Khóc cùng 'Lạc dòng'

Trung thành với tôn chỉ đi theo dòng kịch ngợi ca cái đẹp của chất thiện, đi vào nỗi thua thiệt, xót xa của phận người, Hoàng Thái Thanh, chín năm nay từ ngày thành lập, đã chấp nhận sự 'sạt lở' không chỉ về tài chính, mà cả sự lạnh lẽo của một lượng công chúng chỉ muốn đến sân khấu để mua vui...

Nghệ sĩ Ái Như và diễn viên nhí Huyền Trang trong một cảnh diễn đẩy bi kịch Lạc dòng đến đỉnh điểm. Ảnh: Thanh Hiệp

Nghệ sĩ Ái Như và diễn viên nhí Huyền Trang trong một cảnh diễn đẩy bi kịch Lạc dòng đến đỉnh điểm. Ảnh: Thanh Hiệp

Chiều buông trên dòng sông Cửu Long

Như một cơn ước mong, ơi chiều

Về đâu ơi hàng cây gỗ rong

Nghiêng mình trên sóng sông yêu kiều...

Sân khấu bật sáng, một căn nhà lá ven sông cùng với tiếng hát vút cao da diết của danh ca Thái Thanh, đã vẽ ra trước mắt khán giả khung cảnh miền quê thanh bình, đẹp như một giải lụa mềm của chiều tà. Ở đó, có đôi tình nhân dựa vào nhau, tay trong tay, mong ngóng ngày hợp hôn. Huyền (Lê Thúy) - cô gái, bỗng báo tin một cách bâng quơ rằng cha cô muốn gả cô cho một gã trai giàu có, chủ trại nuôi heo to rộng nằm dọc bờ sông. Tấn (Đoàn Minh Tài) - chàng trai có phần hoang mang, song cô gái trấn an, rằng cô sẽ không theo ý muốn của gia đình, mà vẫn lấy người cô yêu theo sự đính ước ngày trước giữa ông nội chàng trai và ông ngoại cô gái.

Sáu Yến (Thành Hội) - ông nội Tấn là một lão nông trực tính, nghĩa tình “một lời nói ra, bốn ngựa theo không kịp” nên tuy người bạn già quy tiên đã lâu, ông vẫn đến trước bàn thờ thắp nhang quyết giữ trọn lời hứa. Cây nhang ông cắm còn hàm ý tạ lỗi ông bạn quá cố về sự bội tình của con trai mình ngày trước, do tham phú phụ bần, đã bỏ Hiền (Ái Như) - con gái bạn, đi lấy vợ giàu. Ông đau khổ nhớ lại: “Lúc nhỏ đi học, nó hay đánh lộn. Tôi đánh nó một roi là nó ngoan liền. Lớn lên, khi nó phụ tình, tôi đánh nó mười roi, nó vẫn bỏ người nó hứa hôn đi lấy vợ giàu”.

Vai diễn lão nông của nghệ sĩ Thành Hội dễ làm người ta tin bởi với anh, con người sân khấu và con người đời thường dường như là một. Ảnh: Phạm Natao

Vai diễn lão nông của nghệ sĩ Thành Hội dễ làm người ta tin bởi với anh, con người sân khấu và con người đời thường dường như là một. Ảnh: Phạm Natao

Cuộc sống của con trai ông - Kính (Thái Quốc), cha của Huyền từ lâu vốn dĩ đã lệ thuộc vào những đồng tiền viện trợ của bà mẹ vợ Việt kiều gửi từ nước ngoài về. Và bây giờ, trước sức ép của bà, Kính không thể làm khác được, lần nữa, đẩy con gái vào chỗ bội ước với chính con trai của người yêu cũ của mình. Sự xuất hiện với tham vọng của mẹ vợ Kính - bà Tám Nho (Bích Ngọc) đã làm cho “dải lụa mềm của chiều tà” thanh bình ở miền quê bỗng rách tan. Bà có phần hùn trong trại heo nên cố ép cô cháu ngoại lấy gã chủ trẻ tên Thái (Bảo Anh) để dễ bề thao túng. Trại heo của giới nhà giàu với con đê bao quanh, ngăn chặn dòng nước đã làm lạc dòng chảy của con sông, làm xói lở hàm ếch, dẫn đến nguy cơ sụp đổ đất đai, nhà cửa ven bờ... Và cái gì đến, đã đến... Đất sụp, người chết, tiếng la khóc xé tan màn đêm yên tĩnh bao đời của người dân quê...

