'Kho vũ khí' chủ lực của EU trong cuộc chiến thương mại với chính quyền Trump 2.0

Trước nguy cơ bùng phát chiến tranh thương mại khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, EU đã chuẩn bị loạt công cụ phòng thủ từ biện pháp trả đũa nhắm vào hàng hóa Mỹ, kiện Mỹ ra WTO, cho đến áp đặt rào cản kỹ thuật và hạn chế tiếp cận thị trường.

Cờ Liên minh châu Âu. Ảnh: IRNA/TTXVN

Cờ Liên minh châu Âu. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo tờ Politico (Mỹ), ngay trước thềm Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, Liên minh châu Âu (EU) đã chuẩn bị nhiều phương án để đối phó với nguy cơ bùng phát chiến tranh thương mại xuyên Đại Tây Dương. Theo số liệu hiện tại, EU đang có thặng dư thương mại kỷ lục với Mỹ, dự kiến đạt 230 tỷ USD trong năm nay.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất giải pháp "mềm dẻo: ban đầu là tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ thay vì Nga. Tuy nhiên, Brussels cũng đã chuẩn bị sẵn "kho vũ khí" phòng thủ thương mại trong trường hợp đàm phán thất bại. Theo ông Ignacio García Bercero, cựu đại diện EC tại Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, EU cần có sẵn phương án trả đũa đáng tin cậy để đảm bảo vị thế đàm phán. Dưới đây là những công cụ chính mà EU có thể sử dụng:

Thứ nhất, biện pháp trả đũa trực tiếp nhắm vào các sản phẩm Mỹ. EU từng áp dụng thành công chiến thuật này năm 2018 bằng cách tăng thuế đối với các mặt hàng đến từ các bang chiến trường quan trọng ở Mỹ. Điển hình là việc áp thuế 56% với xe máy Harley-Davidson, khiến hãng này phải chuyển một phần sản xuất sang Thái Lan. Kết quả là doanh số của Harley-Davidson tại khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi đã sụt giảm mạnh từ 44.000 xe năm 2019 xuống còn 27.000 xe.

Thứ hai, EU có thể kích hoạt Công cụ chống cưỡng bức (ACI). Được ví như "bazooka" (vũ khí có hỏa lực tương đối mạnh), đây là biện pháp răn đe nhằm chống lại hành vi bắt nạt thương mại. Điểm đặc biệt của công cụ này là bắt đầu bằng đối thoại hợp tác trước khi áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Thứ ba, EU có thể kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mặc dù biện pháp này khó mang lại kết quả cụ thể do Mỹ đã vô hiệu hóa cơ chế phúc thẩm của WTO, nhưng nó thể hiện cam kết của EU với thương mại dựa trên luật lệ.

Thứ tư, EU có thể tiến hành điều tra chống bán phá giá hoặc trợ cấp đối với hàng hóa Mỹ. Mặc dù đây là công cụ hợp pháp theo WTO, nhưng thời gian điều tra kéo dài trên một năm khiến nó không phải lựa chọn tối ưu cho phản ứng nhanh.

Thứ năm, EU có thể áp đặt các rào cản kỹ thuật trong thương mại. Đây là những yêu cầu đặc biệt về sản phẩm có thể gián tiếp hạn chế hàng nhập khẩu. Hiện Mỹ đã phàn nàn về một số quy định của EU như quy định về phá rừng hay quy tắc về an toàn sản phẩm.

Cuối cùng, EU có thể sử dụng Công cụ mua sắm quốc tế để hạn chế tiếp cận thị trường đấu thầu công của châu Âu. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này có thể bị hạn chế do Mỹ đã có nhiều ngoại lệ trong các quy định về nội địa hóa đấu thầu.

Mỗi công cụ đều có ưu và nhược điểm riêng và EU sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn phương án phù hợp, vừa bảo vệ được lợi ích thương mại của mình, vừa tránh làm leo thang căng thẳng không cần thiết với đối tác quan trọng là Mỹ.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch von der Leyen và ông Maroš Šefčovič, Ủy viên Thương mại sắp tới của EU, vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với chính quyền Trump mới bằng cách đề xuất nới lỏng một số rào cản kỹ thuật hiện có, thể hiện thiện chí của EU trong việc tìm kiếm giải pháp hài hòa cho cả hai bên.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/kho-vu-khi-chu-luc-cua-eu-trong-cuoc-chien-thuong-mai-voi-chinh-quyen-trump-20-20241120143920876.htm