Khó xử vì lời ngọt ngào của mẹ
Bố tôi hay đi công tác nên ở nhà thường chỉ có 3 người: Mẹ, chị tôi và tôi. Trái ngược cách cư xử với chị tôi, mẹ luôn khen ngợi tôi.
Tôi băn khoăn thì được chị giải thích: “Mẹ bảo, vì em là em út, lại hợp tính mẹ nên mẹ cưng em hơn chị. Từ lâu mẹ không ưa chị vì chị bướng. Còn em, mẹ khen ăn nói khéo léo hơn, biết lắng nghe hơn nên mẹ hài lòng về em lắm”.
Ban đầu, nghe được những lời này từ chị, tôi như múa cờ trong bụng, nghĩ: “Chắc chắn kiếp trước mình từng là nữ anh hùng cứu cả thế giới nên kiếp này mới có phúc đến thế”. Tôi đem chuyện khoe với bạn cùng lớp, ai cũng khen tôi sướng, nhưng cũng có người không đồng tình, bảo: "Ôi giồi! Người mẹ nào chả thế! Khi mình còn ít tuổi, mẹ ngọt ngào bao nhiêu thì sau này khắc nghiệt bấy nhiêu, cứ chờ mà xem".
Tưởng người bạn đó ganh tị với mình, tôi ngấm ngầm "trả đũa" bằng cách ngày nào đến lớp cũng kể tốt, kể hay về mẹ. Nhưng đúng là chỉ được một thời gian, tôi bắt đầu cảm nhận sự ngột ngạt và áp lực. Thậm chí tôi còn hoài nghi, phải chăng mẹ đang thiên vị mình một cách quá đáng?
Cuối tuần, trong khi chị tôi muốn ngủ nướng đến mấy giờ mẹ cũng chẳng quan tâm, thì bảnh mắt, mẹ đã sang phòng tôi đập cửa thùm thụp: "Con gái cưng của mẹ ơi, đi chợ với mẹ cho vui". Lời mẹ âu yếm đến thế thì sao tôi nỡ từ chối. Thế là tôi lại "cống hiến" cả buổi sáng cuối tuần quý giá của mình để lóc cóc đi chợ với mẹ.
Ai cũng nghĩ hai mẹ con sẽ dung dăng dung dẻ loanh quanh phố phường, ngắm nghía đủ thứ, nhưng tôi thấy mình giống "cửu vạn" của mẹ thì đúng hơn. Mẹ tôi có sở thích mua sắm vô tội vạ, có hôm tôi phải vác nhiều đồ đến mức ngộp thở.
Mua sắm mất nửa ngày, mẹ mới chịu hạ lệnh: "Mẹ con mình về đi". Tưởng về nhà được vật ra giường nghỉ ngơi một lúc, ai ngờ mẹ lại cất giọng ngọt hơn đường: "Con gái ngoan của mẹ ơi! Xuống đây mẹ bảo cái này".
Nhà có hai con gái, nhưng từ việc to đến việc nhỏ, mẹ lúc nào cũng chỉ tín nhiệm và giao cho tôi. Chẳng hạn có khách, kiểu gì mẹ cũng “Con gái ơi, con gái ời". Thỉnh thoảng chị tôi định vào bếp, mẹ lại gàn: "Để em con làm, món này em con nấu là ngon nhất". Chạm mặt tôi ở cầu thang, chị thỏ thẻ: "Hihi, em chịu khó vậy nhé, chị định vào giúp em nhưng mẹ chỉ kén em thôi". Tôi cười như mếu: "Vâng, chị để em làm cho".
Tôi không thể quên "kỷ lục" mình đạt được cùng với 500 cái nem trong một dịp nghỉ lễ. Chuyện là, cả nhà đều thích ăn nem rán. Mẹ tôi lên ý tưởng: cuốn nem để ăn trong thời gian dài. Hôm đó mẹ lại tín nhiệm tôi đi chợ, yêu cầu mua 5 cân thịt thăn, cân rưỡi tôm và những "phụ liệu" khác như hành tây, cà rốt, giá, mộc nhĩ, miến,...
Mẹ tính nhẩm: "Từng này nguyên liệu chỉ gói được tầm 500 cái nem chứ mấy". Tôi nghe mà không khỏi choáng váng. "Đánh vật" xong với đống nem, tôi suýt ngất xỉu vì mệt, nhưng bữa ăn tối hôm đó, tôi lại có thêm một trải nghiệm cảm xúc mới. Lúc ăn nem, mẹ tôi khen nức nở: "Con gái mẹ cuộn nem khéo quá, nhân nem cũng ngon lắm luôn”. Mặt chị tôi sầm lại. Chị buông đũa và bỏ vào phòng riêng. Tôi cảm thấy rất khó xử. Có lẽ chị đã hết kiên nhẫn với thái độ của mẹ. Bản thân tôi cũng không thoải mái chút nào khi được mẹ khen ngợi quá mức như vậy.
Sáng hôm sau, tôi định thưởng cho mình vài tiếng thư giãn cùng một cuốn sách hay thì mẹ gọi giật giọng: “Con gái ơi, bác hàng xóm tìm con đây này”. Ngoài việc chào hỏi xã giao, tôi không mấy khi trò chuyện thân thiết với hàng xóm, vậy mà có người vào tận nhà tìm mình. Điều này khiến tôi vừa bất ngờ vừa tò mò.
Tôi chạy vội xuống xem có chuyện gì. Vừa nhìn thấy tôi, bác hàng xóm cười toe toét: “Ối giồi, gái út nhà mẹ Ngần đây rồi. Nghe mẹ cháu kể cháu gói bánh nếp khéo lắm. Chị Thúy nhà bác phải trực cơ quan đột xuất nên không về gói bánh cùng bác được. Hôm nay mẹ Ngần cho bác mượn gái út vài tiếng đồng hồ được không?”.
Tôi chưa kịp hồi sức vì 500 chiếc nem hôm trước thì lại được hàng xóm “tín nhiệm” nhờ gói bánh nếp. Tôi nhìn sang mẹ với ánh mắt cầu cứu, nhưng mẹ chẳng để ý vì còn mải tiếp chuyện hàng xóm: “Bác cứ về chuẩn bị các thứ nhé, lát cháu nó sang ngay ấy mà”.
Thủy Kiều
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/kho-xu-vi-loi-ngot-ngao-cua-me-7ZKQfdu7R.html