Khoác áo mới cho những điểm đen về rác ở TP.HCM

Từ bãi đất trống, các điểm đen về rác, Mặt trận các cấp cùng các đoàn thể đã cùng chung tay xây dựng hơn 1.700 công trình xanh tại các khu dân cư ở TP.HCM.

Nhằm thực Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP.HCM (nhiệm kỳ 2019 - 2024), Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã phối hợp với UBND TP.HCM, các sở ngành và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng thành công hơn 1.700 khu dân cư sạch, xanh và thân thiện môi trường.

Trong đó có nhiều công trình xanh không chỉ góp phần tạo mảng xanh, thay đổi diện mạo ở khu dân cư mà còn giúp giáo dục lịch sử, tuyên truyền chủ quyền biển đảo cho người dân.

 Khu vui chơi thiếu nhi tại ấp 18, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh rực rỡ sắc màu. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Khu vui chơi thiếu nhi tại ấp 18, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh rực rỡ sắc màu. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Vừa tạo thêm mảng xanh, vừa là ‘địa chỉ đỏ’

Sáng một ngày tháng 6, ông Đỗ Văn Ngọc, Trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp 18, xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) ra khu vui chơi thiếu nhi ngay gần nhà để chăm sóc mấy bồn hoa cảnh. Đây là công việc thường ngày của ông Ngọc kể từ khi sân chơi này được xây dựng.

“Ngày trước chỗ này là bãi rác tự phát, vừa ô nhiễm vừa bốc mùi hôi. Sau thấy dọn dẹp nhiều lần mà vẫn tái đi tái lại, các đoàn thể đã chung tay xây sân chơi này, nhờ đó mà người dân có thêm nơi sinh hoạt nên ai cũng hân hoan” - ông Ngọc kể.

 Ban điều hành khu phố và MTTQ Việt Nam xã Đa Phước, các đoàn thể đã cùng chung tay dọn rác trước khi xây dựng sân chơi. Ảnh: KIM TRỌNG

Ban điều hành khu phố và MTTQ Việt Nam xã Đa Phước, các đoàn thể đã cùng chung tay dọn rác trước khi xây dựng sân chơi. Ảnh: KIM TRỌNG

Theo lời ông Ngọc, suốt bốn tháng từ ngày bãi rác ‘biến hình’ thành khu vui chơi thiếu nhi, nơi đây đã trở thành điểm sinh hoạt ở khu dân cư. Vào mỗi chiều tối và cuối tuần, sân chơi đón cả trẻ em và người lớn đến vui chơi, hít thở không khí trong lành.

Không chỉ tạo thêm mảng xanh, khu vui chơi thiếu nhi ở ấp 18 còn gây ấn tượng khi xây thêm một ‘Góc lịch sử’. Tại đây, anh Nguyễn Thành Mộng, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 18, đã tự tay dựng lại mô hình xe tăng 390 - chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975; tàu HQ-671, bảo vật quốc gia…

 Mô hình xe tăng 390, tàu HQ-671... được anh Nguyễn Thành Mộng tái hiện tại 'Góc lịch sử'. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Mô hình xe tăng 390, tàu HQ-671... được anh Nguyễn Thành Mộng tái hiện tại 'Góc lịch sử'. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Anh Mộng cũng là người đề xuất ý tưởng xây dựng ‘địa chỉ đỏ’ này. Ngoài ra, Ban điều hành khu phố và MTTQ Việt Nam xã Đa Phước, các đoàn thể đã cùng chung tay dựng từng tiểu cảnh, bồn hoa… để tạo nên khu vui chơi thiếu nhi rực rỡ sắc màu.

“Mất hơn một tháng để tôi dựng xong ‘Góc lịch sử’. Các mô hình đều do tự tay tôi làm nên không tốn tiền nhân công, nguyên vật liệu thì có cái người dân cho, có cái thì chúng tôi mua lại đồ cũ, chủ yếu giúp thiếu nhi ở địa phương vừa vui chơi, vừa có thể học lịch sử” - anh Mộng niềm nở kể.

