'Khoảnh khắc DeepSeek' của điện ảnh: Phim hoạt hình Trung Quốc đạt doanh thu kỷ lục 1,2 tỷ USD

Một bộ phim Trung Quốc kể về câu chuyện của một cậu bé chiến đấu với cả quỷ dữ lẫn thần linh đã trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất trên bất kỳ thị trường đơn lẻ nào trên thế giới.

Với doanh thu phòng vé đạt 1,2 tỷ USD cho đến thời điểm hiện tại, “Ne Zha 2” (Na Tra 2), được ra mắt vào ngày 29/ 1, đã vượt qua các bộ phim Mỹ vốn từng là biểu tượng trong ngành giải trí Trung Quốc. Bộ phim hoạt hình này đã đánh bại kỷ lục của “Star Wars: Episode VII – The Force Awakens” (2015), bộ phim đã thu về 936,7 triệu USD tại Bắc Mỹ.

Sự thành công vượt bậc của bộ phim hoạt hình chỉ trong 2 tuần sau khi ra mắt đánh dấu một khoảnh khắc tự hào quốc gia về văn hóa và công nghệ của Trung Quốc, khi khán giả trong nước thiên về các sản phẩm điện ảnh trong nước thay vì phim phương Tây. Thành công của bộ phim cũng nối tiếp sự trỗi dậy của DeepSeek với mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc, được đánh giá là sánh ngang với các mô hình AI của Mỹ.

Sự chú ý dành cho DeepSeek và “Na Tra 2” chính là nguồn động viên kịp thời, khi các quan chức và người tiêu dùng Trung Quốc phải đối mặt với bối cảnh kinh tế ảm đạm kéo dài và một cuộc chiến thương mại khác với Mỹ dưới thời chính quyền Trump mới.

Được đạo diễn bởi Yang Yu, người được biết đến với biệt danh Jiaozi (bánh há cảo) vì tình yêu của ông dành cho món ăn đặc sản của Trung Quốc, bộ phim dựa trên tác phẩm “Phong Thần Diễn Nghĩa” – một kiệt tác của thần thoại Trung Quốc được có từ hơn 400 năm trước.

“Phong Thần Diễn Nghĩa” đã trở thành nguồn tư liệu có giá trị kinh tế cao cho một quốc gia khao khát được chiêm ngưỡng những câu chuyện của chính mình trên màn ảnh. Cội nguồn dân gian của bộ phim đã biến tác phẩm cổ thành một vũ trụ kể chuyện theo phong cách siêu anh hùng giống như Marvel của Mỹ, dành cho các nhà làm phim Trung Quốc.

 Tòa tháp đôi ở thành phố Thành Đô của Trung Quốc được chiếu sáng với các nhân vật trong bộ phim Na Tra 2 trong buổi trình diễn ánh sáng vào ngày 8/2. Ảnh: NYTimes.

Tòa tháp đôi ở thành phố Thành Đô của Trung Quốc được chiếu sáng với các nhân vật trong bộ phim Na Tra 2 trong buổi trình diễn ánh sáng vào ngày 8/2. Ảnh: NYTimes.

Không có bộ phim Trung Quốc nào có thể sánh được với thành công của “Na Tra 2”. Bộ phim, được phát hành trong dịp Tết Nguyên Đán, đã chạm đến trái tim của rất nhiều người Trung Quốc – những người cần một thứ gì đó để khích lệ tinh thần giữa bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và căng thẳng quốc tế leo thang, theo lời của bà Karen Ma, tác giả của “Thế Hệ Kỹ Số của Trung Quốc”, tác phẩm khắc họa các đạo diễn trẻ của nước này.

Bà Karen Ma cho biết, ông Yang, người ở độ tuổi trung niên khoảng giữa 40, từng là một đạo diễn không mấy nổi tiếng nhưng đã kiên trì theo đuổi ý tưởng hay của mình suốt nhiều năm và cuối cùng thành công. Các nhà làm phim hoạt hình Trung Quốc “đã đến được thời điểm mà họ có thể tự hào tuyên bố: ‘Bây giờ chúng ta có thể sánh ngang với Hollywood’, đặc biệt là về mặt hiệu ứng đặc biệt”.

Không chỉ về kỹ xảo

Là phần tiếp theo của “Ne Zha” (Na Tra) – bộ phim đã đứng đầu bảng xếp hạng phòng vé cả nước vào năm 2019 – năm nay, bộ phim lại thu hút một lượng khán giả lớn hơn tại Trung Quốc.

Một rạp chiếu phim tại trung tâm Thượng Hải vào cuối tuần trước đã kín chỗ, khi một đám đông cảm động phản ứng trước bộ phim kéo dài gần 2 tiếng rưỡi bằng cả tiếng cười lẫn nước mắt.

 Một hình ảnh từ phim Na Tra bản gốc năm 2019. Ảnh: WSJ.

Một hình ảnh từ phim Na Tra bản gốc năm 2019. Ảnh: WSJ.

Bà Ni Mingyue, một giáo viên mỹ thuật tại Thượng Hải, cho biết con gái 8 tuổi của bà hoàn toàn say mê bộ phim. Bên cạnh những hiệu ứng hình ảnh hoành tráng, chẳng hạn như các cảnh mô tả cung điện thiên đường nơi các vị thần cư ngụ, bà Ni còn ấn tượng sâu sắc với những bước ngoặt bất ngờ của cốt truyện.

“Đối với nhiều bom tấn của Mỹ, tôi hầu như có thể đoán trước được diễn biến, nhưng bộ phim này đã khiến tôi bất ngờ đến mức không tưởng – điều đó thật sự rất hài lòng”, bà Ni chia sẻ. Bà còn tiết lộ rằng mình đã sưu tập tất cả các món đồ chơi mang chủ đề Na Tra dưới dạng “túi mù” – khi mua, người mua không biết bên trong có gì cho đến khi mở ra.

Jiang Jie, một sinh viên đại học tại Quảng Đông, cho biết cô đã bỏ lỡ một phần của bộ phim trong lúc nghỉ giải lao tại phòng vệ sinh khi lần đầu đi xem, nên đã phải xem lại – thậm chí đến lần thứ ba. “Hiệu ứng đặc biệt của phim thật sự quá ấn tượng đến mức dường như chúng bùng nổ từ màn hình lớn”, cô Jiang nói.

Bộ phim chính thức ra mắt tại Bắc Mỹ vào ngày 14/2. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã đăng tải các video quảng cáo (trailer) của bộ phim được trình chiếu tại Quảng trường Thời Đại trên các tài khoản Facebook và TikTok của mình.

Trước buổi ra mắt quốc tế vào ngày 8/2 tại một buổi chiếu đặc biệt ở Los Angeles, ông Li Zhiqiang, phó tổng lãnh sự Trung Quốc tại thành phố này, đã ca ngợi thành công vượt trội của bộ phim tại Trung Quốc cũng như tiềm năng thu hút toàn cầu của nó. Ông Li kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ trong ngành điện ảnh.

 Các sản phẩm có chủ đề về Na Tra 2 tại một cửa hàng ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: WSJ.

Các sản phẩm có chủ đề về Na Tra 2 tại một cửa hàng ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: WSJ.

Đỉnh cao của chiến dịch kéo dài nhiều thập kỷ

Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc đã sản xuất nhiều tác phẩm hoạt hình, phim live-action và chương trình truyền hình về Na Tra, bao gồm cả một bộ phim hoạt hình được vinh danh năm 1979 với các bản vẽ tay, do đó nhân vật này không còn xa lạ với khán giả trong nước.

Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết Na Tra và “Huyền Thoại Hóa Thần” – một bộ phim khác dựa trên tác phẩm kinh điển “Phong Thần Diễn Nghĩa” – đã lấy cảm hứng từ vũ trụ Marvel. Những bộ phim hoạt hình về Na Tra phản ánh sự ảnh hưởng của Pixar và DreamWorks – không chỉ về phong cách hoạt hình mà còn về khiếu hài hước, theo lời của Bà Doris Sutherland, nhà văn văn hóa và nhà bình luận có cơ sở tại Vương quốc Anh.

Taiyi Zhenren (Thái Ất chân nhân), người thầy của nhân vật chính Na Tra, vốn thường được miêu tả như một vị hiền triết thần thánh, đã được tạo hình thành một người có thân hình đậm, hài hước, bà Sutherland nói.

