Khoảng 80% nông sản xuất khẩu của Việt Nam ở dạng thô

Đến tháng 1/2023, nông sản Việt đã có mặt trên thị trường của 185 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, 80% các mặt hàng xuất khẩu này chủ yếu ở dạng thô, hàm lượng chế biến thấp.

Đó là chia sẻ của ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Diễn đàn Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn.

Theo ông Thành, trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hàng nông sản luôn chiếm tỷ trọng khá cao, nhiều loại nông sản đã khẳng định được vị thế trên thị trường khu vực và thế giới như: Gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, chè, trái cây, rau quả... Đến tháng 1/2023, nông sản của Việt Nam đã có mặt trên thị trường của 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tăng qua các năm.

Diễn đàn Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn được tổ chức ngày 29/9.

Diễn đàn Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn được tổ chức ngày 29/9.

Thế nhưng, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại có giá trị và khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của hàng nông sản còn chưa cao khi 80% các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở dạng nông sản thô, hàm lượng chế biến thấp.

Ngoài ra, theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp… là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, tự cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tuy vậy, theo đánh giá của Viện Công nghệ sau thu hoạch, do trình độ phát triển và chi phí đầu tư cho công nghiệp chế biến còn thấp nên tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế mới chỉ đạt khoảng trên dưới 10%. Ngoài ra, số doanh nghiệp chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới dừng ở tỷ lệ khoảng 15%.

Doanh nghiệp cần tham gia, phát triển chuỗi cung ứng và liên kết vùng nông nghiệp để ổn định đầu ra, tạo sức cạnh tranh...

Doanh nghiệp cần tham gia, phát triển chuỗi cung ứng và liên kết vùng nông nghiệp để ổn định đầu ra, tạo sức cạnh tranh...

“Chính vì vậy, để hình thành chuỗi cung ứng nhằm giữ chất lượng, nâng cao giá trị ở mỗi công đoạn đều phải có cách tiếp cận và tuân thủ theo những quy định cụ thể. Việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu hình thành các chuỗi cung ứng nông sản nhằm đáp ứng yêu cầu nghiễm ngặt của các nước nhập khẩu”, ông Võ Tân Thành kiến nghị.

Theo ông Võ Tân Thành, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì các địa phương, doanh nghiệp phải thể hiện sự quyết tâm, tự vận động đi lên bằng cách đầu tư thích đáng cho công nghệ, liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Không chỉ tham gia chuỗi cung ứng, liên kết vùng nông nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp phân phối và nhà sản xuất nông nghiệp là yêu cầu tất yếu khách quan. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khoang-80-nong-san-xuat-khau-cua-viet-nam-o-dang-tho-d199771.html