Khoai lang chữa được những bệnh gì?

Khoai lang không chỉ bổ dưỡng mà còn là vị thuốc chữa bệnh. Vậy khoai lang chữa được những bệnh gì?

Khoai lang là giống cây thân thảo thuộc họ bìm bìm (Convolvulaceae), có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới của Châu Mỹ, được di thực vào nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Khoai lang là loại thực phẩm quen thuộc trong đời sống của nhân dân ta. Trong khoai lang có hàm lượng tinh bột thấp và chứa rất nhiều vitamin quan trọng có lợi cho cho sức khỏe của con người.

Khoai lang có nhiều loại: Khoai lang đỏ, trắng, ruột tím, ruột vàng... nhưng nói chung về thành phần dinh dưỡng và công dụng chữa bệnh đều như nhau.

Trong 100 gam khoai lang có chứa: 119 Kcal; protein: 0,8 gam; lipid: 0,2 gam; glucid: 28,5 gam; chất xơ: 1,3 gam; vitamin A, C, B; chất khoáng như kali, mangan, đồng…

TS. BSCK2. Lương y Trần Ngọc Quế, Chủ tịch Hội Đông y Quảng Bình cho biết, theo Đông y, củ khoai lang có tính bình, vị ngọt, vào tỳ, vị, can thận. Khoai lang có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện tỳ vị, tiêu viêm, thanh can, lợi mật, làm sáng mắt, chữa ung nhọt, viêm tuyến vú, nam giới di tinh, trẻ em cam tích, lỵ, nhuận tràng, thận âm bất túc, hỗ trợ chữa đái tháo đường, trị mụn nhọt, giúp giảm cân, chữa táo bón, trẻ biếng ăn, phụ nữ sau sinh thiếu sữa, say tàu xe, quáng gà, vàng da do viêm gan...

Khoai lang không chỉ bổ dưỡng mà còn là vị thuốc chữa bệnh.

Khoai lang không chỉ bổ dưỡng mà còn là vị thuốc chữa bệnh.

1. Một số bài thuốc từ khoai lang

Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ khoai lang do TS. BSCK2. Lương y Trần Ngọc Quế giới thiệu:

1.1 Chữa táo bón: Khoai lang củ: 250- 400g; vừng: 50 gam; mật ong vừa đủ chấm; vừng rang giã nhỏ. Luộc khoai chín ăn với mật và vừng, chia ăn 1 - 2 lần trong ngày.

1.2 Chữa cảm sốt mùa nóng (Thời tiết nóng dễ gây sốt vì cảm, không ra được mồ hôi, người mệt, bồn chồn): Khoai lang 1- 2 củ 300 g, gạo 30g, đậu xanh 50g, tỏi 3 nhánh. Nấu nhừ ăn lúc còn ấm. Chia 1-2 lần trong ngày.

Hoặc: Lá khoai lang tươi một nắm, nghệ một củ, giấm 1/2 chén con, sắc uống nóng.

1.3 Chữa thận âm hư, đau lưng mỏi gối: Lá khoai lang tươi non 50g, mai rùa 30g – 50g, nước 1000 ml. Sắc kỹ còn 400 ml nước, uống chia 2 lần trong ngày.

1.4 Chữa thiếu sữa:Lá khoai lang tươi non 200g, thịt lợn ba chỉ 150g thái chỉ. Xào chín mềm, thêm gia vị ăn ngày 1 lần.

1.5 Chữa ngộ độc sắn:Khoai lang củ 300g, nước 1000 ml. Rửa sạch, gọt vỏ, xay hoặc giã nát thêm nước, vắt lấy nước cốt, uống cách nhau 30 phút đến khi hết say sắn.

1.6 Chữa viêm tuyến vú:Củ Khoai lang trắng 300g, tỏi 1 củ nhỏ. Gọt vỏ, giã nhuyễn, bọc vào vải đắp lên vú bị viêm, ngày 1- 2 lần.

1.7. Thận dương hư, đi tiểu nhiều lần:Khoai lang củ 250g, thịt chó 150g. Hầm kỹ (chín nhừ) cho thêm 10 ml rượu trắng và gia vị, ăn đang còn ấm, ngày 1 lần.