Lạc dòng là tên gọi mới của kịch bản Đất lở do nhà văn Ngọc Linh viết từ những năm 1990, từng được dàn dựng với nhiều thể loại sân khấu như cải lương, ca kịch bài chòi (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa)... Riêng đạo diễn Ái Như, đã dựng rất thành công vở kịch Đất lở cho Đài Truyền hình TP.HCM vào năm 1998, với những gương mặt gạo cội như Thành Hội (Sáu Yến), Ngọc Giàu (Năm Vảnh), Tú Trinh (Hiền), Tú Lệ (Tám Nho), Khánh Hoàng (Kính), Phương Linh (vợ Kính), Quốc Thảo (Tấn), Hoàng Trinh (Huyền), Quốc Hùng (Thái), Nguyễn Sanh (Nghiêm)...

Soạn giả Ngọc Linh vốn là người nổi tiếng về những vở kịch xoáy sâu vào những mối quan hệ phức tạp trong gia đình, như “bộ ba” Ngôi nhà không có đàn ông, Ngôi nhà thiếu đàn bà, Ngôi nhà của chúng ta... Bằng cái nhìn điềm đạm, từ tốn như chính con người mình, ông khai phá một cách chi li và tinh tế những ngóc ngách tâm lý của từng con người, từng thành viên trong một mái nhà. Cốt truyện ông xây dựng thường giản dị, nhẹ nhàng song kín đáo phía sau lại gói ghém bao điều về thế thái nhân tình, về truyền thống lễ giáo, về nhân sinh quan...

Đất lở cũng vậy, không có gì to tát, vẫn là chuyện “tham phú phụ bần” có khắp mọi nơi trong thiên hạ, diễn ra ở mọi thời đại, thế nhưng câu chuyện ông kể lại mang màu sắc rất đặc trưng của quê hương xứ sở, hơn nữa, rất thời sự mà không kém phần thâm thúy. Cái lý lẽ “đồng bạc xé toạc nhân nghĩa” ông đưa vào kịch hợp lý một cách ngọt ngào không thể phản biện.

Người đàn ông tên Kính lúc nhỏ chỉ lãnh một roi của cha đã trở thành con ngoan, nhưng khi lớn lên, ngửi được mùi thơm khó cưỡng của tiền, bị cha đánh mười roi vẫn một mực quay lưng với lời thề, đi lấy vợ giàu, hàng tháng ngửa tay nhận tiền mẹ vợ chỉ để tấm thân an nhàn, dù bị người đời và chính gia đình vợ khinh khi.

Sức mạnh đồng tiền đã vắt sạch nhân cách của Kính, biến người đàn ông này trở thành nô lệ của vợ và mẹ vợ. Gần cả một đời khiếp nhược trước đồng tiền, Kính không còn sức để quay đầu lại dẫu biết sự nổi giận của cha mình là chính đáng. Thời nhà văn Ngọc Linh viết Đất lở cách đây hơn 20 năm, nguồn tiền từ Việt kiều gửi về như cái phao của nhiều gia đình khốn khó, đồng thời cũng là nơi ẩn nấp an nhàn cho những kẻ lười nhác, thích hưởng thụ. Những người trọng nghĩa nhân như ông Sáu Yến trở thành lẻ loi, cô độc, trong khi lớp trẻ ít nhiều vẫn thiếu bản lĩnh, sợ “áo mặc sao qua khỏi đầu” nên đành cam chịu, không dám đấu tranh.

Một cảnh diễn của nghệ sĩ Thành Hội và Thái Quốc trong Lạc Dòng. Ảnh: Phạm Natao

Một cảnh diễn của nghệ sĩ Thành Hội và Thái Quốc trong Lạc Dòng. Ảnh: Phạm Natao

Sau 20 năm, “Đất lở” vẫn lở, mà còn lở nhiều hơn xưa, đó là lý do để sân khấu Hoàng Thái Thanh quyết định dựng lại vở kịch này với tên gọi mới. So với Đất lở, Lạc dòng lần này có nhiều sự bổ sung về mặt kịch bản để thích nghi với hoàn cảnh xã hội hiện nay, vì vậy, những vấn đề được đặt ra ở Lạc dòng cũng khốc liệt hơn.

