Khoảng 44.000 người dân tộc thiểu số đã được xóa mù chữ
Trong giai đoạn 2020 - 2023, các tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu 1719 đã huy động được gần 54.000 người tham gia xóa mù chữ. Trong đó, có khoảng 28.000 học viên theo học mức độ 1 và hơn 16.000 người theo học mức độ 2 là người dân tộc thiểu số.
Thông tin tại "Hội thảo thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số" ngày 13/11 tổ chức tại Nghệ An, ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) cho biết, các địa phương đã có các giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xóa mù chữ cho người dân nói chung và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.
Trong giai đoạn 2020 - 2023, Việt Nam đã huy động được hơn 79.000 người học xóa mù chữ. Riêng các tỉnh có đồng bào dân tộc thuộc "Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030" (Chương trình mục tiêu 1719) đã huy động được gần 54.000 người xóa mù chữ.
Trong đó có hơn 33.000 người theo học lớp mức độ 1 với khoảng 28.000 học viên là người dân tộc thiểu số (86,2%) và hơn 21.600 người theo học lớp mức độ 2 với khoảng 16.000 học viên là người dân tộc thiểu số (74,9%).
Theo báo cáo của các ngành liên quan, năm 2022, dù được giao vốn muộn nhưng hoạt động xóa mù chữ cho người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã triển khai hoàn thành 90% khối lượng công việc, tỷ lệ giải ngân đạt 88,2%. Đây là một nỗ lực rất lớn của các địa phương trong việc thanh toán nạn mù chữ cho người dân.
Tính đến tháng 9/2023, cả nước có 226/10.598 đơn vị cấp xã (2,5%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 10.332/10.598 đơn vị cấp xã (97,5%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Có 42/704 đơn vị cấp huyện (6%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 662/704 đơn vị cấp huyện (94%) đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Cả nước có 63/63 tỉnh thành đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 (100%) và hiện có 48/63 tỉnh đủ điều kiện, tiêu chuẩn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (chiếm 76,2%), trong đó có 22 tỉnh đã được Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra những mặt hạn chế như nhận thức của người dân chưa đầy đủ, hiện tượng tái mù chữ vẫn tiếp diễn, gia tăng và số lượng người học lớp xóa mù chữ còn rất ít so với người mù chữ. Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy học tập của một số xã miền núi còn khó khăn, thiếu thốn.
Đặc biệt, địa bàn các huyện miền núi rộng, giao thông khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán, rải rác dọc biên giới Campuchia, Lào, Trung Quốc, chỗ ở không ổn định nên việc điều tra con số người mù chữ để mở lớp, vận động ra lớp và quản lý lớp học khó khăn. Công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác xóa mù chữ chưa chặt chẽ, thường xuyên...
Tại hội thảo các đại biểu đã thảo luận các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi tỉnh. Qua đó nhất trí rằng, ngoài đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động và tổ chức lớp xóa mù chữ; củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ; nâng cao chất lượng dạy học; bổ sung chế độ chính sách đối với người học, người dạy, người tham gia công tác xóa mù chữ... cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác xóa mù chữ để huy động nhiều lực lượng hơn nữa tham gia.
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tầm quan trọng của công tác xóa mù chữ và phát hành các tư liệu truyền thông về công tác xóa mù chữ như băng rôn, áp phích, tờ gấp, tiểu phẩm, câu chuyện truyền thanh… gắn với tuyên truyền xây dựng xã hội học tập, xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua của địa phương.
Tổ chức các lớp xóa mù chữ tại các địa điểm phù hợp với việc đi lại của học viên, với tập quán sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của dòng họ, các chức sắc, chức việc tôn giáo trong việc duy trì các lớp xóa mù chữ. Đẩy mạnh hoạt động tình nguyện dạy xóa mù chữ của tổ chức đoàn thanh niên các cấp…