Ông Hà Kim Trọng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đa Phước, nêu thực tế do khu vực này nằm cạnh cống thoát nước nên qua nhiều năm đã trở thành bãi rác tự phát.

 Hình ảnh trước và sau của khu vui chơi thiếu nhi ấp 18. Ảnh: NVCC/BẢO PHƯƠNG

Hình ảnh trước và sau của khu vui chơi thiếu nhi ấp 18. Ảnh: NVCC/BẢO PHƯƠNG

Sau nhiều lần phát động dọn dẹp nhưng không mang lại hiệu quả lâu dài, lãnh đạo xã Đa Phước đã vận động mượn thêm một phần đất của người dân ở cạnh cống thoát nước để mở rộng xây sân chơi, tạo mảng xanh cho địa phương. Tổng diện tích xây dựng khu vui chơi thiếu nhi ấp 18 khoảng 120 m2, thời gian xây dựng khoảng hai tháng.

“Xã Đa Phước có rất đông người lao động sinh sống, ở trọ nhưng lại thiếu mảng xanh và không có công viên. Khi khu vui chơi được xây xong không chỉ giải quyết chuyện xả rác mà còn góp phần giúp đời sống sinh hoạt của người dân thông thoáng, dễ thở” - ông Trọng chia sẻ.

Gắn việc giáo dục về chủ quyền biển đảo

Tháng 6 vừa qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp với Sở TN&MT tổng kết và trao giải Hội thi Xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư lần 3.

Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 7 giải 3, 26 giải khuyến khích. Trong đó, khu vui chơi thiếu nhi ấp 18 (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) đạt giải nhì, còn giải nhất thuộc về công trình vườn Trường Sa (phường 14, quận 10).

 Công trình vườn Trường Sa nằm bên hông Trường tiểu học Võ Trường Toản, phường 14, quận 10. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Công trình vườn Trường Sa nằm bên hông Trường tiểu học Võ Trường Toản, phường 14, quận 10. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Là người chứng kiến và cùng xây dựng vườn Trường Sa từ những ngày đầu, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (ngụ phường 14) rất tự hào khi nghe tin công trình đạt giải nhất Hội thi Xây dựng công trình sạch - xanh - thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư năm 2024.

“Trước đây nơi này nước tù đọng, nhiều muỗi và bốc mùi hôi lắm, nay thành vườn hoa cũng có công lao của mình đóng góp nên cảm thấy rất vui” - chị Oanh hào hứng.

 Hình ảnh nhà giàn DK1 được tái hiện lại bên bờ tường, phía trước là cây bàng vuông được các chiến sĩ ở đảo Trường Sa lớn gửi tặng, cạnh đó là cột mốc đảo Trường Sa. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Hình ảnh nhà giàn DK1 được tái hiện lại bên bờ tường, phía trước là cây bàng vuông được các chiến sĩ ở đảo Trường Sa lớn gửi tặng, cạnh đó là cột mốc đảo Trường Sa. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Công trình có diện tích 72 m2, nằm bên hông Trường tiểu học Võ Trường Toản thuộc Khu phố 12.

Sở dĩ được đặt tên vườn Trường Sa là do nơi đây có trồng một cây bàng vuông do các chiến sĩ ở đảo Trường Sa lớn gửi tặng bà Hoàng Kim Chi, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 14 sau chuyến công tác thăm quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1.

“Tổng kinh phí thực hiện khoảng 100 triệu đồng. Số tiền này chỉ dùng để dọn rác, thay đất, cải tạo đất mà chưa tính đến công sức của hàng trăm người bỏ ra” - bà Hoàng Kim Chi nói.