Nếu như Đất lở chỉ có đồng tiền của bà Việt kiều Tám Nho thì Lạc dòng có thêm sự câu kết với đại gia trong nước, vì lợi ích riêng tư, núp bóng phát triển kinh tế địa phương, đã làm hại môi trường, phá nát nét đẹp truyền thống của miền quê yên ả. Cụ thể ở đây là trại heo quy mô lớn ven sông đã tự ý đắp con đê khiến nước chảy bị lạc dòng tạo hàm ếch, làm sụp đổ nhà cửa, ruộng vườn. Lòng tham con người không chỉ khiến dòng sông thiên nhiên què quặt mà còn làm cho dòng chảy nhân nghĩa bị lạc dòng, làm xói mòn niềm tin vào con người.

Lạc dòng, có một nhân vật được Hoàng Thái Thanh xây dựng thêm song đã đem lại cho vở diễn sự tươi mát, dễ thương, cũng như đã lấy đi biết bao nước mắt người xem ở cuối vở, đó là Lành, cô bé 9 tuổi, em gái Tấn, do diễn viên nhí Huyền Trang thủ diễn. Bé Lành với những câu nói ngây thơ, trong sáng, với những trò chơi con nít như nhảy dây, úp lá khoai... một cách tự nhiên đã như một làn gió mát giữa không khí oi nồng ngột ngạt của lòng tham, của sự phản bội, của thái độ bất tín.

Với sự chạy trốn thực tại vì bất lực của một thanh niên như Tấn, với việc bị dòng nước nhấn chìm của bé Lành, Lạc dòng đã đẩy bi kịch đến đỉnh điểm, khi lòng tham không chỉ đã hủy hoại môi trường hôm nay mà nguy hiểm hơn, là tận diệt thế hệ tương lai, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Bên cạnh sự có mặt với sức hút không cần bàn cãi của hai nghệ sĩ gạo cội Thành Hội và Ái Như, Lạc dòng còn ghi nhận sự trở lại mới mẻ của nghệ sĩ Bích Ngọc sau 28 năm kể từ ngày chị rời khỏi Đoàn Kịch Trẻ TP.HCM, chuyển hẳn sang công việc lồng tiếng phim. Như bị nén sau một thời gian dài ẩn mình trong phòng thu, lần này, Bích Ngọc trong vai bà Việt kiều Tám Nho như bật tràn năng lượng. Bà Tám Nho của Bích Ngọc tuy là “nguồn cơn” tạo ra xung đột, là vai xấu hẳn hoi song với cách diễn tưng tửng, pha một chút hài hước, một chút đanh đá khiến người xem vừa buồn cười lại vừa thấy đáng thương hơn đáng ghét.

Với nhân vật Kính, diễn viên Thái Quốc lần này có một mảnh đất màu mỡ để thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc lẫn chiều sâu tâm lý. Đây là nhân vật có sự đấu tranh nội tại dữ dội, luôn phải đứng trước sự chọn lựa giữa đồng tiền và nhân nghĩa, hiểu nhân nghĩa nhưng không cưỡng lại được mãnh lực của đồng tiền. Cách diễn của Thái Quốc đem đến sự thú vị vì tạo được nhiều tình tiết bất ngờ.

Các diễn viên trẻ Đoàn Minh Tài (Tấn), Lê Thúy (Huyền), Khiết Hương (Năm Vảnh), Hoài Thương (vợ Kính), Bảo Anh (Thái), Nguyễn Long (Nghiêm) đều diễn tròn vai, song người xem mong mỏi sàn diễn sẽ là nơi mài giũa để những viên ngọc thô này ngày một sáng hơn với nét duyên riêng không trộn lẫn với ai.

Lạc dòng ghi nhận sự trở lại mới mẻ của nghệ sĩ Bích Ngọc sau 28 năm. Ảnh: Phạm Natao

Lạc dòng ghi nhận sự trở lại mới mẻ của nghệ sĩ Bích Ngọc sau 28 năm. Ảnh: Phạm Natao

Khác với sự thâm trầm, nhẹ nhàng của soạn giả Ngọc Linh, đạo diễn Thành Hội khi dàn dựng, đã thổi vào Lạc dòng sự khốc liệt, mạnh mẽ của cuộc đấu tranh vì thiên lương, vì nhân nghĩa. Đảm nhận luôn nhân vật Sáu Yến, một lão nông cương trực, cũng là người giữ vai trò chủ đạo cho phần thiện của vở, Thành Hội dễ làm người ta tin bởi với anh, con người sân khấu và con người đời thường dường như là một. Lạc dòng trong tay anh vì thế, rất rạch ròi giữa thiện-ác, trắng-đen. Cảnh nào cái thiện cũng quyết liệt, khiến người xem hả hê. Gây thích thú nhất là cảnh đám hỏi với những tình huống cười ra nước mắt. Và gây đắng lòng nhất là cảnh kết vở.

