Khoản thu nghìn tỷ đồng ngoài tín dụng của nhiều ngân hàng đến từ đâu?

Bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng đang mang về nguồn thu ngoài tín dụng lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho nhiều nhà băng tại Việt Nam.

Bảo hiểm đang mang lại nguồn thu khủng cho nhiều ngân hàng. Ảnh minh họa.

Bảo hiểm đang mang lại nguồn thu khủng cho nhiều ngân hàng. Ảnh minh họa.

Việc phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) hiện vô cùng phổ biến và mang lại nguồn thu "khủng" cho các nhà băng tại Việt Nam.

Bancassurance được hiểu như một thỏa thuận giữa các ngân hàng và các công ty bảo hiểm nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm hoặc lợi ích bảo hiểm cho khách hàng thông qua kênh phân phối của các ngân hàng.

Từ năm 2018 đến nay, bancassurance trở thành nguồn thu chính trong hoạt động dịch vụ của nhiều nhà băng. BCTC của các ngân hàng cho thấy, hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm mang về nguồn thu từ vài trăm lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Trên thị trường, các ngân hàng đang thu nhiều lợi nhuận nhất từ hoạt động bancassurance có thể kể đến như: MB, VPBank, VIB, Techcombank,…

Cụ thể, trong năm 2022, MBBank là ngân hàng có nguồn thu lớn nhất từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm toàn hệ thống với 10.185 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2021.

Doanh thu từ hoạt động dịch vụ của MB đạt 14.243 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. Như vậy, doanh thu từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm chiếm khoảng hơn 70% trong tổng thu dịch vụ của MBBank.

Có được khoản lợi nhuận "khủng" từ hoạt động này là nhờ MBBank sở hữu hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch lớn cùng hai công ty bảo hiểm là MIC và MB Ageas Life. MB cũng đang là kênh phân phối bảo hiểm lớn nhất của MIC và MB Ageas Life với khoảng 85 - 90% doanh thu mỗi năm.

Nguồn thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm tại VPBank trong năm 2022 đạt 3.353 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2021; chiếm 32% tổng thu nhập dịch vụ của nhà băng này.

Được biết, VPBank ghi nhận khoảng 8.000 tỷ đồng doanh thu trả trước của hợp đồng bảo hiểm độc quyền vừa được tái ký với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam.

Bán bảo hiểm cũng là nguồn thu quan trọng trong doanh thu từ hoạt động ngoài tín dụng của Techcombank.

Theo đó, trong năm 2022, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank đạt hơn 1.750 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với năm trước.

Trong khi đó, hoa hồng bảo hiểm mà VIB nhận được trong năm 2022 là 1.303 tỷ đồng; chiếm gần 30% tổng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này.

Mặc dù lợi nhuận dưới 1.000 tỷ đồng nhưng bảo hiểm vẫn đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động dịch vụ của TPBank.

Trong thời gian qua, một số ngân hàng bị khách hàng phản ánh về việc tình trạng gửi tiền tiết kiệm nhưng bị nhân viên ngân hàng lừa bán bảo hiểm nhân thọ.

Ngoài ra, không ít khách hàng cũng bày tỏ phản ứng về tình trạng nhân viên ngân hàng chào mời, tư vấn khách mua bảo hiểm. Câu chuyện này diễn ra với cả khách có tiền đi gửi lẫn khách có nhu cầu vay vốn ngân hàng.

Trước thực trạng trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chỉ đạo các ngân hàng rà soát toàn hệ thống; xử lý nghiêm những trường hợp bắt buộc khách hàng phải mua các loại bảo hiểm không thực sự cần thiết khi cấp tín dụng.

Các cơ quan quản lý ngành ngân hàng và bảo hiểm là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cũng đã vào cuộc, cung cấp đường dây nóng tiếp nhận thông tin.

Văn Thanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khoan-thu-nghin-ty-dong-ngoai-tin-dung-cua-nhieu-ngan-hang-den-tu-dau-5712145.html