Khoa học, công nghệ - 'chìa khóa' phát triển bền vững nông nghiệp và môi trường
Nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và bảo vệ môi trường sống, toàn ngành cần đổi mới tư duy, lấy khoa học, công nghệ, chuyển đổi số làm nền tảng phát triển… là những nội dung được thảo luận tại Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia… do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức vào ngày 10-5 tại tỉnh Bắc Ninh.
Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu
Khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, chuyển đổi số hiện nay không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Thời gian qua ngành Nông nghiệp và Môi trường đã đạt một số kết quả tích cực như: Triển khai nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cảm biến trong giám sát môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và khí tượng, nhưng để đạt được “đột phá phát triển” như yêu cầu của Nghị quyết, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc. Ảnh: Tùng Đinh
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn, trong bối cảnh ngành Nông nghiệp đứng trước yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ nhằm đáp ứng xu thế mới của phát triển bền vững, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, việc phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc.
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, tỉnh Bắc Ninh tập trung chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Tỉnh đang hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới như: Cảm biến giám sát độ ẩm, hệ thống tưới tự động, ứng dụng AI trong phân tích sâu bệnh, sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để dự báo sản lượng cây trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh
“Về lĩnh vực môi trường, Bắc Ninh đang xây dựng nền tảng dữ liệu số tổng hợp về môi trường và đất đai, phục vụ công tác quy hoạch, kiểm soát ô nhiễm, quản lý biến đổi khí hậu trên địa bàn. Bắc Ninh cũng là địa phương đi đầu hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các làng nghề truyền thống và các khu vực trên địa bàn tỉnh”, ông Vương Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh
Tại hội nghị, Phó Viện trưởng Viện chăn nuôi Phạm Doãn Lân cho biết, nhờ ứng dụng khoa học, công nghệ, Viện đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình tạo giống lợn ỉ, với tổng số 14 con; bảo quản tinh 900 liều, tỷ lệ sống sau giải đông từ 35-40%. Lợn ỉ con sinh ra từ lợn ỉ cái nhân bản được thụ tinh nhân tạo với tinh trùng lợn ỉ đực nhân bản sau khi giải đông phát triển bình thường. Ứng dụng công nghệ nhân bản động vật trong chọn giống giúp bảo tồn các động vật quý hiếm, nhân rộng nhanh chóng các đặc tính di truyền tốt.
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty Đại Thành Nguyễn Đức Trường cho hay, là một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, mục tiêu của Đại Thành là nghiên cứu, cung cấp, chuyển gia các sản phẩm công nghệ như drone nông nghiệp, thiết bị dẫn đường không người lái trên máy nông nghiệp trên mặt đất, san phẳng đất vệ tinh… Những thiết bị này đều bắt buộc phải dùng dịch vụ DTALS. Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ DATLS giúp tăng năng suất, điều khiển chính xác máy móc, tối ưu tài nguyên; tăng năng suất từ 15-20% quan cánh đồng mẫu; giúp tiết kiệm chi phí 15-25% chi phí đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, nhiên liệu); giảm ô nhiễm môi trường; nâng cao cạnh tranh của nông sản…
Xác định 3 trụ cột để đổi mới hoạt động khoa học, công nghệ
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Văn Long cho biết, mặc dù ngành đang sở hữu 11.400 nhà khoa học cùng mạng lưới 21 tổ chức nghiên cứu khoa học và hơn 16.000ha đất nhưng hiệu quả khai thác vẫn còn rất khiêm tốn. Một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu các chính sách trọng dụng cụ thể, mang tính cạnh tranh và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Ở cấp địa phương, ngân sách chi cho khoa học công nghệ có thể lên tới 2% tổng chi, nhưng lại thiếu đội ngũ nhân lực thực hiện. Trong khi đó, ở cấp Trung ương, nơi tập trung nhiều nhà khoa học đầu ngành, thì lại thiếu kinh phí để triển khai nghiên cứu. Cách đầu tư theo kiểu “manh mún”, dàn trải theo giai đoạn khiến nhiều nơi có thiết bị nhưng không có người vận hành; có phòng thí nghiệm nhưng lại thiếu kinh phí để duy trì. Nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm trong ngành chỉ được cấp khoảng 3,5 tỷ đồng/năm chỉ đủ duy trì hoạt động cơ bản.
Một rào cản lớn nữa chính là thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài. Nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học mất tới 5-6 năm từ khi đề xuất đến khi được phê duyệt và triển khai, khiến kết quả nghiên cứu không còn phù hợp thực tế.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày các thiết bị quan trắc tự động. Ảnh: Khương Trung
Để tháo gỡ khó khăn, đưa Nghị quyết 57-NQ/TƯ vào thực tiễn, Cục trưởng Cục chuyển đổi số (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Phú Hà cho rằng, chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Môi trường hướng đến ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong ngành dự kiến đạt từ 20-30%, thông qua việc số hóa tài nguyên, dữ liệu và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, điều hành.
Theo đó, ngành xác định một số giải pháp đột phá như: Hoàn thiện thể chế pháp luật về chuyển đổi số, đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, và ứng dụng các công nghệ chiến lược như Big Data, AI, IoT trong nghiệp vụ; xây dựng chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số - yếu tố then chốt quyết định sự thành công...

Khoa học, công nghệ là động lực phát triển nền nông nghiệp và môi trường. Ảnh: Tùng Nguyễn
Còn theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần AVAC Nguyễn Văn Điệp kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, giao thêm nhiệm vụ khoa học, công nghệ cho doanh nghiệp trong việc phát triển các thế hệ vắc xin bệnh Dịch tả lợn châu Phi mới hiệu quả hơn, phù hợp thực tiễn sản xuất.
Với tầm nhìn dài hạn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy xác định khoa học công nghệ là khâu đột phá, do đó Bộ đã đề xuất giải pháp cụ thể để thu hút, bồi dưỡng và phát triển các nhóm nghiên cứu chất lượng cao; đồng thời tăng cường liên kết với khối đại học, tư nhân và doanh nghiệp để huy động thêm nguồn lực xã hội.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiến nghị Chính phủ chuyển giao quyền quản lý một số chương trình khoa học công nghệ quốc gia về cho Bộ chuyên ngành để bảo đảm sự chủ động, linh hoạt và hiệu quả hơn trong tổ chức thực hiện; hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các rào cản, cải cách tổ chức nghiên cứu theo hướng tinh gọn và tự chủ, thay đổi cách thức đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất, phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.

Lễ ký kết các văn bản hợp tác về khoa học, công nghệ. Ảnh: Tùng Đinh
Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết văn bản hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam