Khoảnh khắc khiến người Hàn bật khóc

Gần 3 tháng trôi qua, bệnh nhân Hàn Quốc vẫn sống trong hoang mang và tuyệt vọng vì không được cứu chữa kịp thời do bệnh viện thiếu bác sĩ.

 Bệnh nhân mệt mỏi chờ đến lượt khám tại Trung tâm Y tế Asan. Ảnh: Hankyoreh.

Bệnh nhân mệt mỏi chờ đến lượt khám tại Trung tâm Y tế Asan. Ảnh: Hankyoreh.

Kể từ khi chồng mất vào tháng 3, bà Choi Hee-suk (65 tuổi) không thể ngừng suy nghĩ về câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú không đình công, điều gì sẽ xảy ra nếu ông ấy được điều trị sớm hơn.

Chồng của bà Choi được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn 3 vào năm 2020 và được phẫu thuật tại Trung tâm Y tế Samsung (Seoul, Hàn Quốc). Cho đến tháng 3 năm nay, chồng bà vẫn đi đi về về giữa Daegu và Seoul để phục vụ cho việc điều trị.

Tuy nhiên, kể từ khi bác sĩ thực tập đình công từ giữa tháng 2 do mâu thuẫn với chính phủ, cặp vợ chồng bắt đầu dấy lên những linh tính không lành.

Đến ngày 6/3, tình trạng của chồng bà Choi ngày càng trầm trọng hơn nên được đưa đến một bệnh viện đa khoa ở Daegu. Sau cơn ho dữ dội, chồng bà Choi được bác sĩ khuyên chuyển lên tuyến trên.

Bi kịch lúc này mới thật sự bắt đầu. Hàng loạt bệnh viện đại học lớn đã gần như từ chối vì không đủ bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú.

Mãi đến hôm 10/3, chồng bà Choi được đưa đến Trung tâm Y tế Samsung. Ông được chẩn đoán mắc Covid-19 và qua đời chỉ 4 ngày sau đó.

"Tôi biết việc mắc Covid-19 là điều rất nguy hiểm đối với bệnh nhân ung thư phổi. Nhưng tôi vẫn không thể ngừng tự hỏi liệu mọi chuyện sẽ thay đổi thế nào nếu bác sĩ vẫn làm việc ở bệnh viện", bà Choi đau khổ nói với Hankyoreh.

 Bệnh nhân ở Hàn Quốc không được điều trị, thậm chí phải dời lịch phẫu thuật dù bệnh trở nặng. Ảnh: Yonhap.

Bệnh nhân ở Hàn Quốc không được điều trị, thậm chí phải dời lịch phẫu thuật dù bệnh trở nặng. Ảnh: Yonhap.

Người bệnh suy sụp

Khi các bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Severance nộp đơn từ chức hàng loạt vào ngày 19/2, việc chăm sóc bệnh nhân trở nên gián đoạn và khủng hoảng.

Gần 3 tháng trôi qua, chính phủ và bác sĩ vẫn đối đầu trong căng thẳng. Trong khi đó, bệnh nhân và người nhà lại là những người phải chịu gánh nặng của cuộc xung đột. Họ lo lắng việc điều trị, phẫu thuật sẽ bị trì hoãn vô thời hạn.

Bệnh nhân A. (khoảng 40 tuổi) dự kiến được phẫu thuật u não tại một bệnh viện ở Seoul vào cuối tháng 2. Tuy nhiên, khoảng một tuần trước ngày phẫu thuật, bệnh viện báo với bà rằng ca mổ phải hủy do không có đủ bác sĩ.

Bị hủy lịch, bà A. không còn cách nào khác là phải chờ ngày phẫu thuật mới. Trong thời gian chờ, bà yếu đến mức phải ăn bằng ống dẫn thức ăn, gương mặt ngày càng tái nhợt, thiếu sức sống.

Tương tự, bệnh nhân B. (khoảng 70 tuổi) đã điều trị ung thư gan tại một bệnh viên đại học trong vài năm qua. Đầu tháng 4, bác sĩ khuyên ông nên thực hiện thủ thuật mới để điều trị bệnh ung thư. Đồng thời, ông được thông báo việc xếp lịch điều trị sẽ khó hơn trước do bác sĩ sẽ nghỉ việc.

