Khoan nhặt thoi đưa'Nàng tiên xanh' của núiCõng chữ lên ngànThắp sáng ước mơ của trẻ khuyết tậtNhững người thầm lặng giữ rừng Nặm TrangMùa cấp sắc ở Tân Thành Lâm Bình – Vẻ đẹp kỳ thú

Bàn tay người phụ nữ Tày ở xã Khuôn Hà (Lâm Bình) không chỉ khéo chăm sóc con cái, biết trồng cây mau lớn, biết nuôi con gà, con lợn mà còn biết trồng bông, quay sợi, dệt thổ cẩm. Bao đời nay, người phụ nữ Tày ở đây vẫn giữ gìn nét văn hóa đẹp đẽ ấy. Bước đến chân cầu thang nhà sàn của người Tày ở Khuôn Hà, nhịp thoi đưa của khung cửi dệt thổ cẩm cứ khoan nhặt đều đặn…

Giữ lửa nghề dệt thổ cẩm

Bà Ma Thị Mỵ, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Ka Nò năm nay 55 tuổi, mắt đã mờ, tay không còn nhanh nhẹn như thời con gái nhưng vẫn dệt nên những tấm chăn thổ cẩm dày dặn, bắt mắt lắm. Những dụng cụ như quay bông, bật bông, kéo sợi và khung cửi của gia đình bà vẫn còn mới vì được thường xuyên sử dụng và gìn giữ.

Bà Mỵ kéo sợi dệt thổ cẩm.

Bà Mỵ kéo sợi dệt thổ cẩm.

Bà bảo: “Mấy hôm nay dệt nhanh nhưng vẫn không đủ số chăn khách đặt đâu”. Bà Mỵ biết ngâm tấm vải bông vào nước củ nâu cho tấm vải biến thành màu hồng nhạt để dệt thổ cẩm từ khi học lớp 7. Khi đi lấy chồng, bà Mỵ phải tự tay dệt 12 chiếc chăn để tặng cho ông, bà, bố mẹ, anh, chị em bên nhà chồng bày tỏ lòng hiếu kính. Những chiếc chăn thổ cẩm của người phụ nữ Tày trước khi về nhà chồng hoa văn phong phú giàu ý nghĩa. Đó là hình những bông hoa bưởi, hoa thị, hình trái tim và hình răng con trâu, con ngựa… để luôn nhắc nhở người phụ nữ Tày chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi, hết lòng yêu thương gia đình nhà chồng. Nghề dệt thổ cẩm được bà giữ gìn cho tới tận bây giờ.

Bà Mỵ ngồi vào chiếc khung cửi dệt tiếp tấm chăn thổ cẩm đang dang dở. Bà bảo: “Khó nhất là bắt hoa văn. Riêng công đoạn này phải mất 1 ngày. Bắt hoa văn xong thì cứ thế mà dệt, chỉ cần 3 đến 5 ngày là xong một chiếc chăn nếu dệt liên tục.

Mấy hôm nay ngôi nhà của bà Hà Thị Hoa, thôn Nà Vàng rộn ràng tiếng cười nói của các bà, các chị trong thôn. Con gái bà Hoa là Chẩu Thị Hường chuẩn bị đi lấy chồng nên Hường đang cùng với các bà, các chị trong thôn dệt 6 tấm chăn để mang về tặng nhà chồng. Từ bé, Hường đã được mẹ dạy dệt nên bây giờ Hường tự dệt chăn thổ cẩm, các mẹ, các bà, các chị chỉ phụ giúp thôi.

Bà Hà Thị Hoa (ngồi giữa) cùng phụ nữ trong thôn dệt chăn thổ cẩm giúp con gái trước khi cưới.

Bà Hà Thị Hoa (ngồi giữa) cùng phụ nữ trong thôn dệt chăn thổ cẩm giúp con gái trước khi cưới.

