Khoảng trời trẻ thơ trong nhạc Trịnh Công Sơn
Trong không gian âm nhạc của Trịnh Công Sơn, có một khoảng trời mà khi nhìn vào, người ta có thể thấy một Trịnh Công Sơn vừa quen vừa lạ. Đó chính là khoảng trời dành cho các em thiếu nhi.
Những ca khúc thiếu nhi quen thuộc của Trịnh Công Sơn có thể kể đến như Em là hoa hồng nhỏ, Mẹ đi vắng, Tết suối hồng, Đời sống không già vì có chúng em, Khăn quàng thắm trên vai, Tuổi đời mênh mông… Ngoài ra, ông còn viết Như hòn bi xanh, Ai ngoài cánh cửa, Em đến cùng mùa xuân, Ông tiên vui… Tuy viết cho thiếu nhi không nhiều, khoảng 20 bài, nhưng hầu hết các ca khúc này được yêu mến bởi bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Trước những “hoa hồng nhỏ”, lòng bỗng “như trẻ thơ”
Dường như những năm tháng ông học chuyên ngành Tâm lý giáo dục trẻ em ở Trường sư phạm Quy Nhơn (Bình Định) và đi dạy tại Trường sơ học Bảo An (Lâm Đồng) trong 3 năm (1964-1967) đã khiến ông thấu hiểu, yêu thương trẻ thơ bằng tất cả tấm lòng.
Trịnh Công Sơn dành một tình yêu đặc biệt cho trẻ thơ và thật sự thấu hiểu các em. Điều đó được cảm nhận qua những ca khúc tụng ca sự hiện hữu kỳ diệu của các em. Mỗi bé thơ là “mùa xuân của mẹ”, “màu nắng của cha”, là “hoa hồng nhỏ” có thể làm dịu mát cuộc đời như trong ca khúc Em là hoa hồng nhỏ.
Vì em là điều kỳ diệu của thế gian nên cả đất trời và lòng người cũng dịu dàng ôm ấp và chở che. Và điều em làm được cho cuộc sống này còn hơn cả mọi phép màu: “Vì có chúng em nên đời sống mãi không già/ Vì có chúng em nên mặt đất luôn nở hoa/ Vì có chúng em như mùa xuân trong mọi nhà/ Vì có chúng em nên đời sống như trẻ ra” (Đời sống không già vì có chúng em).
Trong cái nhìn dịu dàng, yêu thương của người nhạc sĩ, trẻ em là cội nguồn, là khởi nguyên và là dưỡng chất cho mọi điều tốt đẹp được sinh sôi và hiện hữu. Với ông, trong mọi sự hiện hữu ở thế gian, dường như trẻ em chính là điều tuyệt vời nhất.
Khi viết cho các em, dường như Trịnh Công Sơn đã hóa thành trẻ thơ. Bài hát Mẹ đi vắng thô mộc, chân phương, giản dị chỉ với vài câu hát, ca từ và giai điệu đơn giản, lặp đi lặp lại: “Mẹ đi vắng/ Mẹ đi vắng/ Em sang chơi nhà bạn/ Em cầm cây đàn em hát/ Em cầm cây đàn em hát/ Hát cho mẹ về với em/ Hát cho mẹ về với em” không khác gì lời của một em nhỏ lên ba lên năm.
Khi mẹ đi vắng, em cố gắng tìm niềm vui để bớt đi nỗi nhớ mẹ. Thế mà trong khi tìm niềm vui khác, chính niềm vui đó lại không ngừng gợi nhắc em về nỗi nhớ mong mẹ về. Sự lặp lại của hai câu cuối bài hát đã thực sự khắc họa được sự chờ mong vô hạn của một bé em phải xa mẹ.
Và có vẻ như Trịnh Công Sơn thấu hiểu, lẫn thương yêu các em bé phải xa mẹ nhiều lắm, nên ông đã viết tiếp về điều này trong bài hát Ai ngoài cánh cửa: “Em nhảy linh tinh/ Em nhảy một mình/ Ai ngoài cửa sổ?/ À gió đi qua/ Ai ngoài cánh cửa?/ À nắng đi qua/ Ai ngoài cánh cửa?/ À mẹ mới về”. Mẹ không ở nhà, em nhỏ tự nghĩ ra những trò vui và chơi một mình, nhưng dường như điều đó không khỏa lấp được sự mong ngóng. Tâm trí em luôn ở ngoài cánh cửa, lắng nghe mọi âm thanh, gắng nhìn mọi hình ảnh để xem mẹ đã về chưa.
Những hoạt động học tập, vui chơi, sinh hoạt hằng ngày của các em cũng đi vào sáng tác của Trịnh Công Sơn. Ngày tết Trung thu rộn ràng âm thanh, rực rỡ sắc màu được tái hiện sinh động: “Trung thu đốt đèn lên cho sáng/ Cho bao con đường rộn vui/ Đêm trăng với đèn lồng thay nắng/ Em như giấc mộng giữa đời” (Tết suối hồng).
Ông cũng khắc họa mối giao cảm giữa các em thiếu nhi với thiên nhiên. Sự tinh tế, nhạy cảm của người nghệ sĩ đã giúp ông nắm bắt được những biến chuyển của đất trời và cảm nhận được niềm hân hoan, háo hức của các em thiếu nhi khi mùa hè đến: “Khắp phố phường tiếng ve kêu hè hè hè/ Và trong những tàn lá ve kêu hè hè hè/ Chạy theo tiếng ve từng cơn mưa về/ Giọt mưa âm vang trên lá tiếng ve bay đầy trong gió/ Giọt mưa long lanh trên những cánh hoa phượng thắm như màu ngọn cờ” (Tiếng ve gọi hè).
