Khoảnh khắc bầu trời thành phố biển đỏ rực trong đêm

Tối 23/5, người dân quận Định Hải, thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc quan sát được hiện tượng bầu trời chuyển màu đỏ rực.

Hiện tượng bầu trời đỏ ở thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Nguồn: Asia Wire)

Hiện tượng bầu trời đỏ ở thành phố Chu Sơn, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. (Nguồn: Asia Wire)

Theo Jimu News, hiện tượng này thu hút sự chú ý của người dân địa phương. Khá đông người đã đổ xô xuống đường, lấy điện thoại quay lại khung cảnh hiếm có khi bầu trời rực sáng sắc đỏ giữa đêm tối.

Cô Zhang, một người dân địa phương, cho biết khoảng 20h khi đang đi bộ bên đường, cô nhận thấy bầu trời có màu đỏ như máu. Cô nói: "Đây là lần đầu tiên tôi bắt gặp hiện tượng này nên lấy điện thoại ra quay".

Một người dân khác ở quận Định Hải cũng cho biết, nhìn thấy cảnh này nhưng "nó kéo dài không lâu". Các video được đăng tải lên mạng xã hội khiến nhiều người tò mò, thậm chí còn có ý kiến cho rằng, đây là hiện tượng cảnh báo thời tiết xấu như lũ lụt, động đất sắp xảy ra.

Tuy nhiên, theo Cục Khí tượng quận Định Hải, bầu trời chuyển sang màu đỏ không phải là hiện tượng khí quyển mà là do đèn đỏ phát ra từ tàu đánh cá ở gần đó. "Nó tương tự như hiện tượng từng xảy ra vào năm 2022", nhân viên cơ quan này cho biết.

Ngày 7/5/2022, bầu trời thành phố Chu Sơn cũng từng chuyển màu đỏ rực, gây xôn xao dư luận. Theo truyền thông Chiết Giang, nhân viên Cục Khí tượng lúc đó lý giải hiện tượng này do sự khúc xạ và tán xạ ánh sáng.

Một chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu vật lý vũ trụ của Đại học Khoa học địa chất Trung Quốc (Vũ Hán) cho rằng, vì ánh sáng của các tàu đánh cá ngoài khơi có màu đỏ.

Ánh sáng đỏ có bước sóng dài hơn và khả năng xuyên thấu mạnh hơn. Theo thời gian, nó bị phân tán bởi các giọt chất lỏng trong khí quyển. Dưới tác động, ánh sáng đỏ sẽ phân tán ra phạm vi xa hơn, do đó xuất hiện hiện tượng ánh sáng đỏ bất thường trên một vùng trời.

Thành phố Chu San thuộc tỉnh Chiết Giang là quần đảo lớn nhất Trung Quốc, bao quanh bởi biển. Việc đánh bắt cá là một trong những hoạt động kinh tế chính của địa phương. Số lượng tàu cá ở Chu San cũng rất lớn.

Một số loài cá ở đại dương nhạy cảm với ánh sáng đỏ nên để thu hút chúng, ngư dân thường lắp hệ thống đèn màu đỏ trên tàu.

Khi bắt đầu ra khơi, nhiều tàu cá cùng bật đèn đỏ ở quy mô lớn, kết hợp với bầu trời mây mù có thể gây ra hiện tượng tán xạ ánh sáng, tạo ra hiện tượng "bầu trời máu".

(theo Ngôi sao)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khoanh-khac-bau-troi-thanh-pho-bien-do-ruc-trong-dem-273874.html