Khó xác định khi nào dao là vũ khí, khi nào là công cụ sản xuất

Ngày 3/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ, quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Ảnh: Quang Vinh.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Ảnh: Quang Vinh.

Theo ĐB Hoàng Hữu Chiến (Đoàn ĐBQH An Giang), tại Khoản 1, Điều 56 dự thảo luật quy định các loại công cụ hỗ trợ phải được cấp giấy phép sử dụng hoặc đăng ký khai báo với cơ quan công an có thẩm quyền do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Tuy nhiên ông Chiến đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung vào “trừ các loại công cụ hỗ trợ do Bộ Quốc phòng quản lý” để đảm bảo rõ ràng, cụ thể và phù hợp.

Liên quan đến quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH Bình Định) cho rằng, quy định như dự thảo sẽ tăng tính răn đe đối với đối tượng có tiền án, tiền sự, thường xuyên gây rối trật tự công cộng, có hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa xâm phạm cơ thể của người khác. Tuy nhiên, phương án này cũng có một số hạn chế. Bởi nếu quy định dao từ 20cm trở lên, hoặc dao tự chế là vũ khí thô sơ thì những đối tượng trên có xu hướng sẽ sử dụng vũ khí thô sơ nhiều hơn là sử dụng dao từ 20cm trở lên vì sử dụng vũ khí thô sơ sẽ có lợi thế hơn trong các vụ ẩu đả.

Để hạn chế được thương vong theo hướng “phòng là chính”, cũng giúp cho người sử dụng dao cho mục đích lao động, sản xuất, học tập, sinh hoạt, thể dục thể thao được thuận tiện, ông Cảnh đề nghị, dao, vật sắc nhọn đang được sử dụng đúng nhu cầu thông thường hàng ngày thì không xem là vũ khí thô sơ. Khi nào người cầm dao, vật nhọn trong hoàn cảnh được suy đoán là có nguy cơ sử dụng không vì mục đích lao động, học tập, sản xuất, sinh hoạt, thể dục thể thao thì lúc đó dao, vật nhọn mới trở thành vũ khí thô sơ.

Từ đó, ông Cảnh đề nghị có thể điều chỉnh nội dung quy định theo hướng dao, vật sắc nhọn, các vật dụng, đồ dùng được đập vỡ, cắt rời thành những vật sắc nhọn, có tính sát thương cao mà người sử dụng cầm, đeo trong trường hợp đang, hoặc, đã đe dọa hành hung khi đang gây ẩu đả, đeo đuổi người khác, được chuẩn bị có mục đích thì được xem là vũ khí thô sơ. Hoặc dao được nhập khẩu, được “độ”, “chế”, hàn nối mà không chứng minh được dùng vào mục đích lao động, học tập, sinh hoạt, thể dục thể thao thì cũng được xem là vũ khí thô sơ. Quy định như vậy sẽ có hiệu quả trong việc phòng ngừa các vụ ẩu đả.

ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) cũng cho rằng, trong giải thích từ ngữ cần rõ ràng. Theo đó, nếu dao có tính sát thương cao được quy định trong dự thảo luật, phục vụ cho lực lượng vũ trang thì gọi là vũ khí, còn đối tượng xấu, manh động sử dụng với hành vi vi phạm pháp luật thì gọi là hung khí. Còn sinh hoạt của gia đình gọi là công cụ để hỗ trợ cho gia đình trong mọi hoạt động sinh hoạt. “Nếu gom hết lại gọi là vũ khí thô sơ thì liệu có phù hợp? Dao, mác người dân đang sử dụng như công cụ trong sản xuất, sinh hoạt của gia đình mà gọi là vũ khí thô sơ thì sao được” - ông Hòa bày tỏ.

Theo ĐB Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH Trà Vinh), nếu quy định dao là một loại vũ khí và xử lý đối tượng sở hữu dao theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thì có thể phát sinh nhiều bất cập và nảy sinh vấn đề mâu thuẫn giữa đời sống xã hội và pháp luật. Nhất là nếu liệt kê dao vào vũ khí thô sơ thì hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Do đó, để bảo đảm tính ổn định xã hội, đề nghị cần tổ chức khảo sát, lấy ý kiến sâu hơn nữa của các tầng lớp nhân dân là đối tượng chịu sự tác động của các vi phạm pháp luật để đánh giá tính nghiêm trọng của các loại vật dụng gây nguy hiểm. Từ đó đưa ra các quy định cụ thể và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

ĐB Nguyễn Việt Hà (Đoàn ĐBQH Tuyên Quang) dẫn chứng, qua báo cáo tổng kết 5 năm thi hành luật của Bộ Công an cho thấy trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án, giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ thì có đến 25.378 vụ, chiếm 88,4% đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và các phương tiện tương tự dao để gây án. Riêng đối với đối tượng sử dụng các loại dao gây án chiếm 66,4 % vụ. Đối tượng sử dụng dao nhọn sắc có tính sát thương rất cao như dao bầu, dao phay, dao quắm giết người với tình tiết rất manh động, gây bức xúc và hoang mang trong dư luận xã hội.

Theo bà Hà, trước đây Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết đưa một số loại phương tiện, dụng cụ thuộc hung khí nguy hiểm, trong đó có dao phay, các loại dao sắc nhọn để làm tình tiết định tội và tình tiết định khung hình phạt. Thực tế hiện nay hiện tượng thanh niên tự hoán cải, tự chế thêm vào các loại dao này để sử dụng làm công cụ phạm tội. Tuy nhiên không xử lý được các đối tượng này về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong luật hiện hành không quy định dao là vũ khí.

Do đó, bà Hà cho rằng cần bổ sung vào dự thảo việc dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ. Đồng thời để tránh vướng mắc trong thực tế khi dao này được sử dụng vào mục đích sinh hoạt nên quy định các trường hợp đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này để đảm bảo tính khả thi của dự án luật và giải quyết được vướng mắc.

ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn ĐBQH Bến Tre) cũng đồng tình việc bổ sung dao có tính sát thương cao vào nhóm vũ khí thô sơ. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần làm rõ căn cứ mô tả chi tiết và phân loại loại vũ khí này theo chiều dài của lưỡi dao. Ví dụ như loại dao rất sắc nhọn của người bán thịt, nếu sử dụng để xẻ thịt bán thì không gọi là vũ khí và không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Nhưng khi sử dụng làm tổn hại đến người khác thì mới được gọi là vũ khí thô sơ.

THÔNG CÁO SỐ 13 KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thứ hai, ngày 3/6, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 12 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra. Cũng trong buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Buổi chiều, Chủ tịch Tổng Liênđoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra. Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Theo VPQH

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kho-xac-dinh-khi-nao-dao-la-vu-khi-khi-nao-la-cong-cu-san-xuat-10282540.html