Khó tuyển dụng giáo viên
Chị gái bạn tôi là giáo viên hợp đồng tại một trường tiểu học của huyện Kim Thành đã hơn 3 năm nay. Chị có 2 con nhỏ, chồng làm công nhân.
Thu nhập của vợ chồng chị mỗi tháng hơn 12 triệu đồng gồm 8 triệu đồng tiền lương của chồng và trên 4 triệu đồng (sau khi trừ các khoản bảo hiểm, công đoàn phí) lương hợp đồng của chị. Với mức thu nhập như vậy, gia đình chị chỉ bảo đảm mức sống tối thiểu. Nếu con ốm đau đi bệnh viện, chị phải vay mượn thêm bên ngoài. Mấy năm gần đây, năm nào trường chị cũng thông báo tuyển dụng giáo viên nhưng chị vẫn lo ngại tình trạng tiêu cực trong thi cử, tuyển dụng. Chị từng tâm sự bản thân rất mong được vào biên chế để ổn định và cống hiến lâu dài nhưng mỗi khi nộp hồ sơ đăng ký lại lo nếu không "quà cáp" chắc gì đã được hiệu trưởng ủng hộ, rồi quá trình xét duyệt hồ sơ, làm bài, chấm thi nữa... Trong khi gia đình thì khó khăn, không có tiền tích lũy để "lo việc" nên chị đành... thôi. Chị cũng cho biết sẽ làm giáo viên hợp đồng một vài năm nữa, đợi các con lớn sẽ tính đổi việc chứ nghề giáo vất vả, thu nhập thì thấp so với nhiều ngành nghề khác hiện nay.
Nhiều người, nhất là những người đã và đang làm nghề giáo viên cho rằng việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên ngành giáo dục tại các địa phương hiện nay rất khó do nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT không đăng ký vào các trường sư phạm. Nhiều giáo viên lâu năm vẫn bỏ nghề. Một số giáo viên hợp đồng cũng không muốn đăng ký tuyển dụng vào biên chế vì lo sợ tiêu cực, tốn kém trong khi thu nhập của nghề chưa theo kịp nhiều ngành nghề khác, áp lực công việc lớn, nhất là đối với cấp mầm non. Quá trình tuyển dụng có nơi, có trường vẫn còn xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực cũng là rào cản khiến nhiều người không muốn đăng ký.
Theo thông tin từ Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố, đến nay, các địa phương đã hoàn thành kiểm tra phiếu đăng ký tuyển dụng giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục công lập ngành giáo dục năm 2022. Kết quả, hầu hết các địa phương số thí sinh đăng ký tuyển dụng giáo viên đều thấp hơn so với chỉ tiêu tuyển dụng. Cá biệt, có địa phương tỷ lệ phiếu đăng ký chỉ chiếm 42% số chỉ tiêu cần tuyển dụng. Bên cạnh đó, một số trường có chỉ tiêu tuyển dụng nhưng không ai đăng ký dự tuyển.
Theo nhận định của một số cán bộ làm công tác tuyển dụng giáo viên, tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian tới vẫn sẽ là thách thức đối với ngành giáo dục. Việc thiếu giáo viên xảy ra ở tất cả các bậc học sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng giáo dục. Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên thì phải tuyển dụng, nhưng tuyển dụng lại đang gặp rất nhiều khó khăn.
Để giải quyết gốc rễ của vấn đề tuyển dụng giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, tỉnh cần thực hiện hiệu quả chính sách khuyến khích học sinh thi tuyển vào các trường sư phạm, thu hút, tuyển dụng được những giáo viên có năng lực thực sự, yêu nghề, bám nghề; cải thiện điều kiện việc làm, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, giáo viên, giúp họ cống hiến, gắn bó với nghề. Việc giao bổ sung chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc tại các cấp học phải phù hợp với quy mô học sinh của từng địa phương. Không nên giao biên chế theo năm tài chính như hiện nay mà nên giao theo năm học...
Khi thực hiện chính sách tinh giản biên chế cần xem xét đặc thù của ngành giáo dục, không nên cắt giảm cơ học. Quan trọng nhất là loại bỏ hoàn toàn tiêu cực trong thi tuyển viên chức, tạo môi trường lành mạnh thu hút giáo viên ngay từ đầu vào...
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/kho-tuyen-dung-giao-vien-214239