Khoanh, xóa nợ thuế: Tránh hành vi trục lợi chính sách

Chiều 1/11, cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết, song cần đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả năng giám sát đối với các đối tượng được khoanh, xóa tiền thuế để tránh trục lợi chính sách.

Trước khi Quốc hội thảo luận, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bên hành lang Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội - cho biết: việc xem xét khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước không phải là vấn đề mới mà là việc chúng ta cụ thể hóa nội dung đã quy định trong Luật Quản lý thuế đã được Quốc hội thông qua từ kỳ họp thứ 7 và luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2020.

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Khoanh, xóa nợ thuế là cần thiết, song phải có cơ chế giám sát quá trình thực thi chính sách để ngăn chặn hành vi trục lợi

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Khoanh, xóa nợ thuế là cần thiết, song phải có cơ chế giám sát quá trình thực thi chính sách để ngăn chặn hành vi trục lợi

Tuy nhiên, những khoản nợ thuế không thể thu hồi được phát sinh từ trước thời điểm Luật Quản lý thuế có hiệu lực sẽ không áp dụng các quy định trọng luật, do đó, nếu chúng ta không khoanh, xóa nợ thì những khoản nợ thuế này vẫn sẽ tồn tại, càng ngày càng tạo ra khoản nợ lớn hơn do tiền lãi, tiền phạt chậm nộp, mà trên thực tế chúng ta không thể thu hồi được.

Do đó, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước là cách chúng ta điều chỉnh thời hạn áp dụng của Luật Quản lý thuế.

Song, để tránh tình trạng chính sách ưu đãi, khoanh nợ thuế, xóa tiền, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế bị lợi dụng thì công tác quản lý khi triển khai chính sách này cần được quan tâm.

Trước đây chúng ta chưa có các quy định về khoảng nợ thuế nên buộc phải để các khoản nợ, dù chắc chắn là không thu hồi được, tồn tại qua nhiều năm. Nay, cùng với việc Luật Quản lý thuế đã được ban hành, công tác quản lý sẽ được áp dụng chặt chẽ hơn. Vấn đề ở đây là, trong quá trình triển khai chính sách mới theo Nghị quyết này, ngoài luật, các văn bản dưới luật, chúng ta cần thiết kế chính sách đảm bảo công khai, minh bạch, có sự tham gia giám sát của nhiều thành phần trong xã hội trong quá trình xem xét đối tượng được thụ hưởng chính sách khoanh, xóa nợ tới đây. Cùng đó, cũng cần quy trách nhiệm rõ ràng cho những đối tượng khi ra quyết định khoanh, xóa nợ cho những đối tượng nợ thuế.

Trong phần thảo luận tại hội trường, cũng cho ý kiến vào việc đảm bảo không để chính sách bị lợi dụng, đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) cho rằng, quá trình thực thi chính sách cần căn cứ vào hồ sơ thực tế những trường hợp không có khả năng trả để xóa nợ chứ không phải cứ chậm nộp là đương nhiên xóa nợ thuế.

Trong khi đó, bày tỏ băn khoăn khi dự thảo Nghị quyết xóa nợ thuế với đối tượng người đã mất, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, chủ doanh nghiệp đã mất thì người thừa kế phải có trách nhiệm phải nộp thuế chứ không thể được miễn. Do đó, khi xác định đối tượng được xóa nợ thuế thì cần thành lập hội đồng để xem xét xóa nợ thuế trong đó có sự tham gia của các thành phần, như: HĐND, UBND, Hiệp hội doanh nghiệp, các đoàn thể chính trị... “Bởi việc xử lý nợ thuế phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, đúng hồ sơ, thủ tục để việc xóa nợ diễn ra công khai, minh bạch, và có sự giám sát của nhân dân là điều cần thiết” – Đại biểu Thơ phân tích.

Ở góc độ khác, đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn Đắk Lắk), nêu thực tiễn việc các doanh nghiệp hay hộ kinh doanh thay đổi địa chỉ kinh doanh là điều bình thường. Nhưng theo quy định của pháp luật, việc thay đổi địa chỉ kinh doanh phải báo cáo với cơ quan quản lý Nhà nước về đăng ký kinh doanh.

Nhưng “Việc doanh nghiệp, hộ kinh doanh thay đổi địa chỉ, không báo cáo là sai nhưng cơ quan quản lý Nhà nước cũng không biết họ ở đâu? còn kinh doanh hay không? là một lỗ hổng quá lớn” – đại biểu nói và đưa số liệu, hiện có 200 ngàn doanh nghiệp và 600 nghìn hộ kinh doanh mà không biết họ ở đâu, nghĩa là 800 nghìn chủ thể kinh doanh đang làm gì? có vi phạm hay không mà không biết trong một xã hội pháp quyền là điều không thể chấp nhận được. “Do đó, cần làm rõ để tránh việc thất thu thuế”- ông Thành đề nghị.

Cũng góp ý kiến vào việc đảm bảo thực thi chính sách có hiệu quả, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) kiến nghị, dự thảo Nghị quyết không thể chỉ xóa nợ thuế đơn thuần mà cần phải quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xóa nợ thuế, cơ chế giám sát để việc xóa nợ thuế diễn ra công minh, minh bạch đúng, quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cũng cần quy định trách nhiệm của cơ quan giám sát như cơ quan dân cử và MTTQ đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xóa nợ thuế để ngăn chặn các hành vi trục lợi, cố ý chây ì thuế.

Đồng thời, phải đưa ra nguyên tắc xử lý nợ trong các trường hợp được khoanh, xóa nhưng về sau phát hiện thấy việc khoanh xóa nợ không đúng quy định sẽ xóa quyết định xóa nợ đó và yêu cầu truy thu để đảm bảo sức răn đe, ngăn ngừa lợi dụng chính sách để sai phạm.

Thu Hằng - Hoàng Châu

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khoanh-xoa-no-thue-tranh-hanh-vi-truc-loi-chinh-sach-127573.html