Khó xây dựng và thực hiện quy ước ở Điện Biên Đông

ĐBP - Quy ước là văn bản quy phạm xã hội, trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân. Xây dựng và thực hiệu quy ước nhằm giữ gìn và phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp, truyền thống văn hóa tại các bản, làng, góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý nhà nước bằng pháp luật. Song thời gian qua, việc triển khai xây dựng và thực hiện quy ước trên địa bàn huyện Điện Biên Đông gặp nhiều khó khăn, hầu hết các bản, tổ dân phố đều chưa xây dựng được quy ước.

Cán bộ văn hóa thị trấn Điện Biên Đông hướng dẫn Tổ trưởng tổ dân phố 1 xây dựng quy ước.

Xác định rõ vai trò việc xây dựng và thực hiện quy ước, hàng năm, huyện Điện Biên Đông đã chủ động ban hành kế hoạch thực hiện công tác quản lý về xây dựng, thực hiện quy ước trên địa bàn; hướng dẫn, tổ chức rà soát, đánh giá về nội dung, quy trình xây dựng, thực hiện quy ước tại địa phương. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về xây dựng, thực hiện quy ước cho trưởng bản, cán bộ văn hóa xã; lồng ghép nội dung xây dựng, thực hiện quy ước vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền... Nhưng đến nay, việc xây dựng quy ước trong cộng đồng dân cư gặp rất nhiều khó khăn. Trên địa bàn huyện mới có 22 bản thuộc 2 xã Pu Nhi và Phình Giàng là đã xây dựng được quy ước; 176 bản, tổ dân phố còn lại thuộc 12 xã, thị trấn đều chưa xây dựng, hoàn thiện quy ước.

Theo ông Nguyễn Trọng Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Điện Biên Đông, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do các địa phương chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức tới công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến cho người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của quy ước trong cộng đồng thôn, bản. Việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi chưa đầy đủ, nghiêm túc; công tác phối hợp giữa các cấp chính quyền với MTTQ và các đoàn thể chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ tham mưu cấp xã còn hạn chế. Mặt khác, do đời sống nhân dân còn khó khăn, trình độ dân trí phát triển chưa đồng đều, còn tồn tại một số phong tục tập quán lạc hậu, ngân sách đầu tư trong lĩnh vực văn hóa còn ít cũng gây khó khăn cho việc xây dựng quy ước. Nhiều bản chưa thành lập được tổ soạn thảo; một số nơi mặc dù thành lập được tổ soạn thảo nhưng do nhận thức của các thành viên còn hạn chế nên khó khăn trong việc lựa chọn nội dung. Một số xã tuy đã triển khai xây dựng quy ước nhưng do không đúng quy trình thực hiện, thể thức văn bản không đảm bảo yêu cầu, nội dung có sự trùng lặp, không phù hợp nên phải chỉnh sửa, bổ sung. Có bản đã soạn thảo quy ước nhưng khi đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư lại chưa nhận được sự đồng tình, nhất trí của người dân ở một số nội dung nên không được thông qua...

Thị trấn Điện Biên Đông là địa bàn trung tâm huyện, đời sống, nhận thức của người dân cao hơn so với mặt bằng chung của huyện, nhưng đến nay chưa có tổ dân phố nào xây dựng và thực hiện được quy ước. Ông Cà Mạnh Hải, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Điện Biên Đông chia sẻ: Lý do chính khiến các tổ dân phố chưa xây dựng được quy ước là do trên địa bàn có nhiều thành phần dân tộc, trong đó mỗi dân tộc lại có phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt, lối sống khác nhau nên việc thống nhất đưa ra một quy ước chung để mọi người cùng thực hiện là rất khó. Đơn cử như trong tổ chức việc cưới xin, đồng bào dân tộc Mông vẫn còn tình trạng thách cưới, thời gian thường kéo dài 2 - 3 ngày, gia đình tự mổ trâu, bò, lợn làm cỗ mời hết những người thân quen. Trong khi đó, bà con dân tộc Kinh thường tổ chức cưới đơn giản, gọn nhẹ, cỗ bàn được đặt tại nhà hàng và chỉ tổ chức vào một khung giờ nhất định, khách mời có sự lựa chọn kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, trình độ nhận thức, mức sống, thu nhập của người dân có sự chênh lệch đáng kể nên khó thống nhất nội dung đưa vào quy ước. Đơn cử như việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, một số hộ cán bộ công chức, buôn bán kinh doanh đồng tình với việc không thả rông gia súc, gia cầm trong khu dân cư, song các hộ chăn nuôi lại không nhất trí...

Tương tự như thị trấn Điện Biên Đông, mặc dù đã được công nhận là xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới nhưng đến nay Mường Luân chưa có bản nào xây dựng và hoàn thiện được quy ước. Nguyên nhân được ông Lò Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Mường Luân đưa ra là do năng lực của đội ngũ cán bộ bản còn hạn chế nên khó khăn trong quá trình xây dựng; do phong tục tập quán có sự khác nhau nên chưa thống nhất được nội dung quy ước. Mặt khác, do nhận thức của người dân còn hạn chế; một số bản dù đã biên soạn được quy ước nhưng do có nội dung chưa phù hợp, sai thể thức, mắc nhiều lỗi nên phải xem xét chỉnh sửa lại...

Việc xây dựng và thực hiện quy ước trong cộng đồng dân cư là việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới ở Điện Biên Đông. Vì vậy, các cấp chính quyền huyện cần sớm đề ra giải pháp thực hiện, tháo gỡ khó khăn nhằm giúp các xã xây dựng và thực hiện quy ước, phấn đấu thực hiện mục tiêu 100% bản, tổ dân phố trên địa bàn xây dựng và thực hiện quy ước trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đức Linh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/van-hoa/189268/kho-xay-dung-va-thuc-hien-quy-uoc-o-dien-bien-dong