Khoảng 1.200 cây xanh bị đổ gãy ở Hà Nội có thể được 'cứu'?
Khoảng 1.200 cây xanh có giá trị và đường kính dưới 25cm trong số các cây bị gãy đổ do bão số 3 gây ra tại Hà Nội có thể được chăm sóc để phục hồi.
Theo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn Thành phố có hơn 9.300 cây xanh bị gãy, đổ trên các tuyến đường, phố (số liệu tính đến thời điểm sáng 9/9, đây chỉ là số lượng cây trên các đường, tuyến phố do Sở Xây dựng Hà Nội được giao quản lý). Trong đó, cây bị đổ là hơn 6.600 và cây bị gãy gần 2.700. Đặc biệt, trong số này có 21 cây sưa đỏ là loại gỗ quý, hiếm.
Điển hình như trên tuyến Đại lộ Thăng Long có hơn 800 cây; địa bàn quận Hoàng Mai gần 2.000 cây xanh bị gãy đổ; quận Nam Từ Liêm có khoảng 700 cây... Con số cây gãy đổ vẫn đang tiếp tục được cập nhật.
Sở Xây dựng cho biết, ngay trong đêm 8/9 và sáng nay 9/9, cán bộ, công nhân viên các đơn vị duy tu cây xanh đã thực hiện kiểm tra, rà soát và kiểm đếm phân loại những cây xanh có thể phục hồi.
Trong số những cây gãy đổ, có khoảng 1.200 cây xanh có giá trị và đường kính dưới 25cm có thể chăm sóc để phục hồi, còn lại sẽ phải thay mới. Số cây không thể phục hồi tại chỗ, giá trị thấp và có khả năng sống, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ đạo các công ty cây xanh đánh chuyển, đưa về vườn ươm để chăm sóc.
Đồng thời, Sở Xây dựng Hà Nội giao cán bộ làm công tác giám sát phải phối hợp cùng đơn vị duy trì thống kê, thống nhất cây dựng lại (đường kính nhỏ hơn 25cm), cây giải tỏa, chặt hạ, đánh chuyển về vườn ươm (đối với các loại cây có đường kính lớn hơn 25cm, các loại cây không thuộc chủng loại cây đô thị, các loại cây không đủ điều kiện trồng lại).
"Sở ưu tiên theo thứ tự giải quyết giải tỏa phục vụ bảo đảm giao thông, các tuyến đường trọng điểm, trục chính, vành đai, xuyên tâm, các cửa ngõ, trục đưa đón các đoàn khách quốc tế, nơi có các cơ quan, đặc biệt là cơ quan Trung ương, ngoại giao, công sở, trường học, bệnh viện... Đặc biệt, cần lưu ý các tuyến đường phục vụ các nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, cứu nạn… Trước mắt, chỉ đạo đơn vị giải tỏa, thu gọn vào lề đường, hè đường để khẩn trương giải tỏa, bảo đảm giao thông thông thoáng, sau đó sẽ thu dọn, dựng lại và thu hồi củi gỗ về kho bãi", đại diện Sở Xây dựng thông tin.
Bên cạnh đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hà Nội kiến nghị Sở Xây dựng báo cáo UBND TP Hà Nội, do việc chỉ định thầu mất nhiều thời gian nên cho phép Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội được chủ động ký hợp đồng với các đơn vị nhà thầu phụ có đủ năng lực thực hiện việc giải tỏa cây gãy đổ, trồng lại cây. Sau đó, sẽ tiến hành công tác nghiệm thu, thanh quyết toán theo khối lượng thực tế thực hiện trên hiện trường.
Ngoài ra, Trung tâm đề nghị cho phép được sử dụng nguồn kinh phí của thành phố đã giao trước đó cho lĩnh vực duy tu, duy trì hệ thống cây xanh để triển khai việc cấp bách này. Nếu thiếu, sẽ báo cáo TP Hà Nội chỉ đạo Sở Tài chính bố trí kinh phí bổ sung sớm.
Trước đó, chiều 8/9, UBND TP Hà Nội có văn bản hỏa tốc về việc xử lý cây xanh gãy đổ do cơn bão số 3 gây ra. Trong đó có yêu cầu, đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng, đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay, bảo đảm cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển (nếu có thể) hoặc thực hiện di chuyển về vườn ươm để chăm sóc và trồng vào các vị trí phù hợp trên địa bàn thành phố, hoàn thành trước ngày 15/9. Đối với các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm bị gãy, đổ, cần thực hiện cắt cành, tán bảo đảm cân đối, phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định trước ngày 20/9.