Khó quản lý 'hàng xách tay'
Đánh vào tâm lý nhiều người tiêu dùng thích sử dụng hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài, nhiều cá nhân, tổ chức đã lựa chọn kinh doanh mặt hàng được gọi là xách tay. Tuy nhiên, giữa vô vàn sản phẩm, khó có thể biết đâu là hàng thật, hàng giả hay nhập lậu.
Dạo quanh thị trường thành phố Tuyên Quang không khó để tìm kiếm cửa hàng kinh doanh hàng xách tay - nhóm hàng vốn được nhiều người ưa chuộng. Theo chủ hàng kinh doanh “hàng xách tay” tại phường Phan Thiết, cửa hàng của chị “gi gỉ gì gi cái gì cũng có”. Từ mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng của các nước Trung Quốc, Nhật, Đức, Nga, Hàn Quốc... Hàng loại 1, loại 2, đến hàng cao cấp, hàng siêu cấp, hay còn gọi là hàng VIP. Điều đáng nói là phần lớn không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, đơn vị nhập khẩu, phân phối. Theo lời giải thích của chủ cửa hàng thì tất cả các mặt hàng này đều được người quen mua và xách tay từ nước ngoài về nên không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Còn tại cửa hàng có biển hiệu “hàng xách tay” trên đường Quang Trung, thuộc địa phận phường Tân Quang, theo như giới thiệu của chủ cửa hàng thì 100% hàng hóa của cửa hàng đều là xách từ các nước Nhật, Hàn Quốc, Pháp. Chị Trần Thị Minh, tổ 10, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) hiện đang làm việc tại cộng hòa Pháp chia sẻ, chị thấy lạ là ngay tại Pháp được ví như lãnh địa của những nhãn hàng nổi tiếng chị cũng không thể mua được hàng của các hãng tên tuổi với giá rẻ như tại Việt Nam. Đơn cử như một đôi giày của hãng giày Versace của nam hay nữ rẻ nhất cũng có 5 - 7 triệu đồng, còn phần lớn khoảng 20 triệu đồng, thậm chí còn cao hơn. Một điều chị Minh băn khoăn không biết đâu là đúng, đâu là sai khi một số mặt hàng các hãng đã thông báo dừng sản xuất tại nước sở tại thì tại thị trường Việt Nam những người bạn của chị khẳng định vẫn có thể mua được, thậm chí với giá còn rẻ hơn tại đất nước sản xuất.
Ngoài những địa chỉ bán hàng cụ thể, trên mạng xã hội chỉ cần gõ từ khóa “hàng xách tay” là hàng loạt các trang “Hàng xách tay”, “Xóm nghiện hàng nước ngoài”... người mua sẽ nhận được vô số tài khoản bán hàng với nhiều mẫu mã, mức giá khác nhau. Chị N.T.T. đặt mua quần bò tại trang “Xóm nghiện hàng oder nước ngoài”. Sau 1 tuần chờ đợi đặt hàng, hàng chị T. nhận về trái ngược hoàn toàn với trong ảnh. Chị T. chia sẻ, chị nhắn tin trao đổi với người bán, câu trả lời tiền nào của nấy, giá vài trăm không thể có quần bò đẹp.
Điều 7, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa ghi rõ, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Chiếu theo quy định này, các sản phẩm đang bày bán tại siêu thị, cửa hàng tiện ích, tạp hóa kể trên dù là “hàng xách tay” thật thì vẫn vi phạm quy định về việc không dán tem, nhãn phụ bằng tiếng Việt. Đó là chưa kể, tình trạng hàng xách tay cũng có thể bị làm giả như các mặt hàng khác.
Theo lực lượng Quản lý thị trường, trong hoạt động kinh doanh hàng hóa hoàn toàn không có kinh doanh hàng xách tay mà chỉ có mã ngành nghề. Việc trưng biển hàng xách tay chỉ là cách để chủ cửa hàng quảng cáo, gây ấn tượng và đánh vào tâm lý của người tiêu dùng ưa dùng hàng ngoại.
Theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hàng hóa xách tay nhưng không nộp thuế; không làm thủ tục hải quan; không có hóa đơn, chứng từ hoặc hóa đơn, chứng từ không đúng quy định; không dán tem nhập khẩu hoặc dán tem giả… thì là hàng hóa nhập lậu.
Ông Nguyễn Thành Chung, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục quản lý thị trường tỉnh cho biết, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh chân chính, chống thất thu thuế cho Nhà nước, lực lượng Quản lý thị trường đã tích cực đấu tranh với nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, buôn lậu. Thời gian tới, các kiểm soát viên thị trường tiếp tục trinh sát, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm. Theo báo cáo của Đội Quản lý thị trường số 1, thành phố Tuyên Quang, trong năm 2023, đội đã kiểm tra, phát hiện 134 vụ, trong đó có những vụ liên quan đến hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái... Với tổng giá trị hàng hóa buộc phải tiêu hủy lên trên 300 triệu đồng.
Về phía Sở Công Thương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gắn với các hoạt động hưởng ứng “Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam” nhằm tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực hiện thông tin minh bạch, người tiêu dùng lựa chọn tiêu dùng an toàn, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội ban hành, theo kế hoạch từ 1-7-2024 sẽ có hiệu lực. Theo đó, người tiêu dùng có quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho mình và cộng đồng. Cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, để mua được những sản phẩm đúng chất lượng, người tiêu dùng chủ động lựa chọn mua hàng ở các điểm kinh doanh, sàn thương mại uy tín; mua hàng hóa có hóa đơn, chứng từ, nhãn mác rõ nguồn gốc nơi nhập khẩu, sản xuất; kiên quyết tẩy chay với các hàng hóa thiếu các thông tin, xuất xứ theo quy định.