Khoảng 277.065 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong năm 2024

Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 277.065 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn.

Theo đó, tính đến ngày công bố thông tin 31/12/2023, có 55 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trong tháng 12/2023 với tổng giá trị 42.806 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 7,06%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,97 năm.

Tính cả năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11.9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng số).

Ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng (tương đương 56.5% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm bất động sản với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23,5%).

Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã mua lại 32.677 tỷ đồng, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 277.065 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Hiện số trái phiếu chậm trả lãi đã giảm so với đầu năm, chỉ có 6 mã trái phiếu mới công bố chậm trả lãi/gốc với tổng giá trị 545,7 tỷ đồng trong tháng 12.

Trong tháng cũng có 8 mã trái phiếu được gia hạn với thời gian đáo hạn được kéo dài chủ yếu từ 1 đến 2 năm.

Mặt khác, trên thị trường sơ cấp, trong tháng 12/2023, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 16 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) với tổng giá trị gọi thầu là 21.000 tỷ đồng, tỷ lệ trúng thầu là 68.9%.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tổ chức 1 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức 2 phiên đấu thầu trái phiếu Chính quyền địa phương với tổng giá trị gọi thầu lần lượt là 3.922 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng.

KBNN gọi thầu các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm, và 30 năm với kỳ hạn 10, 15 năm chiếm phần lớn giá trị trúng thầu, lần lượt ở mức 6.490 tỷ đồng và 5.350 tỷ đồng.

Kỳ hạn 5 năm và 30 năm lần lượt trúng thầu 600 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 24%) và 2.030 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu 73,8%).

Lãi suất trúng thầu trung bình có xu hướng giảm so với tháng trước. Tổng khối lượng TPCP phát hành thông qua đấu thầu năm 2023 là 298.476 tỷ đồng, tương đương hơn 97,86% kế hoạch điều chỉnh cả năm (305.000 tỷ đồng) và đạt 74,6% kế hoạch ban đầu.

Giá trị phát hành từ đầu tháng 10 đạt 37,38% kế hoạch quý IV/2023 (130.000 tỷ đồng). Kỳ hạn phát hành bình quân năm 2023 là 12,58 năm, lãi suất phát hành bình quân là 3,21%/năm, kỳ hạn còn lại bình quân danh mục TPCP là 9,05 năm.

Trong tháng, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tổ chức 1 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ bảo lãnh với giá trị trúng thầu là 3.101 tỷ đồng ở kỳ hạn 15 năm. UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức 2 phiên đấu thầu trái phiếu chính quyền địa phương ở kỳ hạn 10 năm nhưng đều không trúng thầu.

Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch thông thường (Outright) là 225.101 tỷ đồng (tăng 99% so với tháng trước) và giao dịch mua bán lại (Repo) là 55.694 tỷ đồng (tăng 163%).

Theo phòng chào giá VBMA, lợi suất TPCP Việt Nam tiếp tục giảm tại tất cả các kỳ hạn Lợi suất các kỳ hạn dưới 5 năm và trên 20 năm giảm từ 13 đến 18 điểm, lợi suất các kỳ hạn còn lại hạ xấp xỉ 30 điểm so với cuối tháng trước.

Trong hầu hết tháng 12, chỉ số DXY liên tiếp đi xuống, kỷ lục là vào ngày 28/12, đồng bạc xanh giảm 0,55% xuống 100,92 điểm (mức thấp nhất trong 5 tháng), khiến áp lực tỷ giá USD/VND hạ nhiệt.

Sự sụt giảm này được lý giải do quyết định giữ nguyên lãi suất lần thứ 3 liên tiếp tại cuộc họp ngày 13/12 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ.

Theo Quỳnh Dương/thitruongtaichinhtiente.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/khoang-277-065-ty-dong-trai-phieu-doanh-nghiep-se-dao-han-trong-nam-2024.html