Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - động lực thúc đẩy đổi mới giáo dục và đào tạo
Khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) từng bước trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của mọi lĩnh vực trong đời sống trong đó có giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi GD&ĐT phải đi trước một bước trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nền tảng để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại nhằm ngăn chặn nguy cơ tụt hậu. Cùng với đổi mới tư duy giáo dục, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ĐMST và CĐS sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, phù hợp với xu thế mới.

Sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tham quan, nghiên cứu công nghệ quản lý thông tin hiện đại tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Nhận thức rõ KH&CN có vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, góp phần phát triển và tăng trưởng kinh tế bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định KH&CN là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ. Để hiện thực hóa, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động số 27-KH/TU nhằm chủ động, tích cực tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động số 27-KH/TU, hoạt động KH&CN và ĐMST đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực GD&ĐT đã được công nghệ “tiếp sức”. Ngành GD&ĐT đã thực hiện có hiệu quả việc nâng cấp cơ sở vật chất, áp dụng các thiết bị công nghệ thông minh trong các cơ sở giáo dục như triển khai sử dụng thống nhất các phần mềm quản lý trường học VnEdu, Smas, Misa, Sổ liên lạc điện tử... 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh đã được kết nối internet bằng cáp quang phục vụ hoạt động chuyên môn; cán bộ, giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản; kỹ năng sử dụng các phần mềm phục vụ quản lý, dạy và học; kỹ năng soạn giảng bài điện tử; kỹ năng về an toàn thông tin mạng và dữ liệu...
Năm 2024, toàn tỉnh có 107 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín, trong đó, Trường Đại học Hồng Đức có 94 công trình, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa có 7 công trình.
Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ĐMST của tỉnh Thanh Hóa đạt tỷ lệ 5,5 người/vạn dân; chỉ số ĐMST tỉnh Thanh Hóa (PII tỉnh Thanh Hóa) năm 2024 xếp hạng thứ 26 của cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn nhân lực KHCN, đặc biệt là nhân lực trực tiếp trong các tổ chức KHCN của tỉnh còn mỏng; số cán bộ nghiên cứu khoa học của tỉnh Thanh Hóa tuy đã tăng từ 4,9 người/1 vạn dân (năm 2021) lên 5,5 người/1 vạn dân (năm 2024), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (7,05 người/1 vạn dân); thiếu các chuyên gia đầu ngành và nhân lực trình độ cao trong một số lĩnh vực KHCN...
Nghị quyết 57-NQ/TW khẳng định: “Phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới”. Nghị quyết 57-NQ/TW một lần nữa xác định vị trí của các chủ thể xã hội, nếu người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính và Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia thì các nhà khoa học trong các đại học, trường đại học là “nhân tố then chốt”. Có thể nói, tầm nhìn và đòi hỏi của chiến lược phát triển KHCN, ĐMST và CĐS hiện nay không thể tách rời với sứ mạng và vai trò của các đại học, trường đại học - nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao mà đội ngũ trí thức là lực lượng dẫn dắt.
Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, các trường đại học trên địa bàn tỉnh đã chủ động thích ứng, sáng tạo trong việc xây dựng chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ số trong quản lý và tổ chức hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng quản lý, quản trị hiện đại, tiên tiến theo các chuẩn mực quốc gia, quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp công nghệ nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, thúc đẩy ĐMST gắn với thực tiễn.
Với mong muốn tạo lập diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ các nghiên cứu chuyên sâu của các nhà quản lý giáo dục, học giả, giảng viên các trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật trong nước, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với Câu lạc bộ khối trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: “Phát triển KHCN, ĐMST và CĐS trong các trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật”. Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý giáo dục, học giả, giảng viên các trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật trao đổi, thảo luận các quan điểm, kết quả nghiên cứu, mô hình ứng dụng hiệu quả, các bài học kinh nghiệm, các thể nghiệm, ứng dụng hữu ích trong công tác giảng dạy, nghiên cứu, dạy và học chuyên ngành nhằm thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS phù hợp, thực tiễn với các trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay. Từ đó, đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, quản trị hướng tới phát triển bền vững ở trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật trong thời đại số.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển KHCN, ĐMST và CĐS trong các trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng KHCN tỉnh đã nhấn mạnh: “Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của công nghệ và sáng tạo được nâng đỡ bằng AI, Big Data hứa hẹn sẽ mở ra năng lực sáng tạo vô tận cho con người. Là các cơ sở giáo dục có chức năng đào tạo và nghiên cứu khoa học các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, các trường cần ưu tiên dịch chuyển hoạt động từng phần, toàn phần sang công nghệ và CĐS, mạnh dạn tiếp cận công nghệ số và các nền tảng kỹ thuật cao; liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp công nghệ, các viện nghiên cứu để chuyển giao, ươm mầm các ý tưởng ĐMST”.
Thanh Hóa có nguồn nhân lực dồi dào với trên 2,6 triệu lao động có trình độ văn hóa tương đối cao (lao động đã qua đào tạo chiếm gần 73% tổng số lao động). Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 5 trường đại học, 11 trường cao đẳng chuyên nghiệp và 80 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hằng năm, có khoảng 11.000 lao động được đào tạo tại các trường dạy nghề. Bên cạnh đó, Thanh Hóa có đội ngũ trí thức đông đảo với hơn 236.000 người (trí thức KH&CN khoảng 157.000 người), trong đó có khoảng 38 phó giáo sư, gần 500 tiến sĩ và trên 5.000 thạc sĩ. Cùng với chủ trương, chiến lược phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, việc đẩy mạnh đổi mới mạnh mẽ GD&ĐT sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.