Khó xử lý phương tiện vi phạm ở các xã vùng cao

Cuộc sống khó khăn nên đồng bào vùng cao thường mua loại phương tiện cũ, giá rẻ không có giấy tờ để đi rẫy, vào rừng vận chuyển nông sản hay sản vật rừng, nên khi vi phạm giao thông khó xử lý.

Khó xử lý phương tiện vi phạm ở

Đủ kiểu vi phạm

Cũng giống như ở dưới xuôi, có bao nhiêu kiểu vi phạm giao thông thì ở vùng cao cũng như vậy. Song những vi phạm phổ biến nhất vẫn là điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, chạy xe khi có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép, buông cả 2 tay khi đang điều khiển xe máy, điều khiển xe không có giấy đăng ký xe, chạy xe khi chưa đủ tuổi... Tính chất vi phạm giao thông ngày càng có chiều hướng gia tăng ở vùng cao khi cuộc sống ngày một nâng cao. Tuy nhiên, so với vùng xuôi, điều kiện sống của người đồng bào vùng cao vẫn còn khó khăn, một gia đình bình thường miền xuôi có thể có 2 – 3 chiếc xe máy mới chính chủ, nhưng với một gia đình đồng bào vùng cao đó là điều không tưởng. Gia đình nào khá giả cũng chỉ mua được 1 hoặc 2 chiếc xe mới, còn lại là mua xe cũ qua tay nhiều người với giá 2 – 3 triệu đồng/chiếc. “Nhà có 2 chiếc, 1 chiếc để cho chúng nó vào rừng “thồ” củi, bắp, khoai mì về nhà, còn chiếc kia để dành đi đường bằng...”, K’ Văn LD, thôn 1, xã Đông Tiến chia sẻ.

Qua tìm hiểu, phần lớn những xe cũ đều không có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ được mua từ những người mang từ miền xuôi lên. Nhiều xe trong số đó được “xẻ thịt” gỡ sạch dè, bửng xe để tiện phục vụ cho việc đi rẫy, vào rừng vận chuyển măng, le, bắp, mì... Song nhiều thanh thiếu niên sử dụng xe này phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách đánh võng, gây bất an cho thôn, bản. Hậu quả là vi phạm giao thông bị công an bắt giữ xử lý, gây khó khăn cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Khó xử lý

Theo quy định hiện hành, người điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng; hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định sẽ bị tạm giữ xe 7 ngày; xe không có giấy tờ sẽ bị phạt hành chính. Với điều kiện khó khăn vùng cao việc bỏ khoản tiền nộp phạt để nhận lại xe khi có người vi phạm, bị bắt giữ là cả một vấn đề. Nên thường ở vùng cao khi bị công an bị bắt giữ xe, gia đình đến xin nhận lại xe để có phương tiện làm ăn. “Ở vùng cao cuộc sống bà con nghèo không có tiền nộp phạt, công an cũng “châm chước” cho nhận lại xe, nhưng phải viết cam kết không tái phạm”, anh Nguyễn Văn Tấn, xã Mỹ Thạnh, Hàm Thuận Nam chia sẻ.

Xử lý một vụ vi phạm giao thông ở dưới xuôi có lẽ dễ hơn so với vùng cao vì điều kiện kinh tế người dân khá hơn, người vi phạm ý thức hơn, nhưng với vùng cao thì ngược lại, bắt giam xe, nộp phạt đồng nghĩa với việc “tước đi” thu nhập nuôi sống gia đình họ. Yêu cầu nộp phạt thì không có tiền, mà giam giữ xe lấy đâu phương tiện làm ăn khi cuộc sống người đồng bào khốn khó. Trước thực trạng, công an nhiều xã áp dụng biện pháp tuyên truyền và nhắc nhở là chính, chỉ xử lý trường hợp cá biệt thường xuyên gây mất an ninh trật tự. Ông Huỳnh Văn Hà – Công an xã Mỹ Thạnh cho hay, trước đây tình trạng thanh thiếu niên chạy xe phóng nhanh, nẹt pô gây mất an ninh trật tự địa bàn xã khá nhiều, nhưng hiện nay đã giảm. “Nhiều thanh niên vi phạm bị xử phạt hành chính, nhưng gia đình nghèo khó không tiền nộp phạt nên cho nhận lại xe tạo điều kiện cho họ có phương tiện đi lại... và nhắc nhở không tái phạm. Phần lớn những xe bị bắt là xe không có giấy tờ, biển số, chạy không đảm bảo, đêm khuya chạy nhanh nẹt pô làm mất an ninh trật tự”, anh Hà nói thêm.

Ninh CHINH

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/kho-xu-ly-phuong-tien-vi-pham-o-cac-xa-vung-cao-122018.html