Khó tiếp cận vốn vay dù lãi suất tiếp tục giảm sâu

Dù đã có chủ trương, tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp chia sẻ, đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về nguồn vốn

Khách hàng cá nhân, khách hàng tiểu thương và doanh nghiệp vừa và nhỏ, vay vốn tại ngân hàng. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Khách hàng cá nhân, khách hàng tiểu thương và doanh nghiệp vừa và nhỏ, vay vốn tại ngân hàng. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tiếp đà giảm lãi suất, trong những ngày qua, nhiều ngân hàng thương mại liên tục phát thông báo giảm lãi suất huy động tiền gửi xuống mức thấp chưa từng thấy, trong khoảng 1,9%/năm với kỳ hạn ngắn, bỏ xa mức trần 4,75%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cùng với động thái này, các tổ chức tín dụng cũng liên tục giảm lãi suất cho vay, với mức chỉ từ 5%-6,5%/năm, đúng như dự báo trước đó của nhiều tổ chức tài chính quốc tế.

Trả lời báo chí về đề xuất tiếp tục giảm lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng cho biết, bất chấp lãi suất thế giới tăng cao, nhiều nước vẫn tăng lãi suất để thắt chặt tiền tệ; nhưng riêng trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất điều hành, điều tiết tiền tệ hợp lý, các khoản cho vay mới bình quân của 10 tháng năm nay đã giảm khoảng 3%. Như vậy, mức lãi suất cho vay mới đã trở về trước đại dịch COVID-19, đây là một nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các ngân hàng thương mại nỗ lực tiết giảm chi phí để có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay, như 1 trong những biện pháp giúp thúc đẩy sự tăng trưởng tín dụng, tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và góp phần lớn vào tiến trình hồi phục nền kinh tế.

Dù đã có chủ trương, tuy nhiên, có không ít doanh nghiệp chia sẻ, đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về nguồn vốn. Các ngân hàng thương mại tuyên bố giảm lãi suất cho vay, nhưng con số thực tế có thể vay được đồng vốn từ các tổ chức tín dụng chưa khi nào thấp hơn mức 10%/năm và hồ sơ vay vốn vẫn còn rất nhiều vướng mắc về thủ tục, gia tăng rào cản tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp. Những doanh nghiệp không có tài sản thế chấp hoặc có tài sản nhưng vẫn không vay được hoặc chỉ vay được rất ít.

Lãnh đạo một công ty bất động sản cho biết, năm nay doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do bất động sản vẫn đóng băng, trong khi đó khoản vay ngân hàng không giảm mà còn tăng. Cụ thể, với lãi suất ưu đãi ban đầu chỉ từ 5,9% - 7,7%/năm trong 3 - 6 tháng đầu, qua đến tháng sau lãi suất vay của doanh nghiệp đã tăng đến gần 12%, dựa trên lãi suất sẽ được thả nổi bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3 - 4%/năm. Doanh nghiệp này cũng bày tỏ mong muốn, nếu được hưởng lãi suất cho vay có thể ở khoảng 7%/năm, như vậy, các doanh nghiệp mới dám mạnh dạn vay để mở rộng sản xuất kinh doanh hay tính chuyện làm ăn bài bản, lâu dài. Đặc biệt với doanh nghiệp bất động sản, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp phục hồi thị trường.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế kiêm Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích, trong số các kênh dẫn vốn chính của doanh nghiệp hiện nay vay tiền từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác vẫn là cách thức phổ biến nhất. Trong khi đó, năm vừa qua, thị trường trái phiếu gặp nhiều biến cố và thị trường chứng khoán cũng chưa thực sự khởi sắc đáng kể, do đó việc tiếp cận vốn qua các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác đang chiếm tỷ trọng xấp xỉ 80% quy mô dòng vốn từ bên ngoài của số đông doanh nghiệp. Khó khăn trong tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp, một phần là do xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu nên mặt bằng lãi suất chung về lãi suất cho vay hiện vẫn khá cao đối với các doanh nghiệp có nhu cầu đi vay; mặt khác, doanh nghiệp cũng vướng phải rào cản về quy trình, thủ tục khác nhau khi vay vốn; trong đó, điển hình là doanh nghiệp không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp hoặc doanh nghiệp bị áp đặt những điều kiện tín dụng bất lợi và thủ tục vay vốn phức tạp, phiền hà.

Muốn cải thiện tình hình, theo ông Tuấn, cần có giải pháp tích cực và triệt để giúp tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế đang còn nhiều khó khăn, đơn hàng suy giảm, tổng cầu trong nước giảm mạnh kéo theo nhu cầu vốn lưu động và vốn đầu tư của chính các doanh nghiệp cũng đang giảm rất thấp.

Đại diện cho ngành may - vốn là lĩnh vực vừa thâm dụng lao động, vừa có nhu cầu cao về tín dụng ngân hàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV My Mai Lê Trúc My cho biết, một trong những khó khăn chính là việc doanh nghiệp rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay để tái thiết hoạt động sản xuất cũng như có được một nguồn vốn ổn định "sức khỏe của bản thân doanh nghiệp". Lãi suất tuy có giảm, nhưng nhìn chung là vẫn rất khó tiếp cận. Do vậy, khá nhiều đơn vị có quyết tâm phục hồi nhưng lực bất tòng tâm. Mặt khác, người tiêu dùng hiện nay cũng hạn chế chi tiêu nên việc kinh doanh các sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước cũng sẽ giảm theo, bà My chia sẻ.

Để có thể trả lương công nhân, nhất là ở thời điểm cận kề lễ, Tết và sắp bước sang năm mới, Các doanh nghiệp ngành may kiến nghị ngân hàng nên có cách thức hỗ trợ việc đảo nợ hoặc nâng hạn mức cho vay cho các doanh nghiệp dệt may, hiện muốn vay mới phải chứng minh kế hoạch kinh doanh và tài sản thế chấp. Với các yêu cầu này, doanh nghiệp rất khó đáp ứng sau thời gian dài khó khăn và kiệt quệ bởi đại dịch.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kho-tiep-can-von-vay-du-lai-suat-tiep-tuc-giam-sau/319334.html