 Từ ngày công trình vườn Trường Sa hoàn thành, nơi đây được nhiều người dân lựa chọn làm nơi đi dạo, tập thể thao... Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Từ ngày công trình vườn Trường Sa hoàn thành, nơi đây được nhiều người dân lựa chọn làm nơi đi dạo, tập thể thao... Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bà Lê Thị Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy phường 14, đánh giá công trình vườn Trường Sa có ý nghĩa thiết thực, không chỉ xóa điểm đen về môi trường trên địa bàn phường mà còn gắn với ý nghĩa tuyên truyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Công trình vừa tạo được mảng xanh, đồng thời giáo dục lịch sử về chủ quyền Tổ quốc. Do nằm cạnh trường tiểu học nên các em thiếu nhi hay ra đây tham quan và chụp hình, qua đó cũng hiểu hơn về biển đảo, về Trường Sa” - bà Hiền chia sẻ.

Từ bãi đất trống thành vườn cây ăn trái

Bên cạnh việc giáo dục lịch sử, nhiều công trình xanh - sạch tại một số khu dân cư còn mang giá trị thiết thực với đời sống người dân. Đơn cử như công trình chuyển hóa khu đất trống thành vườn cây thuốc đông y tại phường Tân Thuận Đông, quận 7.

Ông Nguyễn Văn Tư (ngụ phường Tân Thuận Đông) chia sẻ từ ngày có vườn cây thuốc đông y, nơi đây đã trở thành địa điểm quen thuộc của người dân xung quanh.

“Cảm mạo, ho sốt thì ghé hái ít sả, gừng về xông, lâu lâu mấy cô chú ở khu phố cũng gửi trái cây chín trong vườn cho người dân xung quanh. Từ ngày có vườn thuốc ai cũng thích” - ông Tư kể.

 Người dân, MTTQ Việt Nam phường Tân Thuận Đông cùng chung tay trồng cây tại công trình vườn cây thuốc đông y. Ảnh: KIM TRỌNG

Người dân, MTTQ Việt Nam phường Tân Thuận Đông cùng chung tay trồng cây tại công trình vườn cây thuốc đông y. Ảnh: KIM TRỌNG

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thu, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu phố 5 cho biết công trình được xây dựng từ năm 2022, ban đầu chỉ là vườn thuốc đông y nhưng sau đó được cải tạo, xây thêm vườn cây ăn trái với đủ loại như dừa, chuối, xoài, mít…

“Chúng tôi thường xuyên vận động người dân cuối tuần ra làm cỏ, tưới gốc… Khi nhìn thấy vườn cây ngày càng phát triển thì vui lắm, cả bà con đã cùng chung tay làm, thấy thành quả thì ai cũng mừng...” - bà Thu hào hứng.

 Sau hai năm xây dựng, MTTQ Việt Nam phường Tân Thuận Đông tiếp tục nhân rộng thêm vườn cây ăn trái. Ảnh: KIM TRỌNG

Sau hai năm xây dựng, MTTQ Việt Nam phường Tân Thuận Đông tiếp tục nhân rộng thêm vườn cây ăn trái. Ảnh: KIM TRỌNG

Theo ông Nguyễn Minh Giang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Thuận Đông, ban đầu công trình có diện tích khoảng 150 m2, sau đó thấy công trình mang lại hiệu quả thiết thực nên phường tiếp tục cải tạo 300 m2 bãi đất trống thành vườn cây ăn trái.

“Về lâu dài, khi các cây này phát triển sẽ tạo thêm mảng xanh, tạo hệ thống cây ăn trái để cung cấp cho bà con trong khu phố” - ông Giang thông tin.

Nhân rộng những cách làm sáng tạo ở khu dân cư

Tính đến tháng 6-2024, toàn TP.HCM đã xây dựng và ra quyết định công nhận 1.722 khu dân cư đạt tiêu chí “Khu dân cư sạch, xanh, thân thiện với môi trường”; công nhận 264 phường, xã, thị trấn đạt tiêu chí “Phường, xã, thị trấn sạch, xanh và thân thiện với môi trường” cấp huyện và 223 khu dân cư đoàn kết - nghĩa tình - tự quản.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Phạm Minh Tuấn đánh giá các mô hình biến điểm đen về rác thành khu vui chơi, thành vườn hoa... ở khu dân cư rất sáng tạo. Ảnh: MTTQ TPHCM

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Phạm Minh Tuấn đánh giá cao sự nỗ lực của hệ thống Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở trong việc kêu gọi sự tham gia của người dân để cải thiện những nơi chưa đẹp, chưa sạch.