1.8. Chữa say tàu xe: Củ khoai lang tươi 150- 200g, gọt vỏ, thái nhỏ, nhai nuốt cả nước và bã.

1.9. Đắp chữa mụt nhọt: Khoai lang củ 100g, lá bồ công anh 40g hoặc 50g lá diếp cá, đường 10 g. Giã nhuyễn, bọc vào vải, đắp lên mụn nhọt để hút mủ nhọt

1.10 Chữa vàng da: Khoai lang 250g thái lát, gạo 30g, lá ngải cứu 20g. Gọt vỏ khoai, nấu cháo nhừ rồi ăn, ngày 1 lần.

1.11. Tăng cường kiện cơ, chống đau mỏi:Khoai lang củ 200g, lá sung non 100g thái chỉ nhỏ, mật ong 10ml. Nấu cháo nhừ ăn ngày 01 lần.

1.12 Chữa cam tích ở trẻ em: Khoai lang củ 30g, ý dĩ 20g, mật ong 2 - 5ml. Nấu cháo, nghiền nát thêm mật ong cho trẻ ăn, chia 1- 2 lần trong ngày.

1.13. Chữa giảm thị lực do thiếu vitamin A: Khoa lang củ 50 - 100g, dầu cá 5 ml. Nấu khoai nhừ cho thêm dầu cá và ít gia vị, ăn ngày 01 lần.

1.14. Chữa nam giới di tinh: Khoa lang củ 250g, thịt ba ba 50g, thịt dê 50g. Tất cả nấu chín, nêm ít gia vị, muối ăn ngày 01 lần. Đợt dùng 30 ngày.

1.15. Phụ nữ sau sinh thiếu sữa: Khoai lang củ 100g, móng dò lợn 2 cái. Hầm chín nhừ ăn ngày 01 lần, ăn cho đến khi có sữa nhiều.

1.16. Giúp kiểm soát lượng đường trong máu (với lượng calo thấp, khoai lang giúp cân bằng hàm lượng insulin trong cơ thể. Vì vậy khoai lang được coi là thực phẩm an toàn cho bệnh nhân tiểu đường. Chất magiê và hàm lượng chất xơ cao trong khoai lang cũng giúp phòng chống bệnh đái tháo đường): Khoa lang củ 150- 350g. Nấu ăn thay cơm hoặc thay thế một phần bữa cơm, đồng thời hạn chế ăn cơm.

1.17. Hỗ trợ giảm cân(khoai lang giàu chất xơ, điển hình là pectin dễ lên men, hòa tan. Loại chất xơ này giúp tăng cường hoạt động hormone, giúp cơ thể giảm cân tự nhiên): Khoa lang củ 150g - 250g. Luộc ăn hàng ngày, nên giảm lượng tinh bột trong khẩu phần ăn. Thời gian đợt dùng 20- 25 ngày.

1.18. Giúp giảm nguy cơ ung thư: Hiện nay khoai lang được xếp đứng đầu trong danh sách 36 loại thực phẩm có tác dụng ngăn ngừa ung thư. Tác dụng này là do khoai lang có một thành phần đặc biệt là dehydroepiandrosterone (DHEA) có khả năng chống ưng thư. Cách dùng: Khoai lang củ 100g - 250g, luộc ăn trong ngày, đợt 15 - 25 ngày.

Ăn khoai lang luộc giúp hỗ trợ giảm cân.

Ăn khoai lang luộc giúp hỗ trợ giảm cân.

2. Lưu ý khi sử dụng khoai lang

Khoai lang là một loại rau, củ lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng phòng và chữa bệnh tốt trong cuộc sống con người. Tuy nhiên phải biết cách sử dụng cho hợp lý để tránh những rắc rối không cần thiết.

Sau đây là những điều cần tránh khi sử dụng thực phẩm này:

- Không nên ăn khoai lúc đói dễ gây cảm giác chướng bụng, khó tiêu…

- Nếu sử dụng lượng khoai lang quá nhiều trong ngày sẽ khiến cơ thể bị "bội thực chất xơ", ảnh hưởng tới việc hấp thu vi khoáng.

- Tuyệt đối không sử dụng những phần khoai lang có đốm đen (bị hà, bị nhiễm nấm...), phải sơ chế và cắt bỏ hết phần này đi để tránh nhiễm độc gan.

- Không nên ăn khoai lang sống vì khó tiêu hóa.

- Một số rất ít người bị dị ứng với khoai lang thì tuyệt đối không nên dùng...

Nguyễn Hà Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khoai-lang-chua-duoc-nhung-benh-gi-169240830172050745.htm