Khổ vì ô nhiễm tiếng ồn
Ô nhiễm tiếng ồn không tồn lưu trong môi trường như các loại hình ô nhiễm khác nhưng tác động vào con người tức thì và để lại hậu quả lâu dài. Nhiều địa phương vẫn chưa chú trọng xử lý, hoặc xử lý nhưng chưa triệt để.
“Ra quân” xử lý tiếng ồn
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương quyết liệt “đẩy lùi” vấn nạn tiếng ồn. Sở TN-MT phân loại tình trạng gây tiếng ồn trên địa bàn thành phố thành 4 nhóm đối tượng. Nhóm thứ nhất từ các hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, bar, vũ trường; nhóm thứ hai từ các quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa di động công suất lớn; nhóm thứ ba từ hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc, tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật…; nhóm cuối cùng là từ các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát thanh quảng cáo, địa điểm sinh hoạt công cộng… Thành phố đã tổ chức các kênh tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh về tiếng ồn cho người dân.
Theo thống kê của Sở TT-TT TP. Hồ Chí Minh, tính từ ngày 10/3/2021 đến hết ngày 20/5/2021, Cổng thông tin 1022 do Sở vận hành đã tiếp nhận 2.835 tin; đường dây nóng của Sở tiếp nhận 19 trường hợp; các kênh của quận, huyện và TP. Thủ Đức nhận về 2.229 tin phản ánh vi phạm tiếng ồn từ người dân. Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, đến nay, 100% UBND cấp huyện đã tổ chức tiếp nhận kịp thời các phản ánh về tiếng ồn thông qua ứng dụng trực tuyến, các kênh thông tin trực tuyến, các đường dây nóng của quận huyện, phường xã, khu phố,...
Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức phạt thấp nhất là 1-5 triệu đồng cho hành vi gây tiếng ồn 2-5dBA, cao nhất là 140-160 triệu đồng cho hành vi gây tiếng ồn trên 40dBA. Một số cơ quan chức năng địa phương phản ánh còn thiếu các thiết bị đo âm thanh chuyên dụng để xác định chính xác và xử lý kịp thời hành vi gây tiếng ồn vượt quy định.
Những kênh thông tin này đóng vai trò quan trọng trong việc vận động người dân đồng hành cùng chính quyền địa phương “đẩy lùi” vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn; đồng thời là “cầu nối” thực hiện công tác tuyên truyền, nhắc nhở việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiếng ồn đến các khu phố, tổ dân phố, mỗi người dân, tổ chức, cơ sở sản xuất... Các nội dung về hạn chế tiếng ồn cũng được đưa vào quy ước khu dân cư.
Thành phố cũng tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, thành phố sẽ tổ chức đợt cao điểm thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm sẽ bắt đầu từ sau ngày 30/6/2021. Theo đó, mức xử phạt thấp nhất là 100.000 đồng, cao nhất là 160 triệu đồng, tùy trường hợp.
Chờ giải pháp “tận gốc”
Trong khi đó, ở nhiều địa phương khác, vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn vẫn chưa được chú trọng xử lý hoặc có xử lý nhưng chưa triệt để. Theo nhận định của TS. Hà Lan Phương - Trưởng Khoa Khám bệnh chuyên ngành – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế, trên các phương tiện truyền thông, ô nhiễm tiếng ồn không tồn lưu trong môi trường như các loại hình ô nhiễm khác, nhưng tác động vào con người tức thì và để lại hậu quả lâu dài. Nếu quá mức cho phép sẽ gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể, thậm chí là suy nhược thần kinh.
TS Phương cũng nhắc đến một nghiên cứu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường vào cuối năm 2020, kết quả đo tại 12 nút giao thông chính trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy tiếng ồn trung bình vào ban đêm là 65-75dBA, trong khi tiêu chuẩn cho phép là 10-20dBA.
Nhiều năm nay, người dân Thủ đô đang phải chịu đựng nhiều loại tiếng ồn như còi xe; tiếng nổ động cơ xe máy, ô tô; tiếng ồn từ công trình xây dựng vào ban đêm, cửa hàng dùng loa quảng cáo… Thêm vào đó, ghi nhận tại một số làng nghề về sản xuất cơ, kim khí, mộc dân dụng, chế tác đá... cho thấy hoạt động này thường xuyên gây ra tiếng ồn lớn nhưng hầu hết các cơ sở không có giải pháp giảm tiếng ồn trong quy trình sản xuất, gây ảnh hưởng tới người dân sống xung quanh, đặc biệt tiềm ẩn nhiều nguy cơ suy giảm sức khỏe với người lao động trực tiếp. Có thể “điểm danh” một số cơ sở sản xuất đồ mộc, cơ kim khí ở xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai); xã Hữu Bằng và Phùng Xá (huyện Thạch Thất)...
Được biết, Sở TN-MT Hà Nội, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp giảm ô nhiễm tiếng ồn, như di chuyển các làng nghề ra điểm sản xuất tập trung xa khu dân cư; yêu cầu các cơ sở sản xuất làm tường cách âm, giảm âm; thiết lập các hành lang cây xanh tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; cấm lưu thông các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn...
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các sở, ngành nhằm kiểm soát, xử phạt các trường hợp sử dụng phương tiện giao thông gây ô nhiễm tiếng ồn, nhất là rú ga, sử dụng còi xe vượt mức cho phép. Nhưng thực tế người dân vẫn phải chịu đựng đủ loại tiếng ồn không kể ngày đêm, cho thấy vẫn cần các giải pháp giải quyết được “phần gốc” của hiện trạng.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/kho-vi-o-nhiem-tieng-on-post402489.html