Thành công của “Na Tra 2”, xét theo nhiều cách, là đỉnh cao của một chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ của các quan chức Trung Quốc nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa nội địa. Bắt đầu từ những năm 1990, Trung Quốc đã nhập khẩu các bộ phim Hollywood và chứng kiến những tác phẩm nhập khẩu thu hút lượng khán giả lớn hơn so với sản phẩm trong nước.

Các nhà sản xuất Hollywood đã rất vui khi chứng kiến điều này. Khi doanh thu nội địa của ngành điện ảnh Mỹ đình trệ, Trung Quốc nhanh chóng trở thành một thị trường tăng trưởng đầy triển vọng, vươn lên thành vị trí thứ 2 trên thế giới.

Đối với ngành hoạt hình, Trung Quốc còn có lượng khán giả lớn là hàng triệu trẻ em. Disney thường xuyên thu về hàng trăm triệu USD từ doanh thu phòng vé, qua đó góp phần thúc đẩy lượng khách đến công viên giải trí của công ty tại Thượng Hải.

Thành công của “Kung Fu Panda” của DreamWorks Animation năm 2008 đã khơi dậy những cuộc thảo luận giữa giới chức Trung Quốc về cách mà đất nước họ có thể khai thác văn hóa dân tộc để sản xuất ra những bộ phim hoạt hình tương tự có sức lan tỏa toàn cầu.

Theo thời gian, chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các nhà sản xuất và biên kịch nghiên cứu các tác phẩm của Hollywood. Bắt đầu từ khoảng năm 2016, các bộ phim Trung Quốc đã thường xuyên vượt doanh thu so với các đối thủ Mỹ.

 Áp phích quảng cáo cho Na Tra 2 trên đường phố Bắc Kinh trong tuần này. Ảnh: WSJ

Áp phích quảng cáo cho Na Tra 2 trên đường phố Bắc Kinh trong tuần này. Ảnh: WSJ

Sự trỗi dậy của phim sản xuất trong nước

Ngày nay, các giám đốc điều hành của các studio ở Hollywood, vốn từng trông cậy vào Trung Quốc như một nguồn thu dễ dàng, giờ đây coi thị trường này chỉ là thứ được nghĩ đến sau cùng. Khán giả Trung Quốc đã mất đi sự quan tâm đối với phim Hollywood đến mức nhiều giám đốc điều hành Mỹ trông đợi không thu về được đồng nào tại quốc gia này.

Trước khi “Na Tra 2” đạt doanh thu 9 con số, các sản phẩm hoạt hình của Mỹ như “Mufasa: The Lion King” và “Moana 2” chỉ đạt mức doanh thu khiêm tốn tại các rạp chiếu phim Trung Quốc.

Các bộ phim nội địa của Trung Quốc – được làm ra bởi những người lớn lên với những câu chuyện và trân trọng chúng – đã tránh được những sai sót trong cách mà Hollywood xử lý các truyền thuyết Trung Quốc, chẳng hạn như khi Disney cho Mulan (Mộc Lan) một con rồng phun lửa làm người bạn đồng hành – mặc dù rồng Trung Quốc vốn gắn liền với nước, theo lời bà Doris Sutherland.

Những phiên bản của Trung Quốc kể lại các truyền thuyết cũ theo cách mới mẻ và hấp dẫn, làm cho chúng trở nên thu hút hơn với khán giả trẻ và phản ánh niềm tự hào văn hóa được chia sẻ giữa người Trung Quốc và hàng triệu người Hoa trên toàn thế giới, theo lời của bà Adi Wulandari, giảng viên tại Universitas Indonesia.

Doanh thu 1,2 tỷ đô la mà “Na Tra 2” đã đạt được tính đến ngày 12/2 chiếm ít nhất 90% tổng doanh thu phòng vé hiện tại, theo nền tảng bán vé của Maoyan.

Mặc dù rất được ưa chuộng tại Trung Quốc, “Na Tra 2” sẽ không được chiếu ở nhiều rạp ngoài các thành phố lớn tại Mỹ. Vẫn còn phải xem liệu khán giả Mỹ có thể đồng cảm với cốt truyện này hay không, bởi nó khác với những tên tuổi quen thuộc của các anh hùng Marvel.

Thu Quyên

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/khoanh-khac-deepseek-cua-dien-anh-phim-hoat-hinh-trung-quoc-dat-doanh-thu-ky-luc-12-ty-usd-post182704.html