Khoa học và công nghệ: Động lực phát triển kinh tế-xã hội

Ngày nay, khoa học và công nghệ (KH-CN) có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Tại Gia Lai, việc đẩy mạnh ứng dụng KH-CN; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; bảo hộ sở hữu trí tuệ các sản phẩm chủ lực địa phương và OCOP, truy xuất nguồn gốc nông sản… đóng vai trò mở đường và là động lực then chốt phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Là điểm sáng phát triển mạnh mẽ và năng động, các hoạt động của Sở KH-CN liên tục có những đóng góp quan trọng và trở thành động lực thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2021, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Quyết định số 384/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình “Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2030”; Quyết định số 663/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Kế hoạch số 891/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Kế hoạch số 1866/KH-UBND về nâng cao năng suất chất lượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.

Lãnh đạo Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và Sở KH-CN Gia Lai ký thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Nguyễn Nam Hải

Lãnh đạo Viện Khoa học sở hữu trí tuệ và Sở KH-CN Gia Lai ký thỏa thuận hợp tác. Ảnh: Nguyễn Nam Hải

Năm 2021, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Sở KH-CN tích cực đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia. Các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, Sở tiếp tục theo dõi, quản lý 38 nhiệm vụ (trong đó 11 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi; 2 nhiệm vụ quốc gia; 25 nhiệm vụ cấp tỉnh). Trong 38 nhiệm vụ quản lý có 9 nhiệm vụ cấp tỉnh đã được nghiệm thu. Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt 8 nhiệm vụ triển khai thực hiện năm 2021; Bộ KH-CN xem xét phê duyệt 3 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi thực hiện năm 2022.

Bên cạnh đó, Sở KH-CN tăng cường hướng dẫn các địa phương triển khai công tác quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ gồm: chỉ dẫn địa lý Mang Yang cho sản phẩm gạo Ba Chăm; các nhãn hiệu chứng nhận Gạo Phú Thiện, Rau An Khê, Rau Đak Pơ; Gạo Ia Lâu, Phở khô Gia Lai; xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo khoa học và công bố nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực địa phương trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng KH-CN vào sản xuất và đời sống tiếp tục được đẩy mạnh. Hoạt động quản lý nhà nước về KH-CN phục vụ thiết thực phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh sản phẩm; giảm thiểu tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người sản xuất, người tiêu dùng, góp phần lành mạnh hóa quan hệ thị trường.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Khoa học và công nghệ có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), những năm tới, trên cơ sở chương trình thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và các chương trình, đề án trong lĩnh vực KH-CN của tỉnh, Sở KH-CN tiếp tục tham mưu và tổ chức khai thác hiệu quả các tài sản trí tuệ, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH-CN vào sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tăng cường năng lực truyền thông về KH-CN, xây dựng và triển khai chương trình phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo và chương trình phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Song song đó, Sở chú trọng nâng cao hiệu quả ứng dụng KH-CN, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa theo chuỗi giá trị, ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghệ hữu cơ, công nghệ thông minh, công nghệ IoT. Triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương. Ứng dụng các tiến bộ KH-CN trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, các công nghệ tiên tiến trong quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, gắn với bảo vệ môi trường. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, KH-CN; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Thạc sĩ NGUYỄN NAM HẢI
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/744/202202/khoa-hoc-va-cong-nghe-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-5765600/