KHÓ TUYỂN LAO ĐỘNG CHẤT LƯỢNG CAO (*): Đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp

Mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường, cũng là nguồn nhân lực đầu vào của doanh nghiệp

Trước nhu cầu thực tế đang tăng nhanh từ doanh nghiệp (DN), các cơ quan chức năng, DN và nhà trường đã bắt tay nhau để đào tạo, xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh đào tạo

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nghề cũng khuyến nghị các DN nên sẵn sàng chọn các ứng viên tiềm năng thay vì những người lao động (NLĐ) đã có sẵn kinh nghiệm, kỹ năng. Đây là phương án nhằm giúp DN tối ưu hóa nguồn nhân lực đã có và thu hút thêm các nguồn nhân sự khác.

Năm 2022, Bình Dương đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 1,2-1,3 tỉ USD, vốn đầu tư trong nước vào khoảng 1.100-1.200 tỉ đồng. Song hành với mục tiêu thu hút đầu tư là bài toán nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho các nhà đầu tư. Đây đang là một thách thức không nhỏ với "thủ phủ công nghiệp" này.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương, cho biết toàn tỉnh hiện có 22 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, trong đó có 3 trường CĐ, 4 trường trung cấp do tỉnh quản lý. Bình Dương xác định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết làm nên thành công, là một trong những thế mạnh giúp địa phương thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bình Dương đặt ra mục tiêu hướng đến năm 2030, nguồn nhân lực chất lượng cao được phát triển theo bậc đào tạo, ngành đào tạo và chủ thể phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cho ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, trong đó một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của một trung tâm công nghiệp hiện đại.

Đến năm 2045, nguồn nhân lực của tỉnh đáp ứng yêu cầu của một trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ, áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của một đô thị thông minh của vùng và cả nước.

"Phát hiện và xây dựng cơ sở dữ liệu về học sinh, sinh viên xuất sắc có năng lực, tâm huyết, có hướng gắn bó lâu dài để tuyển chọn hoặc tổ chức đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho ngành nghề mà nền kinh tế của tỉnh rất cần như: logistics, điện tử, công nghệ mới, tự động hóa, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, khoa học sức khỏe" - ông Tuyên nhấn mạnh.

Ông Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng Trường CĐ Việt Nam - Singapore (Bình Dương), cho biết hằng năm nhà trường đã ký kết đào tạo và cung ứng lao động cho khá nhiều DN trên địa bàn. Yếu tố quan trọng trong mối liên kết này là có sự tham gia của các DN trong các khâu tuyển sinh, đào tạo. Nhằm nâng cao chất lượng đầu ra, nhà trường thường xuyên nắm bắt nhu cầu của DN để từ đó điều chỉnh kịp thời phương pháp đào tạo. Mục tiêu cuối cùng là giải quyết việc làm sau khi sinh viên (SV) tốt nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Phong, bài toán khó đối với các trường dạy nghề hiện nay là nguồn nhân lực phục vụ công tác giảng dạy. So với mặt bằng chung thì thu nhập của giáo viên trường nghề còn thấp. Do cuộc sống bấp bênh nên nhiều giáo viên lâu năm phải nghỉ việc để tìm nơi có thu nhập tốt hơn.

Ông Lê Nho Lượng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương, cho rằng ngoài thiếu giáo viên thì thiết bị máy móc phục vụ cho công tác giảng dạy ở các trường nghề cũng là rào cản.

Học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương trong một tiết học thực hành. Ảnh: CHÂU LOAN

Học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật và Nghiệp vụ Công đoàn Bình Dương trong một tiết học thực hành. Ảnh: CHÂU LOAN

Doanh nghiệp, trường nghề chủ động

Tại TP HCM, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng đang làm "đau đầu" nhiều DN và các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, việc làm. Tuy nhiên, điểm sáng của TP lớn nhất cả nước là sự đồng hành, cách làm sáng tạo của các DN.

Điển hình như tại Công ty CP In số 7 (quận Bình Tân, TP HCM), việc học tập nâng cao trình độ là yêu cầu bắt buộc và DN sẽ đài thọ toàn bộ chi phí cho NLĐ. Hằng năm, công ty dành khoảng 1% doanh thu, tương đương 3 tỉ đồng cho công tác đào tạo. Tùy cấp bậc, vị trí việc làm của NLĐ, công ty sẽ xây dựng tiêu chí cụ thể về trình độ. Chẳng hạn các trưởng máy, trưởng ca, quản đốc phân xưởng bắt buộc phải biết tiếng Anh, thành thạo vi tính, còn nhân viên kinh doanh phải thông thạo tiếng Anh.

Để nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân, hằng năm công ty mở 6 đến 8 khóa học, mời giảng viên từ các trường nghề uy tín đến giảng dạy. Trước khi mua sắm thiết bị mới, công ty đều cử lao động giỏi ra nước ngoài để học cách vận hành. Nhờ đó, khi thiết bị nhập về, công ty đã có ngay nhân viên thạo việc để vận hành, không gián đoạn sản xuất.

Công ty còn phối hợp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM tiếp nhận SV đến thực tập, học nghề. SV được DN trả lương trong thời gian thực tập. Sau khi tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu sẽ được nhận vào làm việc chính thức. Chính sách đào tạo có chiều sâu và toàn diện giúp công ty luôn có đội ngũ kỹ sư, CN kế cận giỏi nghề, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển của DN.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Hiệu trưởng Trường CĐ Nova (quận Gò Vấp, TP HCM), cho biết hiện trường đang đào tạo 20 ngành nghề sát với nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động, việc làm hiện nay. Trong đào tạo, trường giảm bớt thời lượng lý thuyết, tăng thời gian thực hành, ưu tiên đầu tư mạnh cho thiết bị thực hành và đưa SV về thực tập tại các DN.

Bà Quyên cho biết Trường CĐ Nova có nhiều lợi thế khi là một thành viên của NovaGroup - một tập đoàn kinh tế đa ngành. Vì vậy, 50%-70% thời lượng học tập của SV là thực hành theo mô hình "đưa DN vào giảng đường", mỗi ngành đào tạo đều gắn liền với một lĩnh vực kinh doanh của NovaGroup. Với mô hình này, giảng viên của trường đều là những quản lý cao cấp trong tập đoàn, SV được thực hành đúng ngành nghề ngay tại những tổng công ty thành viên thuộc NovaGroup, khi ra trường sẽ có cơ hội trở thành nhân viên chính thức tại các DN này.

"Chúng tôi xác định mục tiêu đào tạo người học giỏi ngoại ngữ, vững kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. Học ở Việt Nam nhưng được quốc tế công nhận và có thể làm việc được trong các DN liên doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí có thể ra nước ngoài làm việc. Đó là những gì mà chúng tôi đang nỗ lực mang đến cho người học tại trường" - bà Quyên nhấn mạnh.

Đặt hàng đào tạo

Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương, cho biết gần đây sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất kinh doanh của các DN trong hiệp hội đã xảy ra gay gắt. Để giải quyết tình trạng này, một số DN đã chủ động đặt hàng đào tạo, nhận SV thực tập rồi tuyển dụng với các trường như CĐ Nghề Đồng An, CĐ Việt Nam - Singapore.

Đại diện Công ty TNHH Điện tự động Thuận Nhật (KCN Sóng Thần 3, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) cho biết DN vừa mới ký hợp đồng đào tạo nguồn nhân lực với Trường CĐ Việt Nam - Singapore. Nhà trường cam kết sẽ đào tạo đúng với các tiêu chí, kỹ thuật liên quan đến công việc tại DN, đồng thời chiêu sinh 1 lớp theo chương trình đào tạo mà 2 bên đã ký kết, số lượng từ 20-25 học viên; học phí do DN tài trợ 100% đến lúc học viên ra trường. Trong thời gian học tại trường, học viên được đến DN làm việc và được trả mức lương tương ứng. Học viên ra trường được nhận vào làm việc tại DN, không phải thử việc.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-4

Kỳ tới: Cần chính sách hỗ trợ dài hơi

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/kho-tuyen-lao-dong-chat-luong-cao-dao-tao-nghe-gan-voi-nhu-cau-doanh-nghiep-2022041120182325.htm