Kho tàng cây thuốc nam của Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là nước có nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú với trên 12 ngàn loài thực vật, trong đó, trên 5 ngàn loài thực vật và nấm lớn có công dụng làm thuốc trải dài khắp cả nước.

Các nhà khoa học của Viện Dược Liệu (Bộ Y tế) khảo sát cây thuốc nam tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: Quang Trung

Các nhà khoa học của Viện Dược Liệu (Bộ Y tế) khảo sát cây thuốc nam tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh: Quang Trung

Tại Đồng Nai, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn, H.Vĩnh Cửu) là một trong số các kho tàng cây dược liệu có công dụng làm thuốc của Việt Nam với trên 1,5 ngàn loài, trong đó có 905 loài cây có công dụng làm thuốc.

* Bảo tồn kho thuốc quý

Khu bảo tồn đang trực tiếp quản lý diện tích tự nhiên trên 100 ngàn ha, trong đó phần lớn là rừng và đất lâm nghiệp. Từ nhiều năm nay, Khu bảo tồn đã chủ động thực hiện và phối hợp với nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học thực hiện nhiều đề tài, dự án liên quan đến đa dạng sinh học (ĐDSH), đặc biệt là cây thuốc như: dự án Đánh giá tiềm năng và thực trạng nguồn tài nguyên dược liệu ở Khu bảo tồn; đề tài Điều tra hiện trạng nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái và xây dựng mô hình ươm tạo cây giống mật nhân; đề tài Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam bộ tại Khu bảo tồn…

Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam, với hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng Đông Nam bộ với diện tích hơn 100 ngàn ha.

Ông Võ Quang Trung, Phó trưởng phòng Bảo tồn thiên nhiên và hợp tác Khu bảo tồn cho biết, đã nhiều năm đi theo các đoàn nghiên cứu, tìm hiểu về đặc tính, môi trường sống của nhiều loại cây giữa rừng, đến nay, Khu bảo tồn đã phát hiện và di thực gần 200 loài cây dược liệu quý hiếm về khu vực tập trung các loài cây để bảo tồn nguồn gen. Trong quá trình tìm hiểu về cây để di thực cây đến một vị trí khác thì phải bảo đảm được đặc tính, môi trường sống của cây thường ở những vùng như thế nào để trồng tại những nơi phù hợp để bảo tồn nguồn gen cho cây. Trong số gần 200 loài cây dược liệu quý hiếm tại Khu bảo tồn, có 23 loài cây thuốc nằm trong Danh lục đỏ và Sách đỏ Việt Nam và nhiều loài cây thuốc có giá trị kinh tế cao như: lan một lá, ươi, thiên niên kiện, lá khôi nhung, bổ béo đen, nần nghệ…

Mới đây, khi lấy ý kiến các sở, ngành về chủ trương đề xuất hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án Vườn cây thuốc quốc gia Nam bộ (Vườn cây thuốc Nam bộ) tại Khu bảo tồn, nhằm bảo vệ kho thuốc quý của Việt Nam, Khu bảo tồn đã nhận được sự đồng tình của nhiều sở, ngành về chủ trương trên.

Ông Nguyễn Duy Văn, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế cho rằng, những năm qua, việc khai thác, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên cây thuốc đang là vấn đề quan trọng được các cấp lãnh đạo quan tâm. Do đó, việc xây dựng Vườn cây thuốc Nam bộ nhằm bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen các loài cây thuốc của khu vực Nam bộ, làm cơ sở để xây dựng các mô hình trồng và phát triển cây dược liệu tại tỉnh Đồng Nai nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung nhằm tạo vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến dược liệu và thực phẩm chức năng; hỗ trợ phát triển kinh tế cho cộng đồng dân cư, đồng thời tạo ra một địa điểm du lịch hấp dẫn. Việc thực hiện dự án sẽ làm tăng giá trị ĐDSH và giá trị sinh thái cho khu vực và tăng vị thế đối với Khu bảo tồn và tỉnh Đồng Nai.

* Phát triển vùng dược liệu quốc gia

Đông Nam bộ được quy hoạch là một trong 8 vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia và thuộc quy hoạch khu vực xây dựng một trong 5 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ vào năm 2013.

Đồng Nai hiện có trên 30 dân tộc sinh sống như: Việt, Hoa, Nùng, Tày, Chơro, Dao, Mường, Khmer, Chăm… Người dân nơi đây có kinh nghiệm sử dụng và trồng các loài cây thuốc so với các tỉnh trong vùng.

Năm 2017, Khu bảo tồn phối hợp với Viện Dược liệu (Bộ Y tế) thực hiện đề tài Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm của vùng Đông Nam bộ tại Khu bảo tồn. Mục tiêu chung là góp phần bảo tồn các nguồn gen cây thuốc quý hiếm của vùng, làm cơ sở xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia. Qua nghiên cứu, đề tài đã xây dựng vườn bảo tồn với 300 nguồn gen cây thuốc đặc hữu, quý, hiếm và có giá trị kinh tế tại Khu bảo tồn.

Từ kết quả trên, những năm 2020-2023, Khu bảo tồn tiếp tục phối hợp với Viện Dược liệu (Bộ Y tế) thực hiện đề tài Xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển dược liệu tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng 2035. Kết quả đã ghi nhận ở Đồng Nai có gần 1,1 ngàn loài cây thuốc thuộc 163 họ, chi, trong đó có nhiều loài, nhóm loài có tính đặc hữu của tỉnh cũng như vùng Đông Nam bộ. Kết quả nghiên cứu ghi nhận khoảng 22 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng cần bảo tồn, khoảng 40 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng ở Đồng Nai.

Một số loài cây dược liệu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai

Một số loài cây dược liệu tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai

Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, để bảo tồn và phát triển nguồn gen cây dược liệu tại đây, dự án Vườn cây thuốc Nam bộ đang lấy ý kiến đóng góp từ các sở, ngành nhằm thiết lập mô hình về bảo tồn nguồn gen và phát triển cây dược liệu. Vườn thuốc trên sẽ là nơi phát triển nguồn gen, giống và dược liệu tạo nguồn nguyên liệu phục vụ nghiên cứu, đào tạo, sản xuất; góp phần bảo tồn ĐDSH và phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202306/chuyen-de-da-dang-sinh-hoc-kho-tang-cay-thuoc-nam-cua-viet-nam-3170356/