Khó nhưng phải đạt được
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín khai mạc giữa tuần này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025 gồm: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8% trở lên; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5 - 5%; trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Tăng trưởng đạt 8% trở lên không chỉ cao hơn mục tiêu Trung ương, Quốc hội đã quyết nghị (đạt 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%) mà còn đầy thách thức trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo chỉ khoảng 3,2% (tương đương với năm 2024), trong khi các yếu tố rủi ro, bất định từ các nền kinh tế lớn sẽ tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến nước ta. Nhưng “khó mấy cũng phải quyết làm và làm bằng được” bởi như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ, “đây là những mục tiêu phải phấn đấu thực hiện để nước ta thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, Chính phủ cũng đã xác định rất rõ các điều kiện bảo đảm như: phải có tư duy mới, cách làm mới, đột phá về thể chế, giải pháp; phân cấp, phân quyền triệt để; hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngắn hạn. Đồng thời, phát huy vai trò dẫn dắt tăng trưởng của các vùng động lực, hành lang kinh tế và cực tăng trưởng. Trong đó, tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8 - 10%, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước; có cơ chế khuyến khích phù hợp đối với các địa phương tăng trưởng cao, có điều tiết về Trung ương.
Chính phủ cũng xác định đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao để trở thành động lực, nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng. Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cũng đã được xây dựng trong Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Tuy vậy, một số nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện do còn khá chung chung, thể hiện tinh thần “quyết liệt”, “khẩn trương”, “xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh”, “sớm”… nhưng chưa xác định rõ nội hàm chính sách là gì, thời gian hoàn thành khi nào, có chính sách nào thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội hay không... Thẩm tra Tờ trình Đề án này, các thành viên Ủy ban Kinh tế và đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội cũng cho rằng, cần có các giải pháp rõ ràng, chi tiết, cụ thể hơn, đặc biệt phải xác định được đâu là động lực mũi nhọn để tập trung đầu tư bởi tăng trưởng 8% trở lên là mục tiêu trong ngắn hạn phải đạt được trong năm nay.
Tăng trưởng 8% trở lên không chỉ có ý nghĩa quan trọng với riêng năm 2025 - năm tăng tốc, bứt phá, về đích thực hiện các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng mà quan trọng hơn, còn đặt nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Do đó, Chính phủ và từng cấp, từng ngành, từng địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc nghiên cứu, thảo luận kế hoạch hành động thật cụ thể, sát thực tế để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của đất nước.
Theo yêu cầu của Tổng Bí thư, Nghị quyết đảng bộ các cấp phải chỉ ra các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội của cấp mình, nhất là các nhiệm vụ cụ thể để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Nội dung các Nghị quyết phải được triển khai ngay sau khi tổ chức Đại hội chứ không chờ Nghị quyết của cấp ủy cấp trên ban hành rồi mới xây dựng kế hoạch chương trình hành động triển khai. Tính chủ động, sáng tạo của từng cấp ủy phải được phát huy tối đa trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quyết tâm, chủ động, năng động, sáng tạo, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là chìa khóa của thành công.
Cùng với đó, Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu, cần bổ sung sửa đổi thể chế để xác lập tư duy bình đẳng giữa Trung ương và địa phương. Địa phương có quyền đòi hỏi, kiến nghị Trung ương có cơ chế, giải pháp tháo gỡ để địa phương phát triển bên cạnh việc chấp hành các chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương. Những kiến nghị, đề xuất của địa phương phải được Trung ương xem xét một cách nghiêm túc, nhanh chóng, có trách nhiệm và phải trả lời dứt khoát, đúng thời gian quy định, rõ ràng. Sau khi giao việc bắt buộc phải có kế hoạch theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, từng cấp lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những nhiệm vụ được giao. Kết quả chỉ đạo, kết quả công tác là căn cứ đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị đó. Bộ máy trong hệ thống chính trị phải hoạt động thông suốt từ Trung ương tới cơ sở trên tinh thần "công việc là trên hết".
Với tinh thần như vậy, cách thức làm việc như vậy thì dù khó nhưng mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 là hoàn toàn có thể đạt được!
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kho-nhung-phai-dat-duoc-post404009.html