Khoảnh khắc AI giải mã được CAPTCHA là một hồi chuông báo động

Sự kiện AI giải mã được CAPTCHA cho thấy khả năng xâm lấn mạnh mẽ của công nghệ vào nhiều hoạt động của con người. Trước thực trạng này, doanh nghiệp cần phải xây dựng văn hóa số.

 Cuốn sách Văn hóa số mới ra mắt trong tháng 11.

Cuốn sách Văn hóa số mới ra mắt trong tháng 11.

Năm 2019, các nhà nghiên cứu từ ETH Zurich, Thụy Sĩ, đã huấn luyện mô hình AI mang tên YOLO (You Only Look Once) để vượt qua thử thách reCAPTCHA v2 của Google, vốn yêu cầu người dùng xác định hình ảnh như xe cộ và đèn giao thông. Được huấn luyện với bộ dữ liệu đặc thù, YOLO đạt độ chính xác đến 100%, vượt xa các nỗ lực trước đó chỉ đạt khoảng 68-71%. Sự kiện này cho thấy AI có thể hoàn thành các bài kiểm tra CAPTCHA với độ chính xác tương đương con người, thách thức các giải pháp bảo mật hiện tại.

Theo đánh giá của ông Lại Tiến Mạnh (CEO của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand) tại buổi tọa đàm Văn hóa số diễn ra vào đầu tháng 11, thành tựu trên cho thấy AI có thể xóa sổ những văn hóa trước đây con người từng xây dựng. Vì vậy các doanh nghiệp cần hình thành văn hóa số mới như một phương pháp thích nghi với làn sóng mạnh mẽ này.

Sức ì đang làm chậm sự chuyển đổi số về văn hóa

Sức ì của hệ thống có thể khiến việc chuyển đổi số về văn hóa doanh nghiệp diễn ra một cách chậm chạp. Đây cũng là rào cản lớn trong thời đại mà công nghệ và trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ.

"Một số doanh nghiệp hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhưng họ vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu. Cùng đó, sự thiếu hụt về thông tin, tư duy, và ý tưởng là những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều công ty chần chừ trong việc số hóa quy trình nội bộ”, Ông Lại Tiến Mạnh chia sẻ.

Trong thực tế, nhiều nhân viên vẫn quen thuộc với các cách làm việc truyền thống và không mặn mà với việc thay đổi. Những cải tiến công nghệ như lưu trữ tài liệu, biểu mẫu trên hệ thống số hóa đều yêu cầu nhân viên phải thực hiện thêm một số thao tác kỹ thuật số, điều mà nhiều người ngại làm.

 Ông Lại Tiến Mạnh (CEO của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand) chia sẻ tại buổi tọa đàm Văn hóa số. Ảnh: Đức Huy.

Ông Lại Tiến Mạnh (CEO của công ty nghiên cứu thị trường Mibrand) chia sẻ tại buổi tọa đàm Văn hóa số. Ảnh: Đức Huy.

Từ góc nhìn của Ông Dương Ngọc Dũng - Giám đốc Khối Marketing và Truyền thông MSB - sức ì của hệ thống phần lớn bắt nguồn từ sự quen thuộc của con người với những thói quen cũ. Đại dịch Covid-19 từng thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp chuyển đổi số nhằm duy trì hoạt động khi các chi nhánh phải đóng cửa. Tuy nhiên, khi tình hình trở lại bình thường, một số doanh nghiệp lại có xu hướng quay về lối cũ, thay vì tiếp tục duy trì và phát triển văn hóa số.

Mặc dù vậy, chuyển đổi số trong văn hóa doanh nghiệp vẫn là xu hướng tất yếu. Sự phát triển của AI đang đặt ra yêu cầu cấp bách về việc nâng cấp tư duy và nhận thức văn hóa số trong doanh nghiệp. Ông Lại Tiến Mạnh đã dẫn lời của nhà sử học Yuval Noah Harari trong cuốn Nexus rằng AI không chỉ là một công cụ, mà còn là một thách thức đối với bản sắc và sự phát triển của xã hội loài người. Tác giả Nexus còn cảnh báo rằng AI có thể làm thay đổi sâu sắc cách con người vận hành và tương tác, thậm chí thay đổi cả nền tảng văn hóa doanh nghiệp truyền thống.

“Trong một thí nghiệm gần đây, AI đã thành công trong việc vượt qua CAPTCHA - một dạng bài kiểm tra chống bot phổ biến. Thành công này cho thấy AI đã vượt qua cả những rào cản tưởng chừng chỉ con người mới làm được, đe dọa trực tiếp tới các phương pháp bảo mật truyền thống. Trước thực trạng đó, doanh nghiệp cần phải thay đổi, nếu không sẽ rơi vào lầm tưởng rằng mình kiểm soát được AI”, ông Lại Tiến Mạnh nói.

Trọng tâm của văn hóa số là gì?

Dù hiểu được tầm quan trọng của văn hóa số, nhưng trong quá trình chuyển đổi, một số doanh nghiệp vẫn gặp vướng mắc vì hiểu sai khái niệm. Ông Lê Quang Vũ - tác giả cuốn sách Văn hóa số - chỉ ra rằng văn hóa truyền thống hướng đến sự an toàn và tránh rủi ro, với tư tưởng “làm gì thì làm, đừng làm sai”. Trong khi đó, văn hóa số đề cao thử nghiệm và sẵn sàng sửa đổi, với phương châm “không thử sao biết”. Nhờ đó, người lãnh đạo doanh nghiệp có thể tạo nên một môi trường mà nhân viên được khuyến khích thử nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhanh chóng rút kinh nghiệm để tìm ra giải pháp tối ưu.

 Tác giả Lê Quang Vũ tại lễ ra mắt sách Văn hóa số. Ảnh: Alphabooks.

Tác giả Lê Quang Vũ tại lễ ra mắt sách Văn hóa số. Ảnh: Alphabooks.

Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp dám thử nghiệm, dám sửa sai là yếu tố cốt lõi để không bị tụt hậu trong thời đại mà AI và công nghệ số hóa đang dần chi phối mọi lĩnh vực.

“Văn hóa số cũng trao quyền cho nhân viên, đặc biệt là những người ở tuyến đầu, để họ có thể chủ động và linh hoạt trong công việc. Thay vì ràng buộc nhân viên theo quy trình cứng nhắc, văn hóa số khuyến khích họ tìm ra cách thức sáng tạo để đạt được mục tiêu. Hãy tìm cách để đạt mục tiêu này tạo động lực và không gian cho sự đổi mới liên tục”, ông Lê Quang Vũ cho biết.

Một yếu tố quan trọng khác là đặt khách hàng làm trung tâm của mọi hoạt động. Trong bối cảnh số hóa, khái niệm khách hàng đã thay đổi. Họ không chỉ đơn giản là những người mua hàng mà là những mạng lưới có thể tham gia vào quá trình quảng bá thương hiệu, sáng tạo sản phẩm, định hình thị trường. Đó có thể là những người dùng cuối cùng giúp doanh nghiệp tạo ra sản phẩm dịch vụ cá nhân hóa. Hơn hết, khách hàng còn có thể là doanh nghiệp, báo chí, KOL có thể gây ảnh hưởng lên ngành và các quyết định từ phía doanh nghiệp.

Do đó, trong văn hóa số, có những bộ quy tắc được đưa ra bởi một số nhà chiến lược trên thế giới và trong nước, doanh nhân có thể học hỏi và áp dụng vào chính công ty của mình.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/khoanh-khac-ai-giai-ma-duoc-captcha-la-mot-hoi-chuong-bao-dong-post1508296.html