Khoa học, công tâm, khách quan trong lựa chọn sách giáo khoa
Để chuẩn bị sách giáo khoa (SGK) cho chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang tiến hành thẩm định SGK lớp 1 sẽ áp dụng từ năm học 2020-2021.
Hiện đã có 5 bản thảo bộ SGK lớp 1 gửi đến Hội đồng thẩm định SGK quốc gia từ 4 nhà xuất bản khác nhau và cả 5 bộ SGK này đều không sử dụng ngân sách nhà nước, đúng như tinh thần xã hội hóa theo Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Vấn đề còn lại việc thẩm định cần khách quan, công tâm để chọn được SGK phù hợp nhất và đảm bảo chất lượng.
Bộ GD&ĐT cho biết, hiện đã có 5 bản thảo bộ SGK lớp 1 được gửi tới hội đồng thẩm định SGK quốc gia, từ các nhà xuất bản gồm Giáo dục Việt Nam, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Như vậy, chủ trương xã hội hóa SGK bước đầu đã có tín hiệu tốt, bởi việc biên soạn 5 bộ SGK nêu trên đều không đụng đến ngân sách Nhà nước.
Đến nay, theo đánh giá sơ bộ của hội đồng quốc gia thẩm định SGK, các SGK mà các nhà xuất bản gửi đến thẩm định được thể hiện đa dạng theo đúng tinh thần mở và bám sát các yêu cầu của chương trình mới. Đội ngũ viết SGK là những nhà khoa học có năng lực chuyên môn đã được khẳng định qua thực tiễn nhiều năm nay, làm việc tâm huyết.
Dự kiến, trong tháng 10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ công bố các bộ SGK lớp 1 để áp dụng cho năm học sau. Cùng với SGK lớp 1, Bộ GD&ĐT sẽ thẩm định các bộ SGK lớp 2, lớp 6 để triển khai thực hiện vào năm học 2021-2022. Với lộ trình như thế, Bộ GD&ĐT sẽ lần lượt thẩm định để có đủ các bộ SGK phổ thông mới từ lớp 1 đến lớp 12. Mỗi môn học sẽ có nhiều SGK được thẩm định.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, để có những bộ SGK chất lượng nhất, việc thẩm định cần đảm bảo sự minh bạch, khách quan và công tâm. Trong đó, những người được giao trọng trách thẩm định SGK phải là những người thực sự có chuyên môn, có tâm huyết với giáo dục, quyết định thẩm định phải là của cả một tập thể để hạn chế thấp nhất “lợi ích nhóm”.
Bên cạnh đó, sau khi các bộ sách đã được công bố, trước mắt các cấp quản lý cần giao quyền chủ động cho Hội đồng chuyên môn của các Sở GD&ĐT trong việc chọn sách.
Về lâu dài, cần tiến tới giao việc chọn SGK cho các nhà trường, cụ thể là giáo viên, tổ bộ môn được lựa chọn các SGK khác nhau để thiết kế bài dạy. Bộ GD&ĐT cũng cần có những giải pháp hạn chế, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân làm sách; xử lý nghiêm cá nhân có hành vi tiêu cực tác động đến việc lựa chọn SGK ở các trường…
Báo cáo tình hình chuẩn bị tổ chức thẩm định SGK, ông Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Phó trưởng Ban Tổ chức thẩm định SGK theo chương trình GDPT mới cho biết: Để chuẩn bị tài liệu cho các thành viên Hội đồng thẩm định SGK làm việc có hiệu quả và tính thống nhất cao, Vụ Giáo dục Tiểu học đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo để các nhà khoa học góp ý hoàn thiện dự thảo các tài liệu liên quan.
Hiện một dự thảo hướng dẫn cụ thể hóa các điều, khoản trong Thông tư 33; các nội dung hướng dẫn tránh định kiến trong biên soạn sách; nội dung tích hợp về giáo dục bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới… đã được xây dựng. Đây là tài liệu hướng dẫn mang tính chất Khung áp dụng cho tất cả các bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12.
Tài liệu này sẽ được tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo dục uy tín, các thành viên dự kiến mời tham gia Hội đồng nghiên cứu thảo luận theo đặc trưng của bộ môn, đặc biệt là đối với SGK lớp 1, để từ đó thống nhất được cách hiểu, cách tiếp cận thống nhất khi đánh giá SGK lớp 1.
Liên quan đến việc chuẩn bị thẩm định SGK lớp 1, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đây là sự khởi đầu của một chuỗi các hoạt động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có ý nghĩa chính trị, trách nhiệm xã hội to lớn, do đó cần thực hiện thật tốt.
Dự thảo hướng dẫn các điều khoản cụ thể hóa Thông tư 33/2017 Ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa chính là cơ sở pháp lý của việc thẩm định SGK.
Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh, chất lượng của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sẽ quyết định đến việc thẩm định và lựa chọn ra những bộ SGK chất lượng từ đó các địa phương thực hiện lựa chọn theo thẩm quyền qui định. Do đó, phải đảm bảo thành lập được các hội đồng thật sự chất lượng, uy tín.
Các thành viên được lựa chọn tham gia vào đội ngũ này là những người vừa giỏi chuyên môn, vừa có uy tín, vừa có trách nhiệm, đạt các tiêu chuẩn, yêu cầu Ban tổ chức đề ra. “Chúng ta phải chuẩn bị và thực hiện thật tốt các công đoạn. Mục đích cuối cùng là phải có những bộ SGK chất lượng tốt nhất, kịp tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.