'Khó vạn lần dân liệu cũng xong'

Thời gian qua, ở Việt Nam, chọn ngày nào trong năm để tổ chức đám cưới là quyền của mỗi gia đình miễn là cảm thấy phù hợp với thời gian, điều kiện của mình và theo quan niệm xem thầy để có ngày lành tháng tốt như truyền thống hàng trăm năm nay của dân tộc. Vừa rồi lang thang trên mạng, mới hay trong cả nước, có một nơi làm việc này “không giống ai” và diễn ra đã hơn 20 năm rồi. Đó là thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).

Ở địa phương này, các hộ dân chỉ được tổ chức đám cưới vào 2 ngày cụ thể, đó là ngày mùng 2 và 16 âm lịch hàng tháng. Vào các tháng 10, 11 là cao điểm mùa cưới, bà con có thể tổ chức thêm vào hai ngày nữa là mùng 10 và 22 âm lịch. Ngoài ra, thị trấn cấm tiệt việc tổ chức đám cưới vào các ngày trái với quy định như trên. Theo lời một người dân, quy định thời gian ngày cưới như trên chỉ áp dụng cho các gia đình có con trai. Nếu hộ nào có con gái cưới người ở nơi khác thì không bắt buộc chấp hành như vậy. Còn nếu cả hai họ đều ở Yên Lạc thì đều phải tuân theo quy định chung.

Lạ một điều là quy định này được người dân đồng thuận và thực hiện rất tốt. Trả lời báo điện tử Vietnamnet, ông Phạm Văn Tiệp (nguyên Bí thư Đảng ủy thị trấn Yên Lạc) cho biết: “Những năm 1996-1997, kinh tế địa phương phát triển, người dân đua nhau tổ chức đám cưới linh đình cho con cháu nên gây mất thời gian, tốn kém kinh phí. Dân thị trấn chủ yếu làm nghề mộc, nếu cho cưới tất cả các ngày, nhà nọ có đám thì nhà kia phải hoãn việc làm ăn để đi ăn cỗ liên miên. Bên cạnh đó, nhiều gia đình mê tín, khi có đám cưới đua nhau xem ngày đẹp. Bởi vậy chúng tôi nảy ra ý định chọn ngày sẵn là mùng 2 và 16 âm lịch… Khi được đa số người dân đồng ý, thị trấn mới đem ra áp dụng. Nhờ vậy đã giúp các gia đình giảm bớt chi phí, thời gian cho việc cưới hỏi; người dân không còn đua nhau đi ăn cưới mà ảnh hưởng đến công việc, sản xuất”.

Sự kiện “chỉ ăn cưới trong 2 ngày” của thị trấn Yên Lạc có thể chỉ áp dụng được với đặc điểm, tình hình địa phương mà khó nhân rộng ra cả nước vì còn nhiều khác biệt liên quan. Nhưng nó cho thấy một bài học rất hay về công tác dân vận.

Lâu nay, chúng ta thường nghe phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vận dụng phương châm này, lãnh đạo thị trấn Yên Lạc đã công khai một chủ trương vì dân, tham khảo ý kiến đóng góp của dân một cách dân chủ, cởi mở. Nhờ vậy tập hợp, thống nhất được lòng dân để triển khai hiệu quả một vấn đề tưởng đơn giản mà rất phức tạp và đã thành công. Đây chính là một minh chứng sinh động về công tác dân vận khéo của Đảng và Nhà nước.

Nếu lãnh đạo địa phương nào cũng luôn biết lắng nghe, ghi nhận tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của dân như cách quy định ngày đám cưới ở thị trấn Yên Lạc thì chắc chắn đất nước sẽ phát triển nhanh và bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân sẽ nhanh chóng được nâng cao. Bởi vì cha ông xưa đã khẳng định: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong…

HOÀNG VIỆT DŨNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/148/231278/-kho-van-lan-dan-lieu-cung-xong.html