Khổ sở với cơn đau dạ dày tái phát vào dịp trước và trong Tết
Ăn uống thất thường, lúc đói, lúc no, và sử dụng rượu bia, các chất kích thích nhiều như cà phê, ớt… là những nguyên nhân khiến cơn đau dạ dày dễ bùng phát vào dịp Tết.
Lê Thanh (26 tuổi, TP.HCM) vừa đăng dòng trạng thái than thở trên Facebook cá nhân về chứng đau dạ dày luôn bùng phát đúng vào dịp tết. Điều này khiến kỳ nghỉ tết của Thanh bớt vui, nhất là những buổi tiệc tùng cuối năm và trong dịp tết.
Dưới phần bình luận nhiều người bạn của Thanh cũng gặp trường hợp tương tự, khi cả năm không sao nhưng gần tết lại khổ sở với chứng bệnh này.
Nguyên nhân khiến cơn đau dạ dày bùng phát vào dịp tết
Theo Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế, vào ngày tết, việc ăn uống thất thường, lúc đói, lúc no, và sử dụng rượu bia, các chất kích thích nhiều như cà phê, ớt… là những nguyên nhân khiến cơn đau dạ dày dễ bùng phát.
Thực tế, các nghiên cứu về y khoa đã cho thấy việc ăn uống không đúng bữa, không điều độ, ăn quá no hoặc quá đói, uống quá nhiều rượu dẫn đến hoạt động co bóp của dạ dày bị ảnh hưởng, dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp bảo vệ niêm mạc bị tổn thương dần sẽ dẫn đến viêm dạ dày và gây loét dạ dày.
Bên cạnh đó căng thẳng, buồn phiền, tức giận, lo lắng, sợ hãi… sẽ khiến mất cân bằng chức năng cho dạ dày, làm dịch vị dạ dày tăng tiết, lớp niêm mạc bảo vệ dạ dày bị tổn thương gây loét dạ dày.
Lê Thanh cũng thừa nhận, những ngày tết, cô nàng và gia đình, bạn bè thường ăn uống tụ tập nhiều bữa trong ngày, tiêu thụ nhiều loại thức ăn khác nhau từ bánh chưng, giò chả, thịt cá, bánh kẹo tới rượu bia… Và kết quả, Thanh nhiều lần phải vật lộn trong cơn đau dạ dày vào dịp vui nhất trong năm. Trong khi đó, việc ăn uống này rất dễ gây chứng đầy bụng khó tiêu.
Cục an toàn thực phẩm cũng cho biết, ngay cả việc ăn nhiều bánh kẹo, trà đặc, thuốc lá, cà phê và các loại nước ngọt có ga… cũng góp phần thúc đẩy cơn đau dạ dày xuất hiện, nhất là những người có tiền sử viêm loét dạ dày, hoặc các bệnh lý dạ dày khác. Đặc biệt, uống rượu bia quá đà sẽ gây tổn hại rất lớn tới sức khỏe, trong đó có dạ dày một trong những bộ phận trực tiếp phải gánh họa.
Để phòng đau dạ dày vào dịp Tết
Để tránh đau dạ dày cấp tính khởi phát và bệnh đau dạ dày tái phát dịp Tết, Cục an toàn thực phẩm khuyến nghị, người dân cần chú ý đến chế độ ăn và sinh hoạt nhất là những ngày cuối năm và trong dịp lễ Tết.
Theo nghiên cứu, một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau và chất xơ, ngoài ngăn ngừa loét dạ dày còn có lợi cho đường ruột và sức khỏe tổng thể. “Thức ăn ngày Tết nhiều thịt, ít rau xanh không tốt cho hệ tiêu hóa”, Cục an toàn thực phẩm nhấn mạnh.
Dù vui đến mấy, cũng không nên ăn quá no vì làm dạ dày căng to, co bóp yếu, ảnh hưởng đến quá trình nhào trộn tiêu hóa thức ăn. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Bạn có thể bổ sung một số thực phẩm có thể tăng cường vi khuẩn khỏe mạnh như súp lơ, bắp cải và củ cải, cải xoăn, dưa cải bắp, sữa chua (có chứa vi sinh lactobacillus và Sacharomyces), táo, việt quất, quả mâm xôi, dâu tây, dầu ô liu.
“Ngoài ra vì những người bị loét dạ dày thường bị trào ngược thực quản đi kèm, do đó cần tránh xa thực phẩm cay và chua trong khi ổ loét đang liền sẹo”, Cục an toàn thực phẩm khuyến nghị trên trang web của mình.
Cùng với đó, những thức ăn chiên, xào khó tiêu, nhiều gia vị, dưa, cà, các quả chua… đặc biệt là dưa hành và các loại rau củ quả muối cũng cần được hạn chế, vì chúng sẽ làm dạ dày tăng tiết axit gây đau dạ dày.
Đặc biệt những người đau dạ dày, đặc biệt là đau dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) cần chú ý, hạn chế tiêu thụ thực phẩm muối chua vì chúng chứa rất nhiều muối, sẽ làm cho vi khuẩn HP phát triển nhanh hơn và hoạt động mạnh hơn.
Người dân cũng nên tránh ăn những thức ăn cứng, cay nhiều gia vị ớt, hạt tiêu..., thức ăn quá nóng và quá lạnh, vì ăn nóng quá làm niêm mạc dạ dày sung huyết, lạnh quá làm dạ dày co bóp mạnh hơn dễ gây đau.
"Để không bị đau dạ dày, ngoài việc ăn uống cần ăn uống điều độ, đúng giờ thì cần phải duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, không thức quá khuya, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày.
Người dân cần hạn chế các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, trà đặc, tuyệt đối không uống rượu bia trong lúc đói hay liên tục suốt những ngày Tết. Rượu, bia không chỉ gây hại đối với dạ dày mà còn "phá hủy" gan, tụy gây ra các bệnh lý nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp...", Cục an toàn thực phẩm đưa thêm lời khuyên.