Khó từ bỏ nguồn năng lượng từ Nga trong ngắn hạn

Sức ép về một lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ, khí đốt của Nga đang tăng lên sau khi nhiều chính trị gia Mỹ và châu Âu lên tiếng ủng hộ đề xuất này. Tuy nhiên, liệu các nước phương Tây đã sẵn sàng đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng từ Nga?

Theo các chuyên gia, việc giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu Nga là chuyện không đơn giản, đặc biệt là với châu Âu – nơi đã loay hoay suốt nhiều thập kỷ qua trong việc giải bài toán an ninh năng lượng. Nga hiện đang là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu cho châu Âu, với 150-190 tỉ mét khối khí đốt/năm. Theo báo Nikkei Asia, các kho dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng năm năm qua, và khu vực này sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế.

Về dầu thô, Washington Post trích dẫn các số liệu thống kê cho thấy, Nga hiện đang xuất khẩu gần 8 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu mỗi ngày. Trong đó, ít nhất 2 triệu thùng đang đối mặt với nguy cơ tắc nghẽn, không thể tung ra thị trường. Nếu căng thẳng leo thang và các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn nhằm vào Nga được áp dụng, con số này có thể lên tới 5 triệu thùng/ngày, tạo ra một khoảng trống lớn trên thị trường.

Các nguồn cung thay thế có hạn

Theo Reuters, các quốc gia châu Âu vẫn có những lựa chọn cung cấp thay thế và mạng lưới khí đốt trong khu vực được kết nối với nhau, để chia sẻ năng lượng. Đức, quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt Nga nhất tại châu Âu, có thể nhập khẩu khí đốt từ Anh, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan. Tương tự, các quốc gia Nam Âu có thể nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan thông qua các hệ thống đường ống xuyên biển Adriatic đến Ý và đường ống xuyên Anatoli qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ, quốc gia xuất khẩu nhiều khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cũng đã tìm cách hỗ trợ châu Âu bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất ở cả trong và ngoài nước gia tăng nguồn cung. Mức nhập khẩu khí LNG đến khu vực tây bắc châu Âu hiện đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay.

Tuy nhiên, bất kỳ lô hàng LNG vận chuyển bằng đường biển nào đều có giá cao hơn nhiều so với khí đốt qua đường ống từ Nga, đe dọa nền kinh tế châu Âu vốn đang vật lộn với tình trạng lạm phát. Làm đầy kho dự trữ khí đốt của châu Âu trước mùa đông tới sẽ tiêu tốn ít nhất gần 76,5 tỉ đô la theo thời giá hiện tại, trong khi những năm trước, con số này chỉ hơn 13 tỉ đô la, theo viện nghiên cứu Bruegel.

Bên cạnh đó, Qatar – một trong những nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới cho biết, không có quốc gia nào có thể thay thế nguồn cung cấp của Nga cho châu Âu, bởi hầu hết lượng khí đốt giao dịch đều gắn với các hợp đồng cung cấp dài hạn. Chia sẻ với AP, ông Jamie Ingram, biên tập viên cấp cao tạp chí Middle East Economic Survey, nhận định “Qatar vốn đã khai thác hết công suất, và không thể đào đâu ra vài triệu tấn khí đốt để vận chuyển tới châu Âu vào thời điểm này, mà chỉ có thể tìm cách chuyển nguồn cung khí đốt từ các thị trường khác sang. Tuy nhiên, phần lớn khí đốt của Qatar hiện đang cung cấp cho thị trường châu Á, nơi áp lực cũng rất lớn”.

Ngay cả khi giới chức châu Âu đảm bảo được các nguồn cung mới, họ vẫn phải đối mặt nhiều vấn đề phát sinh. Phần lớn các cơ sở chuyển đổi LNG thành khí đốt đều nằm ở Tây Ban Nha, Pháp và Anh, nhưng hệ thống ống dẫn tới Đức và sườn đông châu Âu không kết nối tốt với những nơi này. Các kho LNG ở Tây Ban Nha chỉ mới sử dụng 45% công suất, nhưng các đường ống qua dãy núi Pyrenees không thể vận chuyển khí đốt nhiều hơn và rất khó mở rộng.

