắn bó với ngôi nhà cổ này từ đó đến nay. Trước đây, cả nhà bà ở trong căn nhà cổ, nhưng cách đây mấy năm, vì căn nhà 5 gian 2 dĩ chật chội và xuống cấp nên bà phải tận dụng diện tích đất bé xíu bên hông nhà để xây thêm phòng và khu vệ sinh để vợ chồng người con trai và hai đứa con sinh hoạt. Trong nhà cổ, đồ đạc đơn sơ, nhiều bụi bặm, kèo cột đã nứt toác. Ngày nắng thì không nói, nhưng ngày mưa thì tường đất và đá ong bị ngấm nước. Có chỗ tường đã nứt to, mùa đông gió lùa rất lạnh.

Bà Hà cho biết, ngôi nhà này thuộc diện được nhà nước hỗ trợ tu sửa, dù đã khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa thấy có động thái nào. Chỉ đống ngói phủ bạt trước sân, bà Hà chia sẻ: "Vì muốn giữ căn nhà cổ như một tài sản quý nên tôi phải bỏ tiền ra mua cả đống ngói để sửa dần. Giờ lo nhất là phần mái nhà, dột là phải sửa ngay. Trên khô dưới mới bền".

Đất ở Đường Lâm ngày càng trở nên chật chội, vắng bóng những mảnh vườn. Nhà nào hầu như cũng chỉ có nếp nhà và khoảng sân. Nhà cổ chiếm diện tích lớn trên mỗi mảnh đất nhưng giá trị sử dụng lại không cao. Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, làng hiện có 99 ngôi nhà cổ, trong đó có 35 nhà loại I và 64 nhà loại II. Nhà loại I còn lưu giữ đủ nhà chính, nhà ngang, sân. Nhà loại II chỉ còn nhà chính, không còn các hạng mục đi cùng. Các nhà loại I đã được sửa chữa theo dự án của Nhà nước. Còn những nhà loại 2 như nhà ông Thịnh, bà Hà đã được khảo sát mức độ xuống cấp, đang lập dự án để xin kinh phía sửa chữa, nhưng phải trải qua nhiều khâu nên chưa thể làm ngay được.

Bài toán bảo tồn di sản

Căn nhà cổ của ông Thịnh, bà Hà tuy đã xuống cấp nhưng vẫn "ở cố" được. Còn căn nhà 3 gian 2 dĩ của gia đình bà Kiều Thị Yến thì đã ở mức nguy hiểm. Chị Vũ Thị Mai, con dâu bà Yến dẫn chúng tôi vào nhà, giọng đầy bất an: "Nhà em sắp sập rồi, tường đã nứt toác, mái ngói võng xuống, tường ngấm nước nên xiêu vẹo. Mưa xuống thì dột khắp nơi, ẩm thấp. Gia đình em có 6 người nhưng không dám ở nhà cổ nữa, chỉ để thờ và đựng một vài thứ đồ không dùng đến". Vì thiếu không gian sinh hoạt nên bộ bàn ghế được chủ nhà chuyển ra ngoài để tiếp khách ở góc sân. Nhà cổ để không, cả gia đình chen chúc vào căn nhà cấp 4 chật hẹp ngay cạnh đó. Không có điều kiện sửa chữa nên nhà bà Yến chỉ còn biết chờ đợi để được hỗ trợ sửa chữa.

Gia đình chị Vũ Thị Mai không dám ở trong căn nhà cổ có nguy cơ đổ sập.

Gia đình chị Vũ Thị Mai không dám ở trong căn nhà cổ có nguy cơ đổ sập.

Theo ông Thạo, quần thể nhà cổ ở Đường Lâm đều là nhà gỗ, việc tu sửa cần bảo đảm yêu cầu cả về chất lượng và thẩm mỹ nên rất tốn kém. Việc tu sửa căn cứ vào mức độ thực tế xuống cấp cần thiết tu sửa, không nhất thiết ưu tiên chỉ tu sửa nhà loại I. Tính đến nay đã có hai đợt sửa chữa nhà cổ ở Đường Lâm. Đợt 1 vào năm 2011 đã sửa chữa 10 căn nhà với tổng mức đầu tư là 10,8 tỷ đồng. Đợt 2 sửa 10 nhà vào năm 2017 với chi phí 10,4 tỷ đồng. Dựa theo mức độ xuống cấp và nhu cầu thực tế năm 2023, UBND thị xã Sơn Tây đã duyệt chủ trương đầu tư sửa chữa 12 nhà cổ (loại II) với tổng mức đầu tư dự kiến là 26 tỷ đồng. Hiện chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ để thực hiện triển khai tu sửa theo quy định.

