Khoảng trống lãnh đạo khi người thừa kế Tập đoàn Samsung lĩnh án
Ngày 18-1, ông Lee Jae-yong, người thừa kế Tập đoàn điện tử Samsung đã bị Tòa án cấp cao Seoul của Hàn Quốc tuyên phạt 2 năm rưỡi tù. Đây là phiên tòa xét xử lại vụ án nhận hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye và ông Lee, 52 tuổi, đã bị giam giữ ngay lập tức, chưa đầy 3 năm sau khi ông được hưởng án treo.
Theo phán quyết của tòa, ông Lee Jae-yong - Phó Chủ tịch Tập đoàn điện tử Samsung, đã hối lộ cựu Tổng thống Park và người bạn thân của bà là Choi Soon-sil để giành được sự ủng hộ của Chính phủ trong việc kế vị và đảm bảo quyền kiểm soát Samsung. Ông Lee nắm quyền điều hành tập đoàn Samsung khi người cha Lee Kun-hee nhập viện sau một cơn đau tim vào năm 2014. Tháng 10-2020, ông Lee Kun-hee đã qua đời, làm dấy lên những đồn đoán rằng sẽ có một cuộc cải tổ lãnh đạo tại Samsung.
Bê bối chính trị chấn động Hàn Quốc xảy ra năm 2016, trong đó bà Choi Soon-sil bị buộc tội cấu kết với Tổng thống Park Geun-hye để chiếm đoạt hàng triệu USD từ các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai và dùng mối quan hệ với Tổng thống để can thiệp vào các vấn đề quốc gia. Bà Park trở thành Tổng thống dân chủ đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất và đã bị kết án 24 năm tù với tội danh tham nhũng.
Năm 2017, ông Lee đã nhận mức án 5 năm tù do cáo buộc hối hộ khoản tiền lên đến 29,8 tỷ won (27,4 triệu USD) để hỗ trợ việc học cưỡi ngựa của con gái bà Choi và quyên góp cho một quỹ thể thao do gia đình bà Choi điều hành. Nhưng 1 năm sau, ông Lee đã được trả tự do sau khi một tòa phúc thẩm đã cho ông này hưởng án treo 2 năm rưỡi theo số tiền hối lộ đã được sửa thành 3,6 tỷ won. Tuy nhiên, trong phiên tòa phúc thẩm lần 2, Tòa án Tối cao đã trả lại vụ việc để xét xử lại cho Tòa án Cấp cao Seoul.
Phán quyết sáng 18-1 đã làm tiêu tan hy vọng của những người ủng hộ ông Lee cũng như các lãnh đạo khác của Samsung, theo Hãng Thông tấn Hàn Quốc Yonhap. Họ là những người đã yêu cầu tòa án khoan hồng với Tập đoàn Samsung - nhà sản xuất điện thoại thông minh và chip lớn nhất thế giới, với lý do ông Lee đóng vai trò trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, quyết định này lại được những người có quan điểm chống tham nhũng hoan nghênh. Các nhà hoạt động đã yêu cầu cơ quan tư pháp thể hiện sự cứng rắn trong việc giải quyết các mối quan hệ mờ ám giữa ngành công nghiệp và giới tinh hoa chính trị.
Giới phân tích cho rằng, phán quyết của tòa hôm 18-1 ít nhất sẽ khiến ông Lee Jae-yong không thể tham gia việc điều hành tập đoàn trong một thời gian, điều này có thể tạo ra khoảng trống lãnh đạo và cản trở việc đưa ra các quyết định của Samsung đối với các khoản đầu tư lớn trong tương lai, do đó có thể làm tổn hại đến lợi thế cạnh tranh toàn cầu của công ty.
Bản án được đưa ra vào một thời điểm quan trọng vì ông Lee Jae-yong sau khi đứng đầu tập đoàn số 1 của đất nước đã bắt đầu năm 2021 với quyết tâm đưa Samsung lên một tầm cao mới. Ông đã dành tuần đầu tiên của tháng 1-2021 để thăm thực địa để kiểm tra cơ sở đúc của công ty và các công nghệ mới nhất về trí tuệ nhân tạo cũng như sự phát triển của các dịch vụ 6G.
“Vốn hóa thị trường của Samsung chiếm 30% vốn hóa thị trường của Hàn Quốc và tập đoàn này trả 20% tổng số thuế doanh nghiệp thu được và sử dụng 300.000 công nhân. Samsung có kế hoạch đầu tư 133 nghìn tỷ won trong 10 năm tới và điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan. Điều quan trọng đối với một tập đoàn như vậy là phải có sự hiện diện của tổng giám đốc vì chỉ người đó mới có thể để đưa ra các quyết định đầu tư lớn”, ông Kim Dae-Jong, Giáo sư quản lý tại Đại học Sejong nhận định.