Khoảng trống pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chiếm trên 90% tổng số DN của Việt Nam. Thời gian qua, hoạt động tư vấn, giải đáp pháp luật cho DN đã được triển khai nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần bổ sung và hỗ trợ cho DN.

Đa phần doanh nghiệp ở Đồng Nai thuộc quy mô vừa và nhỏ, rất cần hỗ trợ về pháp lý. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ở thành phố Long Khánh. Ảnh: V.Gia

Đa phần doanh nghiệp ở Đồng Nai thuộc quy mô vừa và nhỏ, rất cần hỗ trợ về pháp lý. Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ở thành phố Long Khánh. Ảnh: V.Gia

Tại Đồng Nai, cộng đồng DN đa phần có quy mô nhỏ và vừa, những vướng mắc về pháp lý đang cản trở DN trong việc phát triển bền vững. Kết nối, hợp tác để hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho DN là điều địa phương đang nỗ lực thực hiện.

Vướng pháp lý, DN gặp khó

Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho hay, khoảng trống pháp lý trong DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa hiện nay rất lớn. Trên thực tế, nhiều DN nhỏ và vừa vẫn chưa quan tâm nhiều đến kiến thức pháp luật, mà chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, vai trò của người đại diện pháp luật về các vấn đề pháp lý rất mờ nhạt, chủ yếu giao cho nhân viên phụ trách.

Đang có một khoảng trống lớn về pháp luật của DN cần hỗ trợ, lấp đầy. Do đó, theo ông Châu Minh Nguyện, UBND tỉnh cần có chỉ đạo cho các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đến hoạt động của các hiệp hội DN. Từ đó, thường xuyên có thông tin đến các hiệp hội để tuyên truyền về các quy định, chính sách pháp luật mới, giúp DN tuân thủ quy định, tránh gặp rắc rối về pháp lý khi xảy ra các sự cố không mong muốn.

Cả nước hiện có hơn 18,2 ngàn luật sư; 5,4 ngàn tổ chức hành nghề luật sư; khoảng 200 trung tâm tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, hiện chỉ có Bộ Tư pháp, Bộ Công thương đã thiết lập, phê duyệt danh sách tư vấn viên pháp luật, trong đó chủ yếu là các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.

Tương tự, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Cường cũng cho rằng, hầu hết các DN hiện nay gặp những vướng mắc về thủ tục đất đai. Nhu cầu của các DN là muốn có địa điểm sản xuất ổn định, tuân thủ quy định. Thế nhưng, rất nhiều cơ sở sản xuất đang hoạt động ở khu dân cư, khu đất nông nghiệp, không phù hợp với quy hoạch. Số DN tiếp cận và vào được những nơi sản xuất tập trung còn ít. Nhiều DN nhỏ và vừa không nắm rõ thông tin nên thường gặp các vấn đề về xây dựng nhà xưởng, hoạt động chưa hợp lệ, khi ký hợp đồng với khách hàng không đầy đủ hồ sơ pháp lý... Vì thế, DN cần hỗ trợ nhiều hơn nữa về pháp lý để phát triển bền vững.

Về phía cộng đồng DN, Tổng giám đốc Công ty CP Thiết kế xây dựng Chính Nam (thành phố Biên Hòa) Trần Quang Huấn cho hay, các DN mong tỉnh tăng các hình thức tư vấn, trợ giúp pháp lý để các DN kịp thời nắm bắt và thực hiện theo quy định, giúp hạn chế những rủi ro trong hoạt động. Đồng thời, tỉnh và các sở, ngành liên quan cần tổ chức nhiều hơn các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo tạo điều kiện cho DN nắm vững những văn bản pháp luật có liên quan.

Tìm cách hỗ trợ vấn đề pháp lý cho DN

Theo Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Quốc Nghi, hội đang đẩy mạnh kênh tư vấn pháp luật cho thành viên. Qua đó góp phần nâng cao kiến thức pháp luật và giải quyết các vấn đề pháp lý thường gặp trong hoạt động kinh doanh, củng cố nền tảng pháp lý vững chắc cho thành viên.

Cuối năm 2023, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ DN tỉnh Đồng Nai (Sở Kế hoạch và đầu tư) và Trung tâm Hỗ trợ pháp lý (Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai) đã ký kết hợp tác, chia sẻ thông tin những dịch vụ, tư vấn hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn. Hai bên sẽ tập trung tư vấn hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; các dịch vụ về đào tạo, các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về quản trị DN, kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động DN...

Mới đây, Chi hội Doanh nhân trẻ thành phố Biên Hòa cũng ký kết ghi nhớ cùng Câu lạc bộ Luật sư pháp chế DN thuộc Đoàn Luật sư Đồng Nai. Luật sư Trần Văn Khanh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư pháp chế DN, chia sẻ đây sẽ là tổ chức tập hợp các luật sư, người quan tâm đến pháp luật kinh doanh của DN. Thông qua các hoạt động sẽ tạo cơ hội trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ pháp lý, phòng tránh rủi ro pháp lý trong tư vấn, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị DN.

Phó giám đốc Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI) Nguyễn Hữu Nam nhận định, việc thường xuyên cập nhật thông tin cho các DN là điều rất cần thiết. Tại Đồng Nai, VCCI cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai để phổ biến chính sách mới. Qua đó, đã chia sẻ những kiến thức chuyên sâu về các vấn đề pháp luật liên quan đến hoạt động của DN, bao gồm chính sách thuế, hải quan, về hợp đồng thương mại và những phát sinh, tranh chấp quốc tế...

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202407/khoang-trong-phap-ly-cua-doanh-nghiep-nho-va-vua-08868a4/