Theo ông Tuấn, các mô hình biến điểm đen về rác thành khu vui chơi, vườn hoa, công viên hay nơi sinh hoạt cộng đồng thành nơi tập thể dục, thể thao cho người dân đã và đang giúp TP.HCM ngày càng đẹp hơn, sạch hơn.

"Đây là những cách làm rất sáng tạo ở khu dân cư” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn đề nghị thời gian tới cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục chỉ đạo, quan tâm, tạo điều kiện để Mặt trận, các tổ chức xã hội tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia, hình thành những công trình sạch, xanh, thân thiện môi trường.

*****

Ông VÕ VĂN THIỆN, Trưởng ban công tác phía Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

Để những “việc nhỏ, ý nghĩa lớn” giúp TP.HCM ngày càng xanh

Để giữ khu dân cư sạch, xanh, tôi cho rằng TP.HCM cần có biện pháp thu gom rác tại nguồn tại nguồn hiệu quả hơn.

Như gia đình tôi ở trong hẻm, xe thu gom của các công ty công ích không vào được nên phải đăng ký dịch vụ thu gom rác dân sinh.

Gia đình cũng có ý thức phân loại rác ra các túi khác nhau nhưng sáng ra, nhân viên lấy rác lại bỏ chung các túi này vào xe của họ. Chuyện này khiến tôi nghĩ mình liệu việc phân loại rác tại nguồn có ý nghĩa gì không?

Theo tôi, TP.HCM cần có biện pháp để len lỏi, thu gom rác trong hẻm nhỏ trên địa bàn dân cư. Kết cấu của các xe thu gom rác cần được thiết kế lại cho phù hợp với việc thu gom và phân loại rác.

Ngoài ra, TP cũng cần có giải pháp thu gom và xử lý rác cồng kềnh tại nhà dân. Chẳng hạn như quận Phú Nhuận có tổ chức thu gom rác cồng kềnh. Đây là việc làm hay mà Ủy ban MTTQ TP.HCM có thể nhân rộng đến các cấp để thực hiện. Đây là những việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn, góp phần giúp TP.HCM ngày càng xanh, sạch, đẹp.

-----

Ông NGUYỄN HOÀNG HẢI, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM:

Muốn môi trường xanh, sạch, đẹp thì phải bắt đầu từ ý thức của người dân. Học trò đi học được dạy rằng phải bỏ rác đúng nơi quy định nhưng người lớn ở ngoài đường thì xả rác, chỗ nào cấm tiểu thì được tiểu. Người lớn làm gương nhưng chưa nêu gương...

Hay như tôi nhớ thời gian trước có công ty dịch vụ công ích được trả tiền để vớt rác trên sông. Vậy nhưng "vớt thì cứ vớt còn người dân xả xuống sông thì cứ xả", do đó, để mang lại hiệu quả thiết thực, TP cần đầu tư máy hút rác hoặc máy vớt rác.

Việc tuyên truyền, phân loại rác tại nguồn hiện nay cũng chưa thực sự hiệu quả, người dân xài pin là rác thải nguy hại nhưng người dân lại bỏ chung vào rác thải sinh hoạt khiến những người thu gom rác phải moi ra, phân loại lại rất cực.

Thực tế hiện nay hộ gia đình phân loại rác tại nhà là rất hiếm, chủ yếu là bỏ hết vào bao đen để xe thu gom lấy. Vì vậy, tôi cho rằng quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường.

BẢO PHƯƠNG

KIM TRỌNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/khoac-ao-moi-cho-nhung-diem-den-ve-rac-o-tphcm-post799058.html