Khó trừng phạt Belarus?
Chính quyền Belarus vừa qua đã vấp phải chỉ trích dữ dội khi báo động bom giả để buộc chuyến bay chở 170 người từ Hy Lạp đến Lithuania phải hạ cánh khẩn cấp xuống Minsk để bắt một nhân vật blogger đối lập.
Ngay khi máy bay hạ cánh, lực lượng an ninh của Belarus lập tức bắt giữ nhà hoạt động Roman Protasevich, một hành khách trên chuyến bay. Ông này bị Belarus truy nã vì tổ chức các cuộc biểu tình vào giữa năm 2020 sau cuộc bầu cử tổng thống.
Anh, Mỹ và EU liên tiếp chỉ trích động thái của Belarus, gọi đây là hành động vi phạm luật hàng không và nhân quyền. Hôm 24/5, EU đã đưa ra các biện pháp trừng phạt lên Belarus, trong đó cấm các chuyến bay quá cảnh nước này, cấm các hãng hàng không Belarus sử dụng không phận hoặc sân bay các quốc gia thành viên EU.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi một cuộc điều tra minh bạch và độc lập về vụ việc, đồng thời yêu cầu các bên liên quan hợp tác với cuộc điều tra. Ngay sau đó một ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này cũng đang xem xét các lệnh trừng phạt với Belarus.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc làm khó Belarus không hề dễ dàng. Dù cấm cửa hàng không với Belarus nhưng EU không có thẩm quyền gì với các chuyến bay cất cánh, hạ cánh ở Belarus hay bay qua không phận nước này. Chưa kể Belarus nằm trên hành trình của nhiều tuyến hàng không của châu Âu và kết nối Âu - Á, nên việc bỏ qua không phận Belarus sẽ khiến các chuyến bay kéo dài hơn, tốn kém hơn cho các hãng hàng không. Hiện các hãng hàng không vốn đã phải tránh không phận Ukraine, quốc gia láng giềng phía nam của đất nước do xung đột tại đây, vì vậy việc hạn chế không phận Belarus sẽ gây phức tạp thêm cho việc sắp xếp đường bay.
Hãng tư vấn Eurasia Group nhận định, việc tránh không phận Belarus đối với các chuyến bay Bắc - Nam là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, nếu bay giữa châu Âu và châu Á thì việc không di chuyển qua Belarus này sẽ gây tốn kém. Là một trung tâm lớn của châu Âu nên có nhiều hãng hàng không quốc tế hoạt động tại Thủ đô Minsk của Belarus, trong đó có Lufthansa, Austrian Airlines và Turkish Airlines. Các hãng hàng không Mỹ như American Airlines, Delta Air Lines và United Airlines cũng có các chuyến bay đến Minsk thông qua quan hệ đối tác với các hãng hàng không châu Âu và cả hãng hàng không Belarus Belavia.
Mặt khác, Business Insider dẫn lời giới chuyên gia nhận định, Belarus phụ thuộc rất nhiều vào Nga về mặt tài chính, từ lâu, Moscow nỗ lực lôi kéo Belarus khỏi các liên minh Tây Âu. Do đó, với bê bối lần này đẩy nước châu Âu gây sức ép, áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay lên Belarus cũng sẽ khiến Belarus xích lại gần Nga hơn. Nga cũng là quốc gia lên tiếng bảo vệ Belarus sau hành động bắt máy bay hạ cánh. Do đó, phương Tây nghi ngờ Nga có thể đã “bật đèn xanh” cho hành động này. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng đã công khai bày tỏ nghi ngờ Nga có liên quan đến vụ đánh chặn máy bay, dù chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/kho-trung-phat-belarus-421158.html