Một số quốc gia có thể giảm bớt tình trạng thiếu hụt năng lượng bằng việc tăng cường sản xuất điện từ hạt nhân, năng lượng tái tạo, thủy điện hoặc than đá. Tuy nhiên, khả năng này cũng khá hạn chế, trong bối cảnh sản lượng điện hạt nhân và thủy điện tại châu Âu trong năm 2022 dự kiến sẽ giảm so với năm 2021, còn các nhà máy điện than lại đang trong quá trình bị loại bỏ để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu. Rystad Energy dự báo, việc phát điện từ các nguồn không phải khí đốt chỉ có thể giúp EU tăng thêm khoảng 152 TWh điện năng, so với tổng mức tiêu thụ của cả năm 2021 là 3.650 TWh.

Năng lượng từ Mỹ không phải giải pháp trong ngắn hạn

Một nguồn cung khác được nhiều người quan tâm là dầu và khí đá phiến tại Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, mặc dù hoạt động khai thác dầu và khí đá phiến của Mỹ đã mở rộng trở lại, nhờ giá dầu tăng, sẽ phải mất nhiều thời gian để nguồn cung này chiếm lĩnh thị trường châu Âu.

Ông Qian Jun, chuyên gia tại trường Tài chính Quốc tế Fanhai, Đại học Phúc Đán, Trung Quốc nhận định “dầu và khí đá phiến có cấu trúc chi phí riêng. Việc sản xuất chỉ có thể thực hiện nếu giá trên thị trường vượt ngưỡng nhất định. Điều kiện này đã xuất hiện, nhưng sẽ phải mất nhiều thời gian để các công ty tăng cường sản xuất và xuất khẩu từ Mỹ sang châu Âu”.

Trong khi đó, bà Wang Dan, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Hang Seng, cho rằng “trên thực tế khí đốt và dầu đá phiến của Mỹ có giá thành cao hơn và chất lượng thấp hơn so với của Nga. Trong bối cảnh xung đột gia tăng như hiện nay, các khách hàng có thể sẽ quan tâm nhiều hơn tới dầu khí đá phiến của Mỹ và sẵn sàng chấp nhận mức giá cao trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong dài hạn, giá cả sẽ lại là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà nhập khẩu dầu”.

Chính đại diện của ngành dầu đá phiến Mỹ cũng bày tỏ quan điểm thận trọng. Ông Scott Sheffield, Giám đốc điều hành Pioneer Natural Resources, một trong số các công ty khai thác dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ, thừa nhận rằng, nguồn cung dầu từ Mỹ sẽ không thể thay thế sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga trong năm nay, mặc dù ông ủng hộ những lời kêu gọi cấm vận toàn cầu đối với xuất khẩu năng lượng của Nga.

“Cách duy nhất để ngăn chặn Nga là cấm xuất khẩu dầu và khí đốt,” Sheffield chia sẻ với Financial Times hôm thứ Sáu tuần trước. “Tuy nhiên, nếu thế giới phương Tây quyết định cấm vận dầu và khí đốt của Nga, giá dầu sẽ lên mức 150-200 đô la/thùng một cách dễ dàng”.

Ông Sheffield cũng cho biết, việc gia tăng sản lượng khai thác dầu đá phiến Mỹ luôn bị cản trở bởi những hạn chế của chuỗi cung ứng, và cả những ràng buộc từ Phố Wall – nơi các công ty khai thác thường phải dùng lợi nhuận từ giá dầu để chi trả cổ tức, thay vì đầu tư mở rộng sản xuất. Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ hiện đạt khoảng 11,6 triệu thùng/ngày, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh trước đại dịch là gần 13 triệu thùng/ngày.

“Chúng tôi không thể thay đổi tình hình trong năm nay”, ông Sheffield nhận định. “Tôi đang nói về kế hoạch từ 2 đến 3 năm, bởi vì với dầu đá phiến của Mỹ, ngay cả khi một giàn khoan mới được thiết lập, sẽ phải mất từ 6 đến 8 tháng để có được sản phẩm đầu tiên. Có rất nhiều vấn đề, từ tình trạng thiếu hụt lao động, thiếu hụt trang thiết bị, thiếu cát…”.

OPEC+ không sẵn sàng can thiệp vào thị trường

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, gọi tắt là OPEC+ cũng đã bày tỏ quan điểm sẽ không mạnh tay can thiệp vào thị trường năng lượng. Sau cuộc họp hôm 2-3, các nước OPEC+ đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/tháng kể từ tháng 4 tới, bất chấp việc giá dầu đang tăng cao kỷ lục.