"Bác sĩ của tôi nói đây có thể là lần cuối tôi gặp họ vì họ cũng sẽ từ chức. Tương lai điều trị mờ mịt khiến tôi bật khóc vì suy sụp", bệnh nhân B. nói.

Bác sĩ hoang mang

Trong bối cảnh bác sĩ thực tập và chính phủ mâu thuẫn, nhiều bác sĩ còn trụ lại cũng hoang mang vì không biết điều gì sẽ xảy ra với họ trong thời gian tới.

Giáo sư Youn Hyun-jo tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Jeonbuk cho biết kể từ ngày 20/2, bệnh viện giảm 1/3 số ca phẫu thuật so với năm 2023 do thiếu nhân lực ở khoa gây mê và giảm đau. Thậm chí từ tháng 4, bệnh viện không dám nhận bệnh nhân mới.

"Chúng tôi nói với bệnh nhân ung thư rằng họ cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt, nhưng chính chúng tôi còn không thể xếp lịch phẫu thuật cho họ", giáo sư Youn nói với Hankyoreh.

Vị giáo sư tiếp tục nói: "Bệnh nhân bắt đầu hoang mang khi nhận được thông báo mắc ung thư. Vì vậy, việc bệnh viên không thể xếp lịch phẫu thuật chỉ khiến họ thêm lo lắng. Một số bệnh nhân đã khóc khi rời khỏi phòng bệnh nhưng tất cả tôi có thể nói là xin lỗi".

Bác sĩ Kim Hye-ry tại Trung tâm Y tế Asan cũng nói chuyện bác sĩ đình công là điều rất khó khăn. Những người rời đi để lại cả núi công việc cho người ở lại. Họ phải tăng ca liên tục để bù vào khoảng trống của các bác sĩ thực tập, nhưng tình huống xấu nhất vẫn có thể xảy ra.

Giáo sư khoa nội tại một bệnh viện đại học ở Seoul cho biết người này đã phải làm việc hơn 90 giờ/tuần kể từ khi bác sĩ nội trú và bác sĩ thực tập đình công.

"Một số giáo sư nghỉ việc không phải để tham gia cuộc đối đầu với chính phủ mà do họ bị kiệt sức vì phải làm việc quá nhiều", giáo sư này thông tin.

 Giảng đường trường y vắng bóng sinh viên vì sinh viên đã nghỉ học để phản đối kế hoạch tuyển sinh của chính phủ. Ảnh: Yonhap.

Giảng đường trường y vắng bóng sinh viên vì sinh viên đã nghỉ học để phản đối kế hoạch tuyển sinh của chính phủ. Ảnh: Yonhap.

Giảng đường y khoa vắng bóng sinh viên

Ngày 13/5 vừa qua, Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết họ sẽ thảo luận về việc hoãn kỳ thi cấp giấy phép hành nghề y vì nhiều sinh viên nghỉ học để phản đối việc chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y.

Trường y trên toàn quốc cũng phải hoãn các lớp thực hành cho sinh viên năm cuối vì lo ngại sinh viên không thể tốt nghiệp vì nghỉ học quá nhiều.

Để ngăn tình trạng sinh viên không thể tốt nghiệp, một số trường y đề xuất hoãn kỳ thi lấy giấy phép hành nghề. Kỳ thi này dành cho sinh viên y năm cuối, thường diễn ra vào tháng 9 hàng năm.

Trước đề xuất này của các trường y, một lãnh đạo Bộ Giáo dục cho biết nếu cần thiết, bộ sẽ xem xét lại việc chốt lịch thi lấy giấy phép hành nghề, đồng thời thảo luận với Bộ Y tế về các cách hỗ trợ sinh viên.

Lãnh đạo này cũng nhấn mạnh rằng sinh viên y nghỉ học càng lâu, gánh nặng học tập sẽ càng lớn. Thông qua đó, ông kêu gọi sinh viên sớm trở lại trường vì Bộ Giáo dục đang tìm cách "cứu" sinh viên trong khuôn khổ pháp lý để các em trở lại lớp không phải chịu thiệt, theo Yonhap.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khoanh-khac-khien-nguoi-han-bat-khoc-post1475277.html