Nếu không tự mình “trẻ thơ hóa”, đặt mình vào thế giới tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên của các em, có lẽ thật khó để hiểu và tái hiện được niềm vui đó.
Âm nhạc góp phần làm đẹp tâm hồn các em
Từ những ca khúc viết cho thiếu nhi của Trịnh Công Sơn, có thể thấy sự tài hoa của ông trong âm nhạc dường như không bị giới hạn ở bất cứ chủ đề, đề tài hay đối tượng nào. Và quả thật, những bài hát thiếu nhi đã cho chúng ta thấy thêm một khía cạnh khác trong tâm hồn nghệ sĩ của ông. Ông không chỉ là một người yêu trẻ thơ, mà còn là người có am hiểu sâu sắc tâm lý của các em.
Trong sáng tác cho thiếu nhi, Trịnh Công Sơn thể hiện sự linh hoạt, đa dạng, phong phú trong đề tài, ca từ và giai điệu. Đề tài và ca từ có khi thật đơn sơ, giản dị như nỗi mong mẹ của một em bé, có khi trừu tượng, giàu tính triết mỹ thể hiện quan niệm về trẻ thơ của một nhạc sĩ - người lớn, có khi là tình cảm gia đình, nhưng có khi mở rộng ra tình cảm với thầy cô, bạn bè và hơn nữa là quê hương, đất nước, nhân loại.
Nhưng với đề tài nào, người ta vẫn thấy được một Trịnh Công Sơn với cách dùng từ độc đáo, những liên tưởng so sánh mới lạ khiến cho lễ hội rước đèn lồng trở nên lung linh, huyền ảo, nên thơ như trong xứ sở thần tiên: “Trung thu tết hồng như son thắm/ Chúng em vui đùa bên nhau/ Đêm nay các bạn không ai vắng/ Quanh em sáng một suối màu” (Tết suối hồng).
Con đường tràn ngập ánh trăng đêm rằm cùng với ánh sáng lung linh của những chiếc lồng đèn làm từ giấy kính cách đây mấy mươi năm, nhìn từ xa như một dòng ánh sáng đang trôi chảy theo bước đi của các em. Tết Trung thu chính là Tết suối hồng! Một cách định nghĩa gợi biết bao liên tưởng và những xúc cảm thẩm mỹ bất ngờ mà vẫn vô cùng hợp lý.
Ở những bài hát này, chất Trịnh Công Sơn được thể hiện rõ nhưng có sự tiết chế so với cách ông dùng từ khi viết cho người lớn. Vẻ đẹp của ca từ trong nhạc thiếu nhi của Trịnh Công Sơn có thể nói là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự trong trẻo của trẻ thơ và chất suy tư của người lớn, khiến nó không rơi vào cái bẫy của sự đơn thuần lẫn bị hấp dẫn bởi cách thể hiện vượt quá tầm nhận thức của các em. Và khi lời ca được kết hợp với giai điệu vui tươi, rộn ràng thì trở nên dễ thương, đáng yêu, trong sáng vô cùng.
Âm nhạc nói riêng, hay nghệ thuật nói chung, khi sáng tác cho thiếu nhi, bên cạnh giá trị thẩm mỹ, giải trí, nhận thức vẫn luôn hàm chứa giá trị giáo dục đạo đức và nhân cách. Viết cho thiếu nhi, Trịnh Công Sơn cũng gửi gắm những thông điệp nhẹ nhàng đến các em.
Bài hát Như hòn bi xanh khơi gợi và nhắc nhở các bạn nhỏ về tình yêu quê hương, đất nước: “Như một hòn bi xanh/ Trái đất này quay tròn/ Đất già cho đời trẻ/ Nên đời được yêu luôn/ Này em trong mỗi con tim/ Nhớ mang quê hương của mình”.
Việc học hành chăm ngoan cũng là điều các em nên làm: “Học cho ngoan, lớn cho nhanh, bay vào đời xây dựng/ Rèn đôi tay, chắc đôi chân lao động là vinh quang” (Khăn quàng thắp sáng bình minh). Và dẫu còn nhỏ, các em cũng hãy biết sẻ chia với mọi người: “Mừng em sinh nhật thứ bao nhiêu/ Bao nhiêu sinh nhật cũng không nhiều/ Này anh em chị hãy vui theo/ Bao nhiêu sinh nhật cũng chia đều” (Mừng sinh nhật).
Cứ như vậy, âm nhạc của nhạc sĩ họ Trịnh không chỉ làm tâm hồn các em trở nên tươi vui mà còn chăm chút để các em trở thành những “bông hồng nhỏ” xinh xắn giữa cuộc đời.
Từ những ca khúc viết cho thiếu nhi của Trịnh Công Sơn, có thể thấy sự tài hoa của ông trong âm nhạc dường như không bị giới hạn ở bất cứ chủ đề, đề tài hay đối tượng nào. Và quả thật, những bài hát thiếu nhi đã cho chúng ta thấy thêm một khía cạnh khác trong tâm hồn nghệ sĩ của ông.
Ông không chỉ là một người yêu trẻ thơ, mà còn là người có am hiểu sâu sắc tâm lý của các em. Tình yêu thương, sự thấu hiểu cùng với tài năng đã giúp ông viết nên những bài hát thiếu nhi vui tươi, trong sáng mà vẫn mang đậm dấu ấn phong cách âm nhạc của mình. Có thể nói rằng, với ông, vì có các em nên đời sống sẽ không già, còn chính những ca khúc ông viết cho các em, cũng sẽ làm ông mãi là một “ông tiên vui” trong lòng mọi trẻ thơ.
BÍCH DUYÊN
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/317023/khoang-troi-tre-tho-trong-nhac-trinh-cong-son.html