Khổ vì nhà máy điện quy hoạch treo

13 năm kể từ ngày dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được thông qua chủ trương đầu tư rồi tạm dừng, hàng ngàn hộ dân nơi dự kiến đặt 2 nhà máy điện hạt nhân phải sống trong cảnh đi không được, ở không xong

Chúng tôi tìm đến thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) - nơi được quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân - trong cái nắng chói chang của một ngày đầu hè. Từ trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm, chúng tôi men theo con đường nhựa nhiều năm không sửa sang nay đã hóa đất gần hết, đầy ổ gà để vào bên trong thôn.

Đời treo theo quy hoạch

Sau cuộc hẹn với ông Nguyễn Thành Du, Trưởng thôn Vĩnh Trường, chúng tôi vỡ ra nhiều câu chuyện cười ra nước mắt về đời sống của bà con nơi đây vì dự án treo.

Bà Trương Thị Thê, năm nay đã 72 tuổi, nhà có 3 người con lập gia đình, đáng lẽ đã được tách đất ra riêng. Thế nhưng vì vướng dự án, các con của bà không thể xây cất, đầu tư phát triển kinh tế.

Không chỉ không thể tách sổ để xây nhà, nhiều trường hợp trong thôn Vĩnh Trường vừa đang mang nợ, lại vừa khó ở trong những ngôi nhà "đón đầu" dự án điện hạt nhân. Trước đây, khi có đoàn khảo sát của trung ương về tỉnh Ninh Thuận thẩm định vị trí tại thôn Vĩnh Trường, năm 2008, ông Nguyễn Thanh Nhàn (58 tuổi) vay hơn 100 triệu đồng để xây mới căn nhà với diện tích 6 m x 13 m, hy vọng có thể được đền bù cao khi dự án triển khai. Thế nhưng, dự án chưa triển khai, tiền đền bù thì chẳng có, trong khi muốn sửa sang ngôi nhà xây vội để dễ ở thì cũng chẳng được. "Tiền vay vốn xây nhà phải trả lãi, riêng dự án thì năm này tháng nọ chưa triển khai. Mình ở thì không xong, trong khi đầu tư gì cũng không an tâm vì dự án điện hạt nhân chưa bỏ hẳn" - ông Nguyễn Thanh Nhàn nói.

Ông Nguyễn Thanh Nhàn bên căn nhà vay vốn “đón đầu” dự án

Ông Nguyễn Thanh Nhàn bên căn nhà vay vốn “đón đầu” dự án

Ông Nguyễn Thành Du cho biết toàn thôn có 254 hộ, trong đó có khoảng 100 hộ chưa có đất ở, phải ở nhờ từ thời điểm quy hoạch dự án điện hạt nhân đến giờ. Qua thống kê từ nguồn vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội, toàn thôn Vĩnh Trường có khoảng 11 tỉ đồng tiền gốc của bà con chưa có nguồn thanh khoản. Đó là chưa kể các khoản vay ngoài ngân hàng.

Ở thôn này cũng không hiếm trường hợp do thiếu điều kiện canh tác, kinh tế khó khăn nên đã phải bỏ đi nơi khác sinh sống. "Chuyện người sống đã khó, riêng người chết cũng không dễ giải quyết. Do vướng dự án nên những nhà có người thân qua đời không thể chôn cất trong thôn mà phải tìm kiếm ở những khu đất xa xôi, khu vực núi rừng để chôn" - trưởng thôn Vĩnh Trường chua xót.

Không thể để dân đợi mãi

Cũng theo ông Nguyễn Thành Du, đến tháng 11-2016, dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua chủ trương tạm dừng. Từ đó đến nay, người dân trong thôn vẫn chưa được hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ gì. Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết 115 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân, để thực hiện chủ trương tạm dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Người dân trong vùng dự án đang mong muốn Nghị quyết 115 sớm được triển khai để bù đắp phần nào thiệt hại mà họ đã gánh chịu trong suốt thời gian quy hoạch kéo dài.

"Dự án điện hạt nhân chưa biết dừng luôn hay tiếp tục triển khai nhưng chúng tôi mong muốn trước mắt các cơ quan chức năng nên quan tâm hỗ trợ cho người dân vùng dự án trước, vì họ đã chịu khổ cực hơn chục năm nay rồi. Trong đó có việc sửa sang lại nhà cửa, hỗ trợ cơ sở vật chất, trả lại quyền sử dụng đất cho người dân" - ông Nguyễn Thành Du nói.

Dự án điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2009, với dự kiến xây dựng nhà máy Ninh Thuận 1 tại huyện Thuận Nam và nhà máy Ninh Thuận 2 tại huyện Ninh Hải, tổng công suất 4.000 MW, tổng đầu tư dự kiến ban đầu 200.000 tỉ đồng. Tại nhà máy Ninh Thuận 1 có hơn 250 hộ của cả thôn Vĩnh Trường nằm trọn trong vùng lõi dự án phải di dời. Riêng nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) có hơn 800 hộ dân bị ảnh hưởng. Từ khi quy hoạch dự án, khoảng 2.800 nhân khẩu thôn Thái An gặp khó khăn trong ổn định cuộc sống, sản xuất khi hàng trăm hécta đất ven biển bị yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, không được tác động, xây dựng.

"Hơn 10 năm qua, do không được đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, nên đời sống của nhân dân vùng quy hoạch dự án điện hạt nhân gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh mong muốn bộ, ngành trung ương tham mưu với Thủ tướng Chính phủ sớm trả lại diện tích của 2 dự án cho tỉnh để triển khai các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội" - ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết.

Đề nghị tạm giữ quy hoạch

Mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết 31 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2021. Tại báo cáo này, Ủy ban Kinh tế cho rằng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, đồng thời ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đối tác, nên đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền quyết định chính thức về vấn đề này.

Bài và ảnh: Hợp Phố

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/kho-vi-nha-may-dien-quy-hoach-treo-20220608201214063.htm