Còn chị Chẩu Thị Lan, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Nà Vàng cũng là một trong những người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm. Không chỉ biết dệt những chiếc chăn, chị Lan còn biết làm màn từ vải bông, bốn góc của chiếc màn được dệt thổ cẩm trang trí. Chị còn làm cả những chiếc tã cho trẻ em và khăn thổ cẩm. Chị Lan bảo: "Hầu như hội viên nào cũng dệt thổ cẩm. Chị em chủ yếu dệt chăn, ga, gối, túi thổ cẩm, nhưng nếu ai có nhu cầu muốn dệt cái gì, chị em cũng đều làm được. Nghề truyền thống của người Tày mình phải gìn giữ và phát triển nó”.

Những chiếc màn thêu, khăn thổ cẩm do chị Lan dệt.

Mong ước thổ cẩm

Ma Thị Thu Hà, 29 tuổi, thôn Nà Kẹm khẽ khàng đặt đứa trẻ xuống võng bên cạnh khung cửi để tiếp tục dệt tấm chăn thổ cẩm khách đặt mấy hôm trước. Hà bảo: “Tranh thủ những lúc con ngủ, em dệt cho kịp khách lấy”. Hà được mẹ đẻ truyền cho nghề dệt thổ cẩm từ năm lên 15 tuổi. Chiếc khung cửi này là chồng em làm 9 năm rồi. Trước đây, Hà vẫn dệt nhưng chỉ tranh thủ lúc rãnh rỗi. Ai trong xã, trong thôn đặt làm chăn và làm một số đồ dùng khác thì em làm, nhưng mấy năm trở lại đây, lượng khách biết đến nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ Tày ở Khuôn Hà ngày càng nhiều nên Hà dệt được nhiều chăn thổ cẩm hơn. Khoảng 2 năm gần đây, Hà bán được từ 80 đến 100 chiếc chăn thổ cẩm do em dệt. Nếu là chăn chưa có lõi bông bên trong sẽ được bán với giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Chăn đã có lõi bông bên trong, sử dụng vào mùa đông được bán với giá 3 đến 4 triệu đồng.

Em Hà dệt chăn thổ cẩm cho du khách.

Em Hà dệt chăn thổ cẩm cho du khách.

Hà chia sẻ: “Muốn cho tấm dệt thổ cẩm đẹp, được du khách ưa thích thì sợi dệt phải dày dặn, khi chạm tay vào hoa văn phải nổi lên, màu sắc của sợi dệt phải rõ nét. Đường nét và hoa văn phải phong phú. Em đang cố gắng làm cho những sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ Tày được nhiều du khách biết đến”.

Chị Nguyễn Thị Kiệm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Khuôn Hà cho biết, nhiều chi hội trưởng phụ nữ của Khuôn Hà là nòng cốt của nghề dệt thổ cẩm. Bởi vậy nghề dệt thổ cẩm được lan tỏa rộng rãi trong hội viên phụ nữ. Họ dệt để gìn giữ nghề truyền thống, vừa làm ra nhiều sản phẩm phục vụ du lịch.

Hiện nay, sản phẩm chăn thổ cẩm của phụ nữ Tày Khuôn Hà đang được rất nhiều du khách ưa thích. Những chiếc chăn thổ cẩm vừa nhẹ, vừa đa màu sắc, hoa văn tinh tế. Người đắp chiếc chăn thổ cẩm ban đầu chưa ấm ngay, nhưng dần dần chiếc chăn sẽ tỏa ra hơi ấm dịu nhẹ, giữ nhiệt được rất lâu. Giống như vẻ đẹp của người phụ nữ Tày, càng nhìn lâu càng thấy nét duyên dáng. Chị Kiệm cho biết, sản phẩm dệt thổ cẩm của phụ nữ Tày trong xã rất kỳ công, được nhiều người ưa thích, nhưng hiện đầu ra vẫn chưa ổn định. Hầu hết chị em giới thiệu thông qua người quen và mạng xã hội. Hội Phụ nữ xã cũng đang nghiên cứu tìm ra phương thức giới thiệu, quảng bá nghề dệt thổ cẩm và các sản phẩm rộng rãi hơn, được nhiều người biết đến hơn.

Bài, ảnh: Thủy Châu Trình bày: Hoa Hiên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/media/e-magazine/khoan-nhat-thoi-dua-125704.html