Cũng theo ông Thạo, sau khi các nhà cổ được trùng tu đều trở thành các điểm tham quan, tổ chức các điểm không gian trải nghiệm nghề truyền thống phục vụ du khách để phát huy giá trị các ngôi nhà cổ. Hiện tại nhiều nhà cổ như nhà ông Hà Hữu Thể, ông Nguyễn Văn Hùng, bà Dương Thị Lan, ông Hà Nguyên Huyến… đang thực hiện các hoạt động du lịch và thu được nguồn lợi kinh tế từ đây.

Đến thăm nhà ông Hà Hữu Thể - căn nhà cổ hơn 300 năm được xếp loại nhà loại I, có 7 gian 2 dĩ và nhiều hạng mục khác. Nhà đã được sửa chữa theo dự án, nhưng theo ông Thể thì trong quá trình sử dụng, ông vẫn tiếp tục phải tự sửa như đảo ngói, thay cột, kê kích để gia cố ngôi nhà của mình. Hiện mỗi tháng ông được hỗ trợ 350.000 đồng để làm kinh phí duy trì nhà cổ. Ngôi nhà cổ vừa là nơi ở, vừa đón khách du lịch. Ông bà Thể hiện đang duy trì nhiều dịch vụ như làm tương bán, phục vụ khách ăn cơm ngay tại nhà cổ… Đây là nhà cổ có đông khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh. Ông chia sẻ rằng, ngôi nhà cổ này đã có 13 thế hệ sinh sống và hiện đang phát huy tốt giá trị cổ xưa của di sản, giúp ông bà có thu nhập hàng ngày.

Tuy nhiên, ở Đường Lâm, những căn nhà cổ phát huy được giá trị văn hóa, du lịch như nhà ông Thể không nhiều. Nhiều gia đình đang băn khoăn giữa việc gìn giữ nhà cổ hay phá bỏ để xây dựng không gian sống kiên cố, an toàn. Những nhà cổ loại 2 đang xuống cấp thì việc sinh sống an toàn cũng chưa được đảm bảo, chưa nói đến việc thu hút khách tham quan. Thực tế đã có ngôi nhà cổ ở làng xuống cấp và bị phá bỏ trong tiếc nuối. Để giải được bài toán vừa bảo tồn được nhà cổ vừa giúp người dân làm du lịch, tạo sinh kế lâu dài cần một hướng đi đúng đắn.

Trao đổi về vấn đề này, Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Hiệp cho rằng, quan điểm về bảo tồn di sản của Tổ chức UNESCO rất coi trọng yếu tố cộng đồng. Bởi chính cộng đồng mới là trung tâm của di sản, mới đảm bảo yếu tố "sống" của di sản. Do đó, việc quyết định có bảo tồn, phát huy một di sản nào đó hay không phải dựa vào cộng đồng. Với góc nhìn này, việc duy trì và phát huy giá trị của di sản ở làng cổ Đường Lâm cần được nhìn nhận, tìm hiểu từ người dân địa phương để đưa ra hướng đi phù hợp. Việc giữ nguyên trạng nhà cổ hiện nay ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân khi điều kiện sống của họ chưa được đảm bảo. Phải làm sao để người dân yên tâm sống trong nhà cổ, được hưởng lợi từ nhà cổ, từ đó có động lực giữ gìn, phát huy giá trị của căn nhà.

Việc sửa chữa nhà cổ cần nguồn kinh phí lớn, trong khi việc bố trí nguồn vốn đầu tư sửa chữa không phải là chuyện dễ dàng. Theo kiến trúc sư Vũ Hiệp, ngoài nguồn lực nhà nước thì rất cần sự tham gia xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp tham gia. Thậm chí khuyến khích người dân tự sửa chữa, tất nhiên phải dựa theo tiêu chí chung để quá trình sửa chữa có sự thống nhất trên cơ sở giữ gìn những giá trị văn hóa và dấu ấn thời gian.

Thái Hưng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/kho-nhu-o-nha-co-duong-lam-i725040/