Chiều buông trên dòng sông cuốn mau
Thương đời thương lẫn nhau trong chiều
Về đây bọt bèo muôn khắp nơi
Vui buồn cho có đôi, không nhiều
Ngày mai sông về quê mến yêu
Cho trùng dương cũng theo hương chiều
Bể sầu không nhiều, nhưng cũng đủ yêu...

Tiếng hát xoáy không gian của Thái Thanh, cuộn trong tiếng khóc của cả sàn diễn lẫn khán phòng như một bản hợp xướng của đớn đau, của căm giận, của kêu cứu. Một cái kết với nhiều nước mắt, đã như một lời cảnh báo dội thẳng vào trái tim người xem, để nỗi nhức nhối theo họ trên suốt quãng đường về nhà, cũng như sẽ là lời nhắc nhở họ trong cuộc đời: hãy biết trọng nghĩa nhân, biết thương người như thương mình.

* * *

Khi sân khấu Hoàng Thái Thanh ra mắt vở Lạc dòng, trên các trang báo lại tràn ngập tin về việc xúc cát lậu quy mô lớn trên sông làm đổ sụp nhà cửa, ruộng vườn ở đồng bằng sông Cửu Long. Thế nên, kết thúc đêm diễn đầu tiên, khán giả đã phấn khích ào lên sân khấu tặng hoa cho các nghệ sĩ trong niềm xúc động khôn nguôi. Vở kịch đã nói được tiếng lòng của họ, đã cùng họ khóc cho những “đất lở” đang ngày càng dìm cuộc sống con người xuống dòng sông sâu.

Chọn dựng lại Đất lở, một vở kịch cũ mà vấn đề đặt ra vẫn còn rất mới, rất thời sự, phải chăng bản thân sân khấu Hoàng Thái Thanh, xét trên bình diện nghề nghiệp, cũng đang chịu “đất lở” vì bị nghệ thuật “lạc dòng” làm xói hàm ếch? Cách làm nghệ thuật kiểu “trại heo”, kiểu “xúc cát lậu” đã làm cho dòng chảy nghệ thuật ngày càng bị “lạc dòng”, bị đảo lộn giữa các thang giá trị, khiến cho thị hiếu thẩm mỹ của công chúng trẻ ngày càng lệch lạc.

Trung thành với tôn chỉ đi theo dòng kịch ngợi ca cái đẹp của chất thiện, đi vào nỗi thua thiệt, xót xa của phận người, Hoàng Thái Thanh, chín năm nay từ ngày thành lập, đã chấp nhận sự “sạt lở” không chỉ về tài chính, mà cả sự lạnh lẽo của một lượng công chúng chỉ muốn đến sân khấu để mua vui. Những khán giả say mê phong cách Hoàng Thái Thanh vẫn còn đó, vẫn luôn nôn nao chờ đợi mỗi lần sân khấu ra vở mới, nhưng không nhiều, không đủ lượng để nuôi sống Hoàng Thái Thanh hằng đêm. Đem tiền nhà đắp vào chỗ “lở” hằng năm là chuyện quen đến nỗi trở nên bình thường.

Niềm vui duy nhất của Hoàng Thái Thanh là được nhìn thấy những khán giả trung thành khóc cười với mình trong từng vở diễn. Chỉ vậy thôi mà năm nào cũng cố gắng để có được bốn vở, giữ trọn lời hứa với khán giả của mình trong mỗi dịp hội ngộ ngày sinh nhật 14.2. Mà làm vở nào cũng như vắt kiệt sức để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh nhất có thể, như món quà tri ân gửi tới người hâm mộ. Tỉ như vở Lạc dòng lần này, kịch bản Đất lở của nhà văn Ngọc Linh đã là một kịch bản hay, thế nhưng khi chọn dựng lại, Hoàng Thái Thanh cũng xin phép gia đình của tác giả, được thêm thắt, bổ sung một số tình tiết để lần nữa, làm cho vở kịch của Ngọc Linh cập nhật hơn với công chúng ngày nay.

Ấy vậy, đứng trước những khó khăn, đôi lúc Hoàng Thái Thanh không khỏi chạnh lòng, tự hỏi, không biết giữa mình hay “nghệ thuật” thị trường kia, ai đang bị “lạc dòng”?

Cát Vũ

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/khoc-cung-lac-dong-18690.html