Các nhà phân tích cho biết, tình trạng thiếu đầu tư trong nhiều năm đã khiến các nước thành viên OPEC+ gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng dầu khí. Một số quốc gia thậm chí còn không đạt mức hạn ngạch sản lượng hàng tháng, do bất ổn chính trị kéo dài, khiến công suất dự phòng sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ Ảrập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), hoặc có thể là Kuwait, có khả năng tăng sản lượng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, Ảrập Saudi hiện đã xác nhận cam kết tuân thủ thỏa thuận hạn ngạch sản lượng với Nga.

Bên cạnh đó, với việc giá năng lượng đang tăng mạnh, các nước OPEC+ rõ ràng không có nhiều động lực để tăng sản lượng. Ông Craig Erlam, chuyên gia phân tích thị trường tại Công ty Chứng khoán Oanda nhận định “hiện giờ, các nhà sản xuất dường như không có mong muốn giảm áp lực cho thị trường, bởi họ đang hưởng lợi từ mức giá cao sau nhiều năm giá nhiên liệu ở mức thấp”.

Hy vọng hạ nhiệt thị trường có thể đến từ một nước thành viên khác của OPEC là Iran, bởi một thỏa thuận hạt nhân giữa nước này và phương Tây, có thể giúp gia tăng sản lượng khoảng 500.000 thùng dầu/ngày trong ngắn hạn, và thêm 500.000 thùng khác trong vòng sáu tháng tiếp theo. Tuy nhiên, The Washington Post cảnh báo, khả năng đạt được sự thống nhất trong một thỏa thuận có sự tham gia của cả Iran, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Nga vào thời điểm này là không nhiều. Phía Iran cũng có thể coi sự thiếu hụt nguồn cung trên thị trường vào thời điểm hiện tại, là đòn bẩy để đòi hỏi thêm nhiều nhượng bộ.

Châu Âu cần các giải pháp trong dài hạn

Dẫu vậy, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vẫn cho rằng EU cần phải sớm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga, đồng thời tăng cường chuyển đổi sang năng lượng sạch cũng như đa dạng hóa nguồn cung.

IEA khuyến cáo EU không nên ký kết bất kỳ hợp đồng cung cấp khí đốt mới nào với Nga để giảm sự phụ thuộc năng lượng, và cố gắng tìm kiếm các nguồn cung thay thế. Bên cạnh đó, các biện pháp khác cũng được IEA đề xuất bao gồm: đẩy nhanh việc triển khai các dự án năng lượng mặt trời và gió; tối đa hóa việc phát điện từ năng lượng hạt nhân và năng lượng sinh học; khuyến khích người tiêu dùng hạ nhiệt độ khi sử dụng thiết bị sưởi…

“Việc Nga sử dụng các nguồn khí đốt tự nhiên của mình như một vũ khí kinh tế và chính trị cho thấy châu Âu cần phải nhanh chóng hành động để sẵn sàng đối mặt với sự không chắc chắn về nguồn cung”, ông Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA, cho biết.

Giới chức và các nhà phân tích đồng tình rằng châu Âu có thể vượt qua được hậu quả của mất nguồn cung khí đốt Nga trong mùa đông và mùa xuân năm nay. Nhưng đến năm sau, tình hình có vẻ sẽ khó khăn hơn. Theo cơ quan nghiên cứu Bruegel, nguồn năng lượng nhập khẩu kỷ lục từ các nước khác ngoài Nga sẽ không đủ để nạp đầy kho dự trữ trước khi bước vào mùa đông tiếp theo và châu Âu có thể sẽ phải giảm nhu cầu sử dụng khí đốt.

“Chúng ta cần phải cai nghiện khí đốt và dầu mỏ của Nga và chúng ta cần làm điều đó nhanh hơn nhiều so với những gì đã dự đoán,” giám đốc khí hậu của EU, Frans Timmermans kết luận.

Nguồn: WSJ, Financial Times, CNN, Reuters, Washington Post, AP, Yahoo News, Nikkei Asia

Lạc Diệp

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kho-tu-bo-nguon-nang-luong-tu-nga-trong-ngan-han/