Khó thở, tức ngực, ho khan buổi sáng, có phải là dấu hiệu của hen suyễn?

Mỗi sáng tôi thường bị khó thở, tức ngực, kèm ho khan. Có phải dấu hiệu của hen suyễn không? Tình trạng khó thở này có thể là triệu chứng bệnh tim hay phổi không? Tôi cần làm gì ngay khi khó thở hoặc nặng ngực tăng lên vào ban đêm?

Mỗi sáng tôi thường bị khó thở, tức ngực, kèm ho khan. Có phải dấu hiệu của hen suyễn không? Tình trạng khó thở này có thể là triệu chứng bệnh tim hay phổi không? Tôi cần làm gì ngay khi khó thở hoặc nặng ngực tăng lên vào ban đêm?

(Anh Việt Thắng, ngụ phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa)

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn! Các triệu chứng khó thở, tức ngực, kèm ho khan vào buổi sáng là dấu hiệu cần được chú ý, vì có thể liên quan đến nhiều bệnh lý về hô hấp hoặc tim mạch. Cần tìm hiểu chi tiết để hiểu rõ nguyên nhân và cách xử lý phù hợp.

Hen suyễn là một bệnh mãn tính của đường hô hấp, gây viêm và co thắt các ống phế quản, thường khởi phát đột ngột và xuất hiện nhiều vào ban đêm và sáng sớm. Đặc điểm của hen phế quản là sau khi tiếp xúc dị nguyên như phấn hoa, khói bụi, thức ăn... hoặc thay đổi thời tiết, nhất là không khí lạnh có thể kích hoạt cơn hen. - Các triệu đặc trưng của hen suyễn:

o Khó thở, hụt hơi, thở khò khè , thở rít, nặng tức ngực

o Khó thở với đặc biệt khó thở ra, tăng dần , vã mồ hôi, nói từng từ, ngắt quãng

o Cơn khó thở thường kéo dài 5-15 phút, có thể hàng giờ, hàng ngày, sau đó giảm dần và hết thúc bằng cơn ho, sau đó thường khạc đờm trong, dính.

Nếu bạn thường xuyên gặp các triệu chứng trên, chưa loại trừ dấu hiệu của hen suyễn, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được kiểm tra và xác định chính xác.

Ngoài hen suyễn, khó thở và tức ngực vào buổi sáng cũng có thể liên quan đến các bệnh lý khác như: bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD); suy tim; bệnh mạch vành...

Để tránh khó thở hoặc nặng ngực tăng lên vào ban đêm:

- Cần thư giãn và điều chỉnh tư thế như: ngồi dậy hoặc đứng thẳng, nghiêng người về phía trước, giúp giảm áp lực lên phổi và cải thiện hô hấp; tránh nằm ngửa vì có thể làm tăng cảm giác nghẹt thở.

- Sử dụng thiết bị hỗ trợ (nếu có): Nếu bạn đã được chẩn đoán hen suyễn, hãy sử dụng ống hít (thuốc giãn phế quản) theo chỉ định; Sử dụng máy phun khí dung nếu cơn khó thở không giảm.

- Hít thở sâu qua mũi, giữ hơi trong vài giây, sau đó thở ra từ từ qua miệng để giảm co thắt phế quản.

- Uống nước ấm làm dịu đường thở, giảm kích thích ho.

Để xác định nguyên nhân chính xác, bạn cần thực hiện các kiểm tra sau: đo chức năng hô hấp (spirometry) kiểm tra xem có bị hen suyễn hoặc COPD hay không; chụp X-quang phổi hoặc CT scan đánh giá các bất thường ở phổi; siêu âm tim hoặc điện tâm đồ (ECG) kiểm tra các vấn đề liên quan đến tim mạch; xét nghiệm máu đo nồng độ oxy, khí CO2, và các chỉ số viêm nhiễm.

Những cách phòng ngừa và cải thiện tình trạng khó thở: tránh tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, hoặc các tác nhân gây kích ứng; duy trì không gian sống sạch sẽ, thoáng khí, tránh để nấm mốc phát triển; tập thể dục nhẹ nhàng và đều đặn để tăng cường sức khỏe phổi và tim; ăn uống lành mạnh, hạn chế muối, chất béo bão hòa; kiểm tra sức khỏe hô hấp và tim mạch thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề.

Nếu các triệu chứng của bạn kéo dài hoặc nặng lên, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn kịp thời. Chúc bạn sớm cải thiện sức khỏe và luôn cảm thấy thoải mái!

BS CKI Phạm Thị Hoa

Khoa Khám Bệnh cấp cứu - Bệnh viện Thuận Mỹ ITO Đồng Nai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/alo--bac-si-oi/202412/kho-tho-tuc-nguc-ho-khan-buoi-sang-co-phai-la-dau-hieu-cua-hen-suyen-51f2196/