Khó tháo gỡ khó khăn nếu bộ máy chọn 'an toàn'

Muốn tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cần sự vào cuộc của bộ máy thực thi. Tuy vậy, tình trạng tránh né, chần chừ, chọn cách an toàn đang là mối quan ngại lớn.

Lao đao vì nguyên liệu

Chi phí sản xuất tăng nhanh do tăng giá nguyên vật liệu đầu vào, nhất là giá xăng, khiến các doanh nghiệp lao đao và sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu cả năm. Đây là nội dung các đại diện hiệp hội doanh nghiệp nêu ra tại Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 27.6.

Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Đơn cử, ngành dệt may dù có những tín hiệu khả quan khi xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, song Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm xác nhận đang rất khó khăn do tăng giá vật liệu đầu vào. Giá bông đã tăng 19%, giá xăng tăng 60 - 70%. Bên cạnh đó, một số thị trường như EU, Mỹ có tỷ lệ lạm phát cao sẽ khiến sức mua giảm, ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam.

Giá xăng dầu tăng mạnh cũng đẩy chi phí logistics lên cao khiến “doanh nghiệp đau đầu”, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam xác nhận. Hiện, chi phí cho một container 40 feet hàng đông lạnh đi từ Việt Nam sang Mỹ là hơn 400 triệu đồng. Như vậy, mỗi tháng, một doanh nghiệp cấp trung xuất khẩu 10 - 15 container đi Mỹ cần phải bỏ ra chi phí từ 10 - 20 tỷ đồng là con số rất lớn.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp sản xuất còn thiếu nguyên liệu do gián đoạn chuỗi cung ứng vì Trung Quốc siết chặt công tác phòng chống dịch và tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương cho biết, linh kiện, đặc biệt là chất bán dẫn bị thiếu hụt từ năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên thế giới và càng sâu sắc thêm trong 6 tháng đầu năm nay, khi Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách “Zero Covid”, trong khi đây là thị trường nhập khẩu linh kiện thứ hai của Việt Nam, chiếm 28% tổng kim ngạch. Các doanh nghiệp điện tử của Việt Nam nằm trong chuỗi sản xuất của những tập đoàn công nghệ toàn cầu như Samsung, Apple… Khi các hãng đầu chuỗi này giảm sản lượng do tồn kho cao, như Samsung cho biết tồn kho tới 50 triệu điện thoại thông minh dòng A trên toàn cầu, kéo theo các doanh nghiệp điện tử của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng theo. Từ giờ đến cuối năm dù có đơn hàng tăng thì chúng tôi cũng thiếu nguyên liệu đáp ứng, bà Hương phân trần.

Mặt khác, tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da, giày, túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho biết, có doanh nghiệp đã phải ngừng nhận đơn hàng vì giá nguyên liệu đầu vào tăng và thiếu lao động.

Khó khăn với doanh nghiệp không chỉ đến từ những yếu tố khách quan bên ngoài là giá hay nguồn cung nguyên liệu. Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằng, điều đáng quan ngại hiện nay là bộ máy thực thi chưa tốt. “Có tình trạng bộ máy né tránh, chần chừ, chọn cách an toàn vì nhiều lý do”, ông Tuấn đúc kết sau quá trình đi thực tế tại nhiều địa phương.

Sớm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng

Trong bối cảnh nhiều khó khăn vẫn đang bủa vây doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội ngành hàng đề xuất cả giải pháp trước mắt lẫn lâu dài.

Về giải pháp cấp bách trước mắt, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, với những chính sách hỗ trợ đã được ban hành, cần đẩy nhanh, đẩy mạnh triển khai thực hiện, đặc biệt là chính sách tín dụng.

Bà Đỗ Thị Thúy Hương cho biết, hiện hầu hết doanh nghiệp điện tử chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng. “Khi tiếp cận tín dụng đối với chúng tôi không dễ, ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp. Đề nghị cần có điều chỉnh để chúng tôi tiếp cận được”. Cùng với đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho việc đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Hiện, 99% doanh nghiệp điện tử khi tuyển dụng lao động đều phải đào tạo lại chứ không thể sử dụng ngay khi tuyển về.

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị, quy trình, thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cần nhanh chóng, thuận tiện hơn để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thay vì qua nhiều khâu như hiện nay.

Để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng tăng mạnh, Tổng thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh đề xuất, cơ quan quản lý cần có kế hoạch hành động ngay, làm việc với các hãng tàu để có cách quản lý nhà nước mới nhằm kiểm soát giá với thị trường này, bằng cách buộc họ phải kê khai giá. Về lâu dài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần quan tâm tới quy hoạch chủ hàng phù hợp với hạ tầng. Chẳng hạn, ở đồng bằng sông Cửu Long vốn có thế mạnh về nông sản, thủy sản, cần có chủ hàng chuyên về ngành hàng này.

Nhấn mạnh các giải pháp nêu ra cần vai trò thực thi của bộ máy nhà nước, theo ông Đậu Anh Tuấn, trong không khí chúng ta đang đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư phát triển hạ tầng, bộ máy cần tăng tốc, năng động, tiên phong, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra. Nếu không, sẽ tiềm ẩn tác động tới nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động của doanh nghiệp.

Cùng với đó, cải cách thể chế cần mạnh mẽ hơn để tạo động lực cho phát triển. Nếu như giai đoạn 2016 - 2017, không khí cải cách rất sôi động thì mấy năm nay đã có dấu hiệu chững lại, nhất là về điều kiện kinh doanh, cải cách kiểm tra chuyên ngành. Minh chứng là nhiều dự thảo có xu hướng đặt ra điều kiện kinh doanh mới như về xuất khẩu gạo, kiểm dịch…

Bài và ảnh: Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/kho-thao-go-kho-khan-neu-bo-may-chon-an-toan-i292823/