Kho vũ khí của Hamas trong trận chiến sinh tử với Israel

Để đương đầu với Israel trên quy mô lớn và trong thời gian dài, lực lương Hồi giáo vũ trang Hamas đã phải chuẩn bị và tích trữ một số lượng vũ khí không nhỏ.

Ngoài rocket, Hamas còn sở hữu các vũ khí như tên lửa chống tăng có dẫn đường, thiết bị bay không người lái (UAV), đạn B-41 và mìn chống tăng. Hamas cũng đã tự chế được súng B-41.

Một chiến binh Hamas bên súng máy. Ảnh: Zuma Press.

Một chiến binh Hamas bên súng máy. Ảnh: Zuma Press.

Khi tổ chức Hồi giáo vũ trang Hamas tấn công lãnh thổ Israel vào ngày 7/10, người ta chứng kiến các chiến binh Hamas chiếm một số căn cứ quân sự Israel mà bên trong có xe thiết giáp. Nhưng hiện chưa có bằng chứng cho thấy Hamas có khả năng di chuyển hoặc điều khiển các xe thiết giáp hạng nặng này. Cũng chưa rõ Hamas đã làm hư hại hoặc phá hủy được bao nhiêu xe thiết giáp như vậy trước khi quân đội Israel (IDF) tái chiếm các căn cứ đó.

Trước khi Israel phản kích, phía Hamas được cho là đã chiếm được một số xe tăng và xe bọc thép chở quân của Israel, bao gồm 7 chiếc xe tăng Merkava IVM, 3 chiếc Merkava IIB, 24 chiếc thiết vận Namer, 10 chiếc xe thiết giáp chở quân Achzarit, 4 xe chở súng cối 120mm M106 Keshet, và 8 xe thiết vận M113.

Tên lửa chống tăng có dẫn đường

Loại vũ khí chống tăng uy lực nhất của Hamas là tên lửa chống tăng dẫn đường (ATGM) - hệ thống này khá cồng kềnh, dẫn đường bằng laser, và do Liên Xô/Nga sản xuất. Tên lửa có thể đánh trúng xe tăng đối phương ở cự ly lên tới 4,5km.

Do sự nguy hiểm của ATGM, các cuộc tấn công của Israel đã ưu tiên nhắm vào vũ khí này.

Trên thực tế, đòn đánh gây thương vong nhất của Hamas là một quả ATGM phóng vào một xe thiết vận Namer, làm 11 quân nhân Israel tử trận và 4 người khác bị thương. Hôm đó, có thêm 2 lính IDF tử vong do ATGM của Israel. Tổng số lính tử trận này tương đương 1/3 số quân nhân Israel tử vong đã được xác nhận trong tháng giao tranh đầu tiên giữa Israel và Hamas tính từ ngày 7/10.

Loại ATGM quan trọng nhất của Hamas là 9M133 Kornet-E gốc Nga, sử dụng quả tên lửa lớn 152mm và “đạn nổ lại” được thiết kế để xuyên thủng lớp giáp phản ứng nổ. Thứ vũ khí này tỏ ra hiệu quả trước xe tăng Merkava của Israel trong xung đột quân sự Lebanon 2006 và xung đột với Hamas năm 2014.

Hamas cũng khoe rằng họ sở hữu các tên lửa Bulsea-2 của Triều Tiên - những tên lửa này được cho là chế tạo dựa trên phiên bản tên lửa 9K111 của Liên Xô. Tên lửa này cũng dẫn đường bằng laser. Tuy nhiên, Bulsea-2 chưa được Hamas triển khai trong cuộc đối đầu với Israel.

UAV chiến thuật của Hamas

Trong cuộc tiến công vào biên giới Israel hôm 7/10, Hamas có huy động các thiết bị bay không người lái (UAV) dân sự DJI và Autel, và thậm chí cả phiên bản lớn hơn là DJI Matric-600. Đây đều là UAV dạng trực thăng, được sử dụng để thả lựu đạn vào các khẩu súng và thiết bị cảm biến của Israel ở biên giới với Gaza. Chiến thuật này dựa trên quan sát cách sử dụng UAV dân sự trong xung đột Nga - Ukraine.

Hamas cũng áp dụng phương pháp này để phá hủy hoặc làm hư hại một xe tăng Merkava đang di chuyển. Khi đó, hệ thống phòng vệ Trophy trên xe có thể đã bó tay khi xe bị tấn công trực tiếp từ phía trên. Cũng có thể UAV kia có tốc độ chậm và các lựu đạn được thả bằng trọng lực nên đã bị cảm biến của Trophy bỏ qua.

Hãng Rafael sản xuất ra Trophy tuyên bố, họ đang nâng cấp hệ thống này trên mẫu xe tăng Merkava Barak mới để nó đương đầu tốt hơn với các mối đe dọa UAV.

Hamas cũng sử dụng UAV để phát hiện và tấn công các kíp xe tăng Israel khi các quân nhân này đang ở bên ngoài xe tăng, trong hố công sự cá nhân.

Số lượng video mà Hamas công bố về UAV của họ kể từ ngày 7/10 là không lớn. Điều này cho thấy kho UAV của Hamas không đáng kể, khiến họ phải sử dụng dè sẻn, khác với trường hợp xung đột Ukraine, nơi hàng chục ngàn UAV đã được sử dụng và bị phá hủy.

Đạn B-41 và mìn tự chế của Hamas

ATGM có uy lực lớn. Thế nhưng vũ khí chống tăng nhiều nhất của Hamas lại là các khẩu súng vác vai B-41, với độ chính xác trong cự ly từ 200-300m. Hamas đã chế tạo được các súng chống tăng Al-Yassin (tức B-41) trong các xưởng quân giới dưới lòng đất kể từ năm 2004, với các quả đạn 85mm hình nón.

Tuy nhiên các đầu đạn 85mm này không hiệu quả trước các lớp giáp xe tăng dày hơn của Israel. Do vậy Hamas đã chuyển sang sử dụng cả đầu đạn Yassain cỡ lớn hơn, là loại 105mm có khả năng xuyên phá được giáp phòng thủ nổ.

B-41 tương đối rẻ, nhưng để phát huy hiệu quả, người sử dụng B-41 phải mai phục khá gần xe tăng. Sau khi phóng đạn, đội B-41 của Hamas phải có một đường rút lui được che chắn tốt để tránh hỏa lực đáp trả từ phía Israel.

Nhưng ngay cả với kích cỡ lớn (105mm), đạn Yassin vẫn cần đánh vào lớp giáp phía sau (mỏng hơn) của xe tăng Merkava hoặc xe thiết giáp Namer thì mới có cơ xuyên thủng giáp của các xe này.

Hệ thống địa đạo của Hamas trợ giúp đáng kể cho chiến binh Hamas trong các cuộc phục kích xe tăng đối phương bằng loại súng tầm gần này.

Bên cạnh đó, Hamas cũng chế tạo mìn và thiết bị nổ tự chế kích hoạt từ xa. Loại vũ khí này khá hiệu quả trước các xe thiết giáp bánh xích. Ít nhất một thiết bị nổ tự chế của Hamas đã gây tử vong cho 2 quân nhân Israel ngồi trong xe tăng Merkava và làm bị thương 2 thành viên khác của kíp xe này.

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Popular Mechanics

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/vu-khi/kho-vu-khi-cua-hamas-trong-tran-chien-sinh-tu-voi-israel-post1059188.vov