Khó xây dựng điểm giết mổ gia súc, gia cầm đạt tiêu chuẩn

Theo Quy hoạch chăn nuôi của tỉnh giai đoạn 2012 - 2020, tại trung tâm huyện lỵ phải xây dựng được một điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y. Tuy nhiên, tỉnh ta mới có duy nhất 1 cơ sở tại thành phố Tuyên Quang đủ tiêu chuẩn, còn tại các huyện đều chưa có. Không xây dựng được các cơ sở giết mổ tập trung gây nhiều khó khăn cho ngành chức năng trong việc kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc và giám sát dịch bệnh.

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho khẳng định, trong tổng số 561 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của tỉnh chỉ có duy nhất 1 giết mổ tập trung tại phường Tân Hà cơ bản đạt chuẩn, còn lại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại hộ gia đình đều không đáp ứng các yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, chưa nói đến việc kiểm soát dịch bệnh gia súc trước khi đưa vào giết thịt làm thực phẩm. Ông Khoa lý giải những nguyên nhân thiếu các cơ sở giết mổ tập trung là thiếu các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực tài chính đầu tư vào lĩnh vực này; tính liên kết hợp tác giữa các hộ có cùng ngành nghề rất rời rạc. Tại rất nhiều địa phương dù có 5-7 cơ sở giết mổ nhưng mạnh ai nấy làm, không hợp tác liên kết trong hoạt động. Thói quen sử dụng sản phẩm gia súc, gia cầm giết mổ tại chỗ khiến cho việc xây dựng duy trì các điểm giết mổ tập trung không phát triển, gây khó khăn cho công tác kiểm soát giết mổ cũng như giám sát dịch bệnh.

Cơ sở giết mổ tập trung tại phường Tân Hà (Tp Tuyên Quang)trung bình mỗi ngày giết mổ từ 70-80 con gia súc.

Năm 2014, huyện Sơn Dương được Ban điều phối Dự án có vốn đầu tư nước ngoài hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ tập trung tại xã Đại Phú với quy mô 10 con/ngày. Cơ sở có các hạng mục chuồng nhốt, nơi giết mổ, hệ thống cống dẫn nước thải… được xây dựng đồng bộ, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Nguyên nhân là do các hộ giết mổ trên địa bàn ít, trong khi cơ sở giết mổ tập trung lại xa nên hầu hết người dân tận dụng giết mổ gia súc tại gia đình.

Dọc Quốc lộ 2, đoạn đi qua các xã Thái Hòa, Đức Ninh (Hàm Yên), rất nhiều hộ kinh doanh thịt gia súc tươi sống. Ông Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 8 điểm giết mổ gia súc, trong đó có 1 điểm giết mổ gia súc lớn (trâu, bò). Các điểm giết mổ đều ở quy mô hộ gia đình, chưa đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường theo đúng quy định. Cơ sở giết mổ gia súc của bà Vũ Thị Hương, thôn Ao Sen, xã Đức Ninh mỗi ngày giết mổ 1-2 con lợn. Bà Hương cho biết, việc giết mổ gia súc rất ít, chủ yếu phục vụ nhu cầu kinh doanh của gia đình nên bà cũng chỉ tận dụng mặt bằng sân nhà làm nơi giết mổ chứ không đầu tư xây dựng thành khu. Các đường dẫn nước thải, chất thải cũng vẫn chung với đường cống thoát nước thải sinh hoạt của gia đình.

Luật Thú y năm 2015 quy định, việc giết mổ động vật phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung và phải có sự kiểm soát của cơ quan thú y. Tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn mà chưa có cơ sở giết mổ tập trung thì được thực hiện tại cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ. Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và do UBND cấp xã quản lý. Do đó, trong thời gian tới, chính quyền các địa phương cần tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân tham gia giết mổ gia súc thành lập các tổ, nhóm chung vốn xây dựng điểm giết mổ tập trung, hạn chế đến mức thấp nhất các cơ sở giết mổ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/kho-xay-dung-diem-giet-mo-gia-suc-gia-cam-dat-tieu-chuan-123669.html