Khó triển khai dạy và học trực tuyến
ĐBP - Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, nhiều cơ sở đơn vị trường học tại những vùng có dịch trong cả nước đã phải cho học sinh tạm dừng việc đến trường. Với mục tiêu ngừng đến trường nhưng không ngừng học, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp linh hoạt để việc học của học sinh không bị gián đoạn mai một kiến thức. Đó là việc áp dụng triển khai chương trình dạy và học trực tuyến. Tại Điện Biên đến thời điểm hiện tại tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhiều tháng qua không có ca mắc mới. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại, ngành Giáo dục tỉnh đã xây dựng kế hoạch rà soát điều kiện cơ sở vật chất sẵn sàng cho việc dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, để triển khai dạy và học trực tuyến trên địa bàn tỉnh còn gặp phải nhiều khó khăn, bất cập.
Huổi Mí là xã vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn bậc nhất của huyện Mường Chà, dân tộc Mông chiếm trên 80%, tỷ lệ hộ nghèo cao trên 60%. Chúng tôi đến Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí, những ngày cuối tháng 9, trao đổi về việc triển khai dạy và học trực tuyến của đơn vị. Thầy giáo Cà Văn Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2021 - 2022, Trường có 24 lớp, 510 học sinh với 46 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trường có 10 điểm trường gồm cả điểm trường trung tâm. Qua rà soát, hiện tại 148/510 học sinh có điện thoại thông minh, có thể tham gia học trực tuyến (chiếm 29,02%). Để triển khai việc dạy học trực tuyến trên địa bàn gặp không ít khó khăn. Hiện tại, điểm trường trung tâm vẫn chưa có mạng internet, mới chỉ được phủ sóng 3G, 4G, dẫn đến đường truyền không ổn định, trong khi học trực tuyến lượng truy cập lớn. 5/10 điểm trường của nhà trường chưa có điện lưới, chưa có đường ô tô và mạng internet, sóng điện thoại lúc có lúc không; đặc biệt ở một số điểm trường (như Pa Soan 2, Huổi Xuân, Huổi Ít A, B…). Ngoài ra, do đặc thù học sinh tiểu học các em lớp 1, 2, 3 nhỏ tuổi nên việc dạy học trực tuyến phần lớn vẫn phải cần sự hỗ trợ của phụ huynh, mà người dân ở một số bản vùng cao trình độ nhận thức còn hạn chế, nhiều người không biết tiếng phổ thông, lại thường xuyên đi nương nên việc hỗ trợ các em khi học ở nhà là vấn đề nan giải. Để học sinh làm quen dần với việc học trực tuyến, nhà trường dự kiến sang đầu tháng 10 sẽ tổ chức thử việc học trực tuyến với các em học sinh có thiết bị (điện thoại thông minh) tại điểm trường trung tâm để xem khả năng tiếp cận và nhận thức qua việc dạy và học trực tuyến của các em đến đâu.
Thầy giáo Nguyễn Học Thức, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Huổi Mí chia sẻ: Năm học 2021 - 2022 Trường có 9 lớp, 299 học sinh. Trong đó, 31 học sinh có thiết bị học trực tuyến. Nhưng không phải tất cả 31 có thể tham gia học trực tuyến được bởi vì vẫn có bản chưa có điện, chưa có mạng internet. Do đặc thù là trường bán trú, học sinh ăn học tại trường nên giả sử khi có dịch bệnh bùng phát trên địa bàn, nhà trường đã xây dựng kế hoạch không cho học sinh, giáo viên tiếp xúc với bên ngoài do đó nhà trường vẫn có thể thực hiện việc dạy học tập trung tại trường.
Theo kết quả rà soát của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành hiện có 484 trường, 7.444 lớp và 203.555 học sinh, sinh viên (trong đó, giáo dục phổ thông có 297 trường, 4.891 lớp và 141.772 học sinh). Qua rà soát, số học sinh phổ thông chưa có thiết bị phục vụ học tập trực tuyến là 105.680 em (chiếm 74,54% tổng số học sinh phổ thông). Trong đó, số học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có khả năng trang bị thiết bị phục vụ học tập trực tuyến là 53.345 em (chiếm 59,48% số học sinh chưa có thiết bị phục vụ học tập trực tuyến).
Trước thực trạng trên, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tham mưu đề xuất UBND tỉnh đẩy mạnh phong trào quyên góp, ủng hộ máy tính theo Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến. Trên cơ sở thiết bị học tập được hỗ trợ, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo thứ tự ưu tiên. Cấp THPT ưu tiên học sinh khối 12 đang học chương trình chính khóa, ôn tập, ôn thi; tiếp đến là học sinh khối 10, 11. Cấp THCS ưu tiên học sinh khối 6 đang thực hiện chương trình mới; tiếp đến là học sinh khối 9, 8, 7. Cấp tiểu học ưu tiên học sinh khối 5 (khối chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018); tiếp đến là học sinh khối 4